/ 20
12

LIỄU PHÀM TỨ HUẤN

Tập 1

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 16/04/2001

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng,

Thâm Quyến, Trung Quốc


Chư vị đồng học, xin chào mọi người!

Hôm nay, chúng ta có thể ở trong phòng quay của đài truyền hình Phụng Hoàng cùng thảo luận với mọi người về Liễu Phàm Tứ Huấn. Vào năm tôi 26 tuổi, khi mới tiếp xúc với Phật pháp, đây là cuốn sách đầu tiên tôi đọc. Nó có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi, có thể nói là đã ảnh hưởng cả cuộc đời tôi. Tôi vô cùng yêu thích cuốn sách này, cũng thường đọc tụng, và đã từng giảng không ít lần. Hiện nay giảng so với trước đây, trên phương diện cảnh giới đương nhiên có nhiều điểm khác nhau, nhưng những gì giảng trước đây vẫn có thể làm tham khảo.

Tiên sinh Liễu Phàm họ Viên, ông tên Hoàng, hoàng trong “hồng hoàng xanh trắng đen”, tự là Khôn Nghi, đương thời ông là người huyện Ngô Giang, tỉnh Giang Nam. Ông sinh vào thời Minh Thế Tông, Thế Tông là Hoàng đế đời thứ 12 của nhà Minh, năm Gia Tĩnh thứ 14, tức năm 1.535 sau công nguyên. Như vậy, quý vị sẽ có một khái niệm tương đối rõ ràng, đại khái là cách chúng ta hiện nay hơn 500 năm. Ở sau Liễu Phàm Tứ Huấn có kèm theo một bài viết là Du Tịnh Ý Công Ng Táo Thần Ký, cũng là một môn học rất đáng để chúng ta học tập. Du Tịnh Ý sanh vào năm Gia Tĩnh thứ 4, lớn hơn tiên sinh Liễu Phàm 10 tuổi. Vào năm Đinh Sửu, tức là lần thứ hai tiên sinh Liễu Phàm đi thi tiến sĩ, năm đó ông 43 tuổi, còn tiên sinh Du Tịnh Ý 53 tuổi, hai người họ là cùng khoa thi. Du Tịnh Ý thi đậu, tiên sinh Liễu Phàm thi không đậu. Mãi cho đến năm Bính Tuất, tiên sinh Liễu Phàm 52 tuổi mới thi đỗ tiến sĩ. Chúng ta quan sát từ trong truyện ký sẽ thấy được, việc cả đời ông sửa sai đổi mới cũng tương đối gian khổ, không phải là chuyện đơn giản. Đặc biệt là thời gian đầu, 20 năm đầu rất gian nan; đến lúc về già, công phu thuần thục rồi nên việc đoạn ác tu thiện càng ngày càng dễ dàng hơn. Chúng ta xem nội dung:

Khi tôi còn nhỏ cha đã qua đời.

“Tôi” là tiên sinh Liễu Phàm tự xưng, “đồng niên” là lúc còn nhỏ. Căn cứ theo “học thuyết lập mạng”, chúng ta biết ông chắc chắn mất cha trước năm 15 tuổi. Làm sao biết được? Vì lúc ông gặp Khổng tiên sinh là năm 15 tuổi, bởi vậy chắc chắn là trước năm 15 tuổi.

Mẹ tôi bảo tôi từ bỏ con đường công danh khoa cử để theo học nghề y.

“Cử nghiệp” nghĩa là đọc sách cầu lấy công danh. Mẹ ông nói với ông, không nhất định phải đọc sách cầu công danh nữa, mà khuyên ông học nghề y.

Học y có thể duy trì cuộc sống, lại có thể cứu giúp người khác.

Học y có lợi ích, có thể tự nuôi thân, cũng có thể cứu giúp những người

bệnh khổ.

Hơn nữa, nếu có thể tinh thông y thuật thì sẽ trở thành danh y nổi tiếng. Đó là tâm nguyện trước đây của cha con.

Nếu con thật sự học tốt nghề y thì tương lai có thể trở thành danh y, đây là nguyện vọng của cha con đối với con.

Sau đó ở chùa Từ Vân, tôi gặp một ông lão tướng mạo phi phàm, râu dài phất phới, phong thái nhẹ nhàng như tiên ông. Tôi cung kính hành lễ với ông.

Sau đó, “hậu” là năm ông 15 tuổi, tức là năm 1.549 sau công nguyên, tại chùa Từ Vân ông gặp một cụ già. “Tu nhiêm vĩ mạo”, “tu nhiêm” là râu dài phất phới, tướng mạo phi phàm. Nhìn thấy phong thái nhẹ nhàng như tiên ông, không giống như người phàm, sau khi ông nhìn thấy thì rất kính lễ đối với người này. Do đây có thể biết, tiên sinh Liễu Phàm từ nhỏ được dạy bảo rất tốt. Tuy còn rất trẻ, mới 15 tuổi nhưng rất hiểu quy củ xử sự đối nhân tiếp vật, vậy mới có thể khiến người hoan hỷ, khiến người quý mến.

Ông lão nói với tôi.

Cụ già này nói với ông.

Cậu là người trong quan trường.

Ông lão này hình như biết xem tướng, vừa gặp liền nói, cậu có số làm quan.

Năm sau sẽ thi đỗ tú tài.

“Tấn học” tức là sang năm cậu sẽ thi đậu tú tài.

Vì sao không đọc sách.

Vì sao cậu không đọc sách? Vì sao cậu không lo đọc sách mà đi dạo khắp nơi ở bên ngoài vậy?

 Tôi liền nói rõ nguyên nhân.

Ông liền [kể rõ chuyện] mẹ ông dạy ông đừng đọc sách nữa, [mà chuyển sang] học y. Ông đi khắp nơi ở bên ngoài, có thể là đi hái thuốc. Bởi vì 15 tuổi học y, vậy nhất định là học nghề, hoặc là đi theo đại phu, hoặc là học nghề trong tiệm thuốc. Điều này chúng ta đều có thể tưởng tượng được. Cho nên, ông đem ngọn nguồn nói với vị đạo trưởng này.

/ 20