/ 20
5

LIỄU PHÀM TỨ HUẤN

Tập 19

Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không

Thời gian: 20/04/2001

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng,

Thâm Quyến, Trung Quốc.


Chư vị đồng học, xin chào mọi người! Mời xem Liễu Phàm Tứ Huấn, chương thứ tư: “Hiệu quả đức khiêm”. Ở trước đều nói đến sửa lỗi tích thiện, có thể sửa lỗi tích thiện đương nhiên là rất tốt, nhưng người sống trong xã hội không thể không quan hệ qua lại với đại chúng, do đó làm người quan trọng nhất là khiêm tốn. Nếu có tâm ngạo mạn thì rất khó làm được. Cho nên tiên sinh Liễu Phàm đem “đức khiêm” đặt ở phần sau cùng trong bốn bài văn, giống như phần lưu thông trong kinh Phật vậy, ý nghĩa rất quan trọng. Mời xem nguyên văn:

Kinh Dịch dạy: “Đạo của trời là hao tổn kẻ tự mãn mà lợi ích người khiêm hạ, đạo của đất là trở ngại kẻ tự mãn mà trợ giúp người khiêm hạ. Quỷ thần thường gây họa kẻ ngạo mạn mà ban phước người khiêm tốn; con người thường chán ghét kẻ ngạo mạn mà ưa thích người khiêm tốn”.

Đây là những câu trong Kinh Dịch.

Do vậy chỉ có quẻ khiêm là sáu hào đều cát tường.

Chúng ta xem, 64 quẻ trong Kinh Dịch, mỗi hào đều cát tường tốt đẹp mà không có tướng xấu thì chỉ duy nhất quẻ khiêm, chỉ có quẻ này.

Kinh Thư nói: “Ngạo mạn sẽ bị tổn hại, còn khiêm tốn sẽ được lợi ích”.

Hai câu này được nói trong Kinh Thư.

Nhiều lần tôi cùng bạn học đi thi, mỗi lần gặp những thư sinh nghèo sắp đỗ đạt, đều thấy họ nhất định có dáng vẻ khiêm hạ lộ rõ.

Ở sau tiên sinh Liễu Phàm nói, rất nhiều lần ông cùng các bạn học tham gia các kỳ thi, thường gặp các học trò nghèo khó. Lúc sắp phát đạt, cũng chính là lúc họ sắp thi đỗ, trước đó họ có điềm báo, nhất định là họ rất khiêm tốn. Cho nên, xử sự đối nhân tiếp vật, quan trọng nhất là phải hết mực khiêm tốn. Có thể tiếp nhận người khác, có thể thành tựu người khác.

Bốn câu này trong Kinh Dịch, chúng ta nói sơ lược một chút. “Khuy” là tổn thất, “doanh” là ngạo mạn, “thiên đạo” cũng chính là đạo lý tự nhiên. Phàm là người tự mãn thì luôn gặp một số chuyện tổn thất, chuyện thiếu hụt. Người có thể khiêm tốn thì nhất định đạt được lợi ích, đây là thiên đạo. “Đạo của đất là trở ngại kẻ tự mãn mà trợ giúp người khiêm hạ”. “Địa” là rộng lớn, “biến” là biến động, “lưu” nghĩa là tụ tập tại một nơi. Giống như dòng nước, nước thường chảy đến nơi trũng thấp, không chảy đến nơi cao. Cho nên “trở ngại kẻ tự mãn mà trợ giúp người khiêm hạ”. Như nước, chỗ cao là đầy, tự mãn, cống cao ngã mạn thì không đạt được lợi ích, không được thấm nhuần, được thấm nhuần luôn là chỗ thấp. “Quỷ thần thường gây họa kẻ ngạo mạn”, đối với người tự mãn, người ngạo mạn, quỷ thần luôn gây phiền phức cho họ, trêu đùa họ. Còn đối với người khiêm tốn thì quỷ thần tôn kính, quỷ thần giúp đỡ, cõi người làm sao có thể ngoại lệ được! “Con người thường chán ghét kẻ ngạo mạn mà ưa thích người khiêm tốn”. Đối với người tự mãn, người tự đại, người kiêu ngạo thì mọi người thường chán ghét họ, đối với người khiêm tốn thì thường yêu thích họ. Cho nên quẻ khiêm này, chỉ có kiết tường, thuận lợi mà không có hung dữ. Đây là nguyên tắc làm người quan trọng. Bên dưới, tiên sinh Liễu Phàm đưa ra 5 người làm thí dụ, chúng ta quan sát từ chỗ này, cách nhìn của ông quả thực không sai, quan sát rất chuẩn xác. Thí dụ thứ nhất:

