/ 20
21

LIỄU PHÀM TỨ HUẤN

Tập 20

Chủ giảng: Tịnh Không Pháp Sư

Thời gian: 20/04/2001

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng,

Thâm Quyến, Trung Quốc.


Chư vị đồng học, xin chào mọi người! Mời xem đoạn sau cùng của bài “hiệu quả đức khiêm”, chúng ta đọc qua đoạn văn này trước:

Lời xưa có câu: “Có chí ở công danh ắt được công danh, có chí ở phú quý ắt được phú quý”.

Mục đích cầu công danh phú quý, ở trước đã nói với quý vị rồi, đại khái đều không ngoài mục đích tìm cầu một cơ hội để phục vụ cho chúng sanh. Trong xã hội hiện nay có thể nói bản chất đã sinh ra sự thay đổi rất lớn so với thời xưa. Hiện nay, chúng ta muốn tìm một cơ hội để phục vụ cho xã hội, phục vụ cho chúng sanh thì vô cùng nhiều. Không cần cầu công danh cũng có thể tạo lợi ích lớn cho tất cả chúng sanh, mỗi ngành nghề hầu như đều có cơ hội như nhau. Trong ngành công thương nghiệp, hiện nay chúng ta thấy rất nhiều công ty xuyên quốc gia. Những xí nghiệp này, như thời xưa có thể nói là công danh phú quý họ đều có đủ cả, đây là trong đời quá khứ họ đã tu tập tích lũy được phước đức nhân duyên lớn nên mới có quả báo thù thắng như vậy.

Trong kinh Phật thường nói với chúng ta, phải “phước tuệ song tu” thì quả báo mới chân thật. Nếu tu tuệ không tu phước, hay nói cách khác, tuy có thông minh trí tuệ nhưng cuộc sống vật chất rất khó khăn. Nếu như tu phước không tu tuệ thì cơ hội tạo nghiệp rất nhiều. Đời này hưởng hết phước báo rồi thì đời sau sẽ đi về đâu. Sống trong xã hội hiện nay, tiếp nhận giáo dục hiện đại, người thông thường đều cho trời đất quỷ thần là mê tín. Sau khi bản thân được giàu sang rồi thì thường không kiêng kỵ gì cả, mặc tình hưởng thụ, không hay không biết đã tạo ra vô số tội nghiệp. Họ có biết không? Họ biết. Tổn người lợi mình, đặc biệt như các xí nghiệp lớn, các ngành kinh tế trên toàn thế giới hiện hay đều bị thao túng trong tay họ. Cổ phiếu, tỷ giá trao đổi ngoại tệ, họ muốn tăng là tăng, họ muốn giảm là giảm, họ làm những việc không chính đáng. Hai năm nay, châu Á gặp khủng hoảng kinh tế, rất nhiều quốc gia hầu như bị phá sản. Nhân dân của quốc gia này mặc dù may mắn được của cải, nhưng thật ra rất nhiều tiền của là dùng mồ hôi nước mắt của mình mới tranh về được. Sau khi khủng hoảng kinh tế, vất vả cả một đời đều bị người khác lấy mất. Tạo nghiệp này quá nặng! Nghiệp này quá sâu nặng, tổn hại biết bao nhiêu mạng người và tài sản. Tại sao trong này lại liên quan đến sanh mạng? Rất nhiều người sau khủng hoảng kinh tế, một khi tài sản mất giá, mức giá hạ quá thấp, họ chịu không nổi cú sốc này nên có người tự sát, nhảy lầu, chúng ta thường hay nghe thấy. Trên thế gian hiện nay có rất nhiều đồng tu nói với tôi, người tự sát rất nhiều. Người già chán đời tự sát, họ cảm thấy xã hội này không có tiền đồ, không có hy vọng. Lớp thanh niên gặp lúc trắc trở cũng tự sát, thậm chí hiện nay đến học sinh tiểu học và trung học, chúng ta cũng thường nghe nói tự sát. Nguyên nhân tự sát là gì? Vì thi không đậu, điểm số không bằng người khác. Bạn nói đây là thế giới gì?

Cho nên, nếu là một người có lương tâm, là người từng tiếp thu giáo huấn của thánh hiền, nhất định phải phát tâm cứu vãn kiếp vận này. Đừng để kiếp vận này thật sự bị những nhà dự ngôn nói đúng, đó quả thực là bất hạnh lớn nhất của nhân loại. Suy nghĩ tường tận vấn đề này, khó! thật sự khó! Nhưng khó đến mấy cũng phải làm, không thể không làm. Cổ nhân nói: “Biết không thể làm nhưng vẫn phải làm”, đây mới là bậc chí sĩ có lòng nhân đức. Nhà Phật nói trí tuệ viên mãn, phương tiện thiện xảo. Ngày nay, người ta gọi là trí tuệ cao độ, phương pháp linh hoạt, phương pháp linh hoạt chính là phương tiện thiện xảo mà nhà Phật nói. Giúp đỡ xã hội này, bắt đầu giúp từ đâu? Đây là vấn đề quan trọng của chúng ta hiện nay. Chúng ta tỉ mỉ quan sát, bệnh của chúng sanh hiện nay là gì? Là bệnh mê mất bản thân, mê mà không giác. Vì mê, mê mất tự tánh, mê mất lương tâm. Lương tâm là chân tâm, làm việc bằng vọng tâm, vọng tâm chính là nói làm việc theo cảm tính, chân tâm là lý trí. Người mất đi lý trí, làm việc theo cảm tính, điều này không đáng sợ ư? Như vậy mới biến thành tà mà không chánh, nhiễm mà không tịnh. Trong tâm là ô nhiễm, không phải thanh tịnh, đây là chỗ tồn tại của gốc bệnh. Con đường cứu vãn, như nhà Nho và nhà Phật nói phải dạy họ. Ngày nay, con đường cứu vãn không có gì khác chính là giáo dục, dạy học. Cũng có thể có người nói, giáo dục hiện nay rất phát triển, trường học ở thành thị hay nông thôn đều san sát, so với thời xưa không biết vượt qua bao nhiêu lần. Về hình thức, nói như vậy thì không sai, nhưng nếu nói trên thực chất thì hiện nay không có giáo dục. Tuy trường học rất nhiều nhưng nội dung của trường học là gì? Chúng ta đã suy nghĩ tường tận chưa? Đã bình tĩnh quan sát chưa?

/ 20