/ 20
27

LIỄU PHÀM TỨ HUẤN

Tập 2

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 16/04/2001

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng,

Thâm Quyến, Trung Quốc


Chư vị đồng học, xin chào mọi người!

Phần trước đã nói đến tiên sinh Liễu Phàm đi tham bái thiền sư Vân Cốc, hai người đối diện ba ngày ba đêm trong thiền đường không khởi một ý niệm nào. Thiền sư Vấn Cốc rất hiếu kỳ, hỏi ông: Nguyên nhân tại sao? Tiên sinh Liễu Phàm nói vận mệnh của mình đã được Khổng tiên sinh đoán chắc rồi, suốt 20 năm qua không hề sai lệch chút nào, ông khởi tâm động niệm cũng đều là vô ích, do đó tâm rất an định. Nghe xong thiền sư Vân Cốc nói với Liễu Phàm, đời này ông bị vận mệnh trói buộc bởi vì ông còn có vọng niệm, đây không thể xem là công phu, chỉ có thể nói là một phàm phu tiêu chuẩn. Tiên sinh Liễu Phàm sau khi nghe xong, liền thỉnh giáo lại Thiền sư:

 Tôi liền hỏi: “Vậy số mạng có thể tránh được sao?” Thiền sư Vân Cốc nói: “Mệnh do ta tạo, phước tự mình cầu. Trong hết thảy kinh sách đều nói đạo lý này, quả thực là lời giáo huấn rất hay. Trong kinh Phật của chúng ta nói: Cầu phú quý được phú quý, cầu con trai con gái được con trai con gái, cầu trường thọ được trường thọ. Vọng ngữ là giới cấm quan trọng trong nhà Phật, lẽ nào chư Phật Bồ-tát lại dối gạt người sao?”

Trong đoạn này có ý nghĩa rất thâm sâu, tiên sinh Liễu Phàm hỏi: Con người có vận mệnh, vậy có thể tránh được vận mệnh không? Ông đưa ra câu hỏi như thế. Thiền sư nói: “Mệnh do ta tạo, phước tự mình cầu”. Trong hai câu này có học vấn rất lớn. Trước tiên chúng ta phải hiểu, phàm phu trong lục đạo đều không thoát khỏi số mệnh, số mệnh từ đâu mà có? Cổ thánh tiên hiền, chư Phật Bồ-tát, các ngài là người tái lai, nên hiểu chân tướng sự thật này rất thấu triệt, không chút sai lầm, chúng ta phải tin tưởng điều này. Nếu dùng cách nói của các nhà khoa học hiện nay thì chính là tầng không gian có vô hạn chiều. Giống như họ nói không gian ba chiều, không gian bốn chiều, không gian năm chiều. Về mặt lý luận mà nói, số chiều của không gian là vô hạn. Chúng ta sanh vào cõi người, chỉ sống trong không gian ba chiều. Chúng sanh sống trong tầng không gian bốn chiều trở lên thì chúng ta không biết được.

Ngày nay, các nhà khoa học nói với chúng ta, đích thực có không gian mười một chiều tồn tại. Nhưng làm sao để đột phá các tầng không gian, thì hiện tại các nhà khoa học đang nghiên cứu. Đột phá được tầng không gian rồi, tức là thông thường chúng ta nói, bạn sẽ biết được quá khứ, vị lai. Quá khứ tạo nhân gì thì bây giờ nhận quả báo đó. Đời này tạo nhân gì thì đời sau sẽ nhận quả báo như thế, chẳng phải đều rõ ràng rồi sao? Đây không phải là suy đoán, cao siêu hơn Khổng tiên sinh nhiều. Khổng tiên sinh là đoán từ toán học, Kinh Dịch là một bộ toán học, suy đoán từ trên lý luận của toán học, suy đoán khá chính xác, nhưng không dám nói là hoàn toàn chính xác. Vì suy đoán, chỉ cần có chút sai lầm thì kết quả sẽ hoàn toàn khác nhau. Nhưng nếu có thể đột phá được chiều không gian, như vậy thì sẽ chính xác tuyệt đối, không có chút sai lầm nào. Vì sao vậy? Vì quá khứ, hiện tại, vị lai là do bạn tận mắt nhìn thấy.

Thực tế mà nói những chuyện này không khó, đạo Bà-la-môn thời Ấn Độ cổ, các đại sư Du-già, Số Luận đều có năng lực này. Vì thế cách nói về lục đạo luân hồi không phải của Phật giáo, mà là của đạo Bà-la-môn cổ xưa, hiện nay chúng ta gọi là Ấn Độ giáo. Hiện nay, lịch sử của họ được thế giới công nhận, có lịch sử 8.500 năm, sớm hơn Phật giáo rất nhiều. Những người này đều tu thiền định, trong kinh Phật thường gọi là “tứ thiền bát định”. Do đó, các chiều không gian trong lục đạo, họ hầu như đột phá hoàn toàn. Vì thế đối với tình hình trong lục đạo họ nói rất rõ ràng. Nhưng họ chỉ biết nó như vậy, chứ không biết tại sao nó lại như vậy, lục đạo từ đâu đến, vì sao có hiện tượng này, vì sao có những biến hóa này thì họ không biết được. Vì vậy, đức Phật Thích-ca Mâu-ni xuất hiện ở thế gian này là vì điều gì? Vì những người có năng lực quan sát được những cảnh giới này, nhưng đối với những cảnh giới này họ còn có rất nhiều nghi hoặc không thể lý giải được. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni xuất hiện ở thế gian chính là vì việc này. Đó là chúng sanh có cảm thì Phật Bồ-tát liền có ứng. Điều này đã cảm ứng đức Phật Thích-ca Mâu-ni đến thế gian, nói rõ cho chúng ta về nguồn gốc của những hiện tượng này. Trong kinh điển Đại thừa, đức Phật đã nói rất nhiều, đặc biệt là trong kinh Hoa Nghiêm. Không chỉ là lục đạo, ngoài lục đạo còn có tứ thánh pháp giới, còn có nhất nhân pháp giới, đây đều là quy nạp lại để nói. Nếu nói tường tận thì ngôn ngữ không thể nói hết được. Như các nhà khoa học nói, tầng không gian là vô hạn, hoàn toàn tương ưng với những gì đức Phật nói trong kinh điển.

/ 20