/ 20
9

LIỄU PHÀM TỨ HUẤN

Tập 18

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 20/04/2001

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng,

Thâm Quyến, Trung Quốc.


Chư vị đồng học, xin chào mọi người! Chúng ta xem tiếp đoạn “phương pháp tích thiện”. “Cho nên, việc tốt thường dễ thất bại, còn người tốt thường bị hủy báng”. Chúng ta đọc đến hai câu này có cảm xúc rất sâu sắc.

Lúc ấy, chỉ có những bậc nhân đức hơn người mới đứng ra đính chính lại và giúp đỡ họ, công đức ấy hết sức lớn lao.

Trong tình hình này chỉ có dựa vào những bậc trưởng bối có đức hạnh, họ đứng ra sửa lại những sai trái xấu ác đó, dạy họ cải tà quy chánh, bảo hộ và giúp đỡ người thiện, giúp họ đứng vững, vậy thì công đức này là lớn nhất. Bên dưới đoạn thứ tư nói.

Thế nào là khuyên người làm thiện? Đã sinh ra làm người, ai cũng có lương tâm. Nhưng đường đời bôn ba xuôi ngược nên rất dễ đắm chìm sa đọa. Do đó, hễ giao tiếp với người khác, ta nên khéo léo phương tiện nhắc nhở, giúp họ trừ bỏ những sai lầm mê muội. Ví như, vì người đang say trong giấc mộng đêm dài mà giúp họ tỉnh mộng.

Như thế nào gọi là “khuyên người làm thiện”? Tiên sinh Liễu Phàm nói, một người sanh ra ở thế gian này làm sao không có lương tâm cho được? Thực tế “lương tâm” chính là câu mở đầu nói Tam Tự Kinh: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”, “tánh bổn thiện” chính là hành xử theo lẽ trời. Nhưng “đường đời bôn ba xuôi ngược”, “dịch dịch” là hình dung thế gian này, vô cùng bận rộn vất vả, “rất dễ đắm chìm sa đọa”, đặc biệt là xã hội hiện đại, sức mê hoặc quá lớn. Tâm thiện lương vốn có của con người đã bị những thứ này dụ dỗ, mê hoặc.

Trước đây khi tôi ở Đài Loan, có một lần ở nhà thầy Phương Đông Mỹ, gặp được mấy vị quan chức trong bộ giáo dục. Họ đến thỉnh giáo thầy Phương về vấn đề làm thế nào để phục hưng nền văn hóa xưa, họ nói rất nhiều, tôi cũng ở bên cạnh nghe. Trong đó có một vị đưa ra một vấn đề khác: “Nước Mỹ hiện nay là quốc gia mạnh nhất trên thế giới. Nhìn từ kinh nghiệm lịch sử thì quốc gia mạnh đến mấy cũng có ngày diệt vong. Nhà Chu của Trung Quốc 800 năm cũng bị diệt vong, La Mã của phương Tây 1.000 năm cũng diệt vong”. Họ hỏi: “Tương lai nước Mỹ diệt vong, nhân tố đầu tiên là gì?” Thầy Phương rất nghiêm túc, trầm mặc khoảng 5 phút, sau đó nói hai chữ “truyền hình”. Thầy nói tương lai nguyên nhân nước Mỹ mất nước, nhân tố đầu tiên chính là truyền hình. Truyền hình là một loại công cụ, không có thiện ác, vậy sao có thể khiến đất nước diệt vong? Nội dung trong truyền hình phát sóng là gì? Toàn là sát, đạo, dâm, vọng. Bất luận là người lớn hay trẻ con, mỗi ngày đều đối diện với những hình ảnh này, đây là “rất dễ đắm chìm sa đọa”, bị nó ô nhiễm quá nghiêm trọng. Cho nên thầy Phương nói: “Nước Mỹ diệt vong không phải do nguyên nhân nước khác. Không có ai xâm lược hay đánh nước Mỹ, mà chính nước Mỹ tự diệt vong”. Lúc đó, thầy cũng đưa ra lời cảnh báo: “Đài Loan tuyệt đối phải chú ý, nếu như không kiểm soát tốt chương trình truyền hình, hướng tới tự do mở cửa như nước Mỹ thì tương lai xã hội của Đài Loan không thể cứu vãn”. Hầu như lời thầy Phương nói đều đã đúng. Hiện nay, ngoài truyền hình ra còn có mạng Internet, điều này rất đáng sợ!

Xem tiếp đoạn văn bên dưới: “Hễ giao tiếp với người khác, ta nên khéo léo phương tiện nhắc nhở, giúp họ trừ bỏ những sai lầm mê muội”. Chúng ta chung sống, qua lại với người, phải giữ tâm nhân từ, tâm yêu thương, phải thời thời khắc khắc giúp đỡ người khác, nhắc nhở người khác, để họ phá mê khai ngộ, quay đầu là bờ. “Ví như, vì người đang say trong giấc mộng đêm dài mà giúp họ tỉnh mộng”, họ đang chìm trong giấc mộng lớn, chúng ta nghĩ đủ mọi cách hy vọng họ tỉnh lại.

Ví như, vì người bị vây hãm trong phiền lão đã lâu mà cứu lấy tâm an ổn cho họ. Ân huệ đó lớn lao không gì bằng.

“Phổ” là rộng lớn. Ví dụ người này bị chìm đắm trong phiền não lâu ngày, điều này trong xã hội hiện nay dường như rất phổ biến, chúng ta làm sao đem đến cho họ một thang thuốc thanh tịnh, ân huệ như vậy là lớn nhất.

Hàn Dũ nói: “Khuyên người trong nhất thời thì dùng lời nói, khuyên người đến trăm đời thì viết thành sách”. Nếu so với việc cùng người làm thiện ở trên, tuy là có hình thức, nhưng phải tùy bệnh cho thuốc thì mới có hiệu quả rõ rệt, nên không thể [nản lòng] mà bỏ dở. Còn như, không nên nói mà lại nói, không nên dạy mà lại dạy, thì phải tự xét lại trí tuệ của chính mình.

/ 20