Vào năm Tân Mùi, trong số cử nhân về kinh đô dự thi, thì nhóm đồng hương Gia Thiện chúng tôi có 10 người. Đinh Kính Vũ là người nhỏ tuổi nhất, tính tình hết sức khiêm hạ. Tôi nói với Phí Cẩm Pha rằng: “Anh này năm nay nhất định sẽ thi đỗ”. Họ Phí hỏi lại: “Làm sao biết được?” Tôi nói: “Chỉ có người khiêm tốn mới được phước. Anh xem trong số 10 người chúng ta, có ai thành thật trung thực, không dám vượt trước người như Kính Vũ không? Có ai cung kính thuận theo, thận trọng khiêm hạ như Kính Vũ không? Có ai bị sỉ nhục mà không đáp trả, bị hủy báng mà không biện bạch như Kính Vũ không? Người như vậy ắt được trời đất quỷ thần thường trợ giúp, làm gì có đạo lý không phát đạt cho được?” Đến khi yết bảng, quả nhiên Kính Vũ trúng tuyển.

Năm đó tiên sinh Liễu Phàm 37 tuổi, ông đi thi tiến sĩ cùng với mười người bạn, huyện Gia Thiện tất cả có 10 người. Trong 10 người này ông nhận ra Đinh Kính Vũ, Kính Vũ là tự của ông, tên của ông là Đinh Tân. Trong số 10 người thì người này trẻ tuổi nhất, “nhỏ tuổi nhất”, vô cùng khiêm tốn. Liễu Phàm nói với một người bạn khác là Phí Cẩm Pha cũng tham gia kỳ thi lần này; nói với ông, Liễu Phàm nói Đinh Kính Vũ năm nay nhất định sẽ thi đỗ, thi đỗ tiến sĩ. Họ Phí nói: “Làm sao ông biết?” Tiên sinh Liễu Phàm nói: “Chỉ có người khiêm tốn mới được phước”, câu này là định luận từ trong Kinh Dịch. “Anh xem trong số 10 người”, anh xem trong số 10 người chúng ta có ai khiêm tốn như Đinh Kinh Vũ không? “Tuần tuần khoản khoản” là nói giữ chữ tín, trung hậu, thành thật. “Không dám vượt trước người”, luôn đứng sau người khác. Điều này rất hiếm có, không dám đứng trước người khác. “Cung kính thuận theo, thận trọng khiêm hạ”, đối với mỗi người đều có thể cung kính thuận theo. Hay nói cách khác, trong đại chúng ông không cố chấp thành kiến của riêng mình, có thể tùy thuận người khác, rất khó được! “Bị sỉ nhục mà không đáp trả”, ông bị người khác sỉ nhục cũng không nói câu nào, nghe người khác hủy báng ông cũng không biện bạch. Đinh Kính Vũ đều làm được, bản thân ông như vậy nên trời đất quỷ thần đều sẽ giúp đỡ ông, làm gì có chuyện không thi đỗ cho được? Khi yết bảng, ông quả nhiên trúng tuyển, tiên sinh Liễu Phàm không đỗ. Liễu Phàm thi tiến sĩ ba lần, hai lần trước đều không đỗ, đây là lần đầu tiên, năm 37 tuổi ông đi thi, không thi đỗ. Vị thứ hai, ông đưa ra là Phùng Khai Chi, năm đó tiên sinh Liễu Phàm 43 tuổi.

/ 20