LIỄU PHÀM TỨ HUẤN
Tập 3
Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không
Thời gian: 16/04/2001
Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu
Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng,
Thâm Quyến, Trung Quốc
Chư vị đồng học, xin chào mọi người!
Phần trước nói đến có cầu ắt ứng, thiền sư Vân Cốc đặc biệt nhấn mạnh ngữ khí, nói vọng ngữ là đại giới của nhà Phật, chư Phật, Bồ-tát sao có thể gạt người được? Những lời này đều giúp Liễu Phàm tăng trưởng tín tâm. Sau khi tiên sinh Liễu Phàm nghe xong.
Tôi hỏi tiếp: “Mạnh Tử nói rằng: “Cầu ắt sẽ được, đó là cầu ở chính mình”. Đạo đức nhân nghĩa là ở nơi chính mình, chỉ cần con cố gắng thì có thể đạt được, nhưng công danh phú quý là vật ngoài thân, vậy làm sao mà cầu được?
Liễu Phàm tiến thêm một bước nữa, thỉnh giáo thiền sư Vân Cốc, Mạnh tử thường nói: Cầu sẽ được, đó là cầu ở chính mình, ông cho rằng đạo đức nhân nghĩa là ở nơi chính mình, những điều này ta có thể cầu được. Công danh phú quý là vật ngoài thân, làm sao có thể cầu được?
Thiền sư Vân Cốc nói: “Mạnh Tử nói không sai, mà do ông hiểu sai. Ông không thấy Lục Tổ dạy rằng: “Hết thảy phước điền không rời tâm địa; từ tâm này mà cầu, tâm chân thành thì không gì không được”. Cầu ở chính mình, không những trong được đạo đức nhân nghĩa, mà ngoài cũng được công danh phú quý. Nội ngoại cùng được, cầu như vậy sẽ có hiệu quả”.
Đoạn này rất quan trọng, Thiền sư Vân Cốc dù sao cũng là một người tu hành lâu năm. Liễu Phàm gặp ngài, Tiên sinh Liễu Phàm 35 tuổi, lúc này thiền sư Vân Cốc 69 tuổi, hơn nữa còn là một người tu hành đắc đạo. Tục ngữ nói, người đắc đạo là người thật sự khai ngộ, thật sự khế nhập vào cảnh giới của chư Phật, Bồ-tát. Cho nên lời Mạnh tử nói không sai, mà ông hiểu sai. Lời Mạnh tử nói không sai chỗ nào, còn ông hiểu sai chỗ nào? Ở đây không nói nhiều. Bài học trước tôi có nói, nếu bạn có thể tỉ mỉ thể hội thì bạn tự nhiên sẽ hiểu rõ hai câu nói của thiền sư Vân Cốc.
Bên dưới ngài dùng lời của Lục Tổ bên Thiền tông để nói, câu này trong Lục Tổ Đàn Kinh. “Hết thảy phước điền, không rời tâm địa”, “phương thốn” là chỉ tâm địa của chúng ta, lành dữ họa phước đều do ý niệm biến hiện ra, không rời khỏi tâm. “Từ tâm này mà cầu, tâm chân thành thì không gì không được”, chúng ta cầu cảm ứng, cầu từ đâu? Cầu từ trong chân tâm. Cho nên cầu giàu sang được giàu sang, cầu con trai con gái được con trai con gái, cầu sống lâu được sống lâu. Bạn phải biết được đạo lý cầu, bạn phải hiểu được phương pháp cầu. Cầu như lý như pháp thì đâu có chuyện không cầu được? Thế xuất thế gian khó nhất là thành Phật, thành Phật còn có thể cầu được, huống gì công danh phú quý của thế gian? Đó quả thật chỉ là chuyện nhỏ nhặt, chẳng đáng là gì, làm gì có đạo lý không cầu được.
Ngày nay chúng ta cầu, quan trọng nhất là thông. Thế nào gọi là thông? Thông nghĩa là thông suốt chiều không gian, tôi nói như thế thì người thời nay dễ lý giải hơn. Dùng phương pháp gì để thông suốt? Dùng tâm chân thành. Thành là gì? Chân là gì? Chân nghĩa là không có vọng, không phải hư vọng, không có chút hư vọng nào. Thành là gì? Cuối thời nhà Thanh, ông Tăng Quốc Phiên nói rất hay, trong “Độc Thư Bút Ký” của ông có định nghĩa về chữ “thành” này: “Một niệm không sanh thì gọi là thành”, định nghĩa này vô cùng chính xác. Trong Phật pháp nói là không khởi một vọng niệm nào, đây gọi là chân thành. Tâm chân thành chính là bản tánh của mình, chính là chân tâm của mình. Tất cả pháp thế xuất, thế gian đều từ trong chân tâm bản tánh biến hiện ra. Bạn tìm được chân tâm bản tánh rồi thì làm gì có đạo lý không cầu được?
Những lý và sự này trong kinh điển Đại thừa, đức Phật Thích-ca Mâu-ni nói rất nhiều. Người tìm hiểu sơ qua về Đại thừa, đều biết những giáo huấn này của đức Phật Thích-ca Mâu-ni, người nào được thọ dụng? Người y giáo phụng hành sẽ được thọ dụng, được lợi ích. Nếu quý vị đọc kinh mà chỉ biết đọc, không hiểu được đạo lý trong kinh, không hiểu được ý của kinh điển, không thể áp dụng những phương pháp đạo lý này vào trong việc làm sinh hoạt của chính mình, vậy thì bạn không đạt được lợi ích, bạn vẫn chưa thông. Chưa thông, tuy có cầu nhưng không được cảm ứng.
Trước đây, khoảng 30 năm trước, tôi đưa ra vấn đề này. Tôi giảng kinh Địa Tạng ở chùa Pháp Hoa, Tây Môn Đỉnh Đài Bắc. Tôi nhớ lúc đó tôi giảng kinh, pháp sư Quảng Khâm có đến nghe một lần, ngài ngồi bồ đoàn ở dưới. Một hôm, tôi vừa giảng kinh xong đi xuống, có một vị pháp sư ở Cơ Long nghe tôi nói về vấn đề cảm ứng, sư hỏi tôi: “Thưa pháp sư, thầy nói về cảm ứng này không đáng tin”.