/ 20
21

LIỄU PHÀM TỨ HUẤN

Tập 12

Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không

Thời gian: 18/04/2001

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng,

Thâm Quyến, Trung Quốc.


Chư vị đồng học, xin chào mọi người! Mời xem đoạn văn bên dưới:

Chúng ta đều là kẻ phàm phu, tội lỗi đầy dẫy như lông nhím, nhưng khi nhìn lại những việc đã qua lại thường chẳng thấy mình có lỗi lầm gì, bởi tâm ý qua loa nên mắt bị che mờ.

Đến đoạn này, sau khi đưa ra ví dụ, bây giờ mới chính thức nói. Bản thân chúng ta là phàm phu, lỗi lầm và ác nghiệp quá nhiều. “Vị tập” là ví dụ, giống như lông trên mình con nhím vậy, tụ tập ở một chỗ. “Khi nhìn lại những việc đã qua”, chúng ta nghĩ lại những việc đã qua, dường như thường “không thấy mình có lỗi lầm gì”, không phát hiện thấy mình có sai lầm gì. Cho nên, người thông thường chúng ta hay nói: “Tôi không có tội gì lớn, tôi không có lỗi lầm gì”. Bản thân chúng ta cũng thường có cảm nhận này, đây là nguyên nhân gì vậy? Vì tâm quá thô thiển, mê muội tối tăm không thấy được lỗi lầm của mình. Cho nên thực tế mà nói, Cự Bá Ngọc là tấm gương rất tốt của chúng ta. Đoạn văn bên dưới nói với chúng ta ác nghiệp cũng có điềm báo:

Song người có tội ác quá sâu nặng.

Trong Phật pháp gọi là nghiệp chướng sâu nặng. Nghiệp chướng quá nặng, nhất định có điềm báo không tốt.

Cũng có điềm báo như tinh thần u ám, bế tắc, nói trước quên sau.

Chúng ta tỉ mỉ quan sát những người xung quanh, có khi chúng ta có thể phát hiện thấy, người này rất hay quên, hồ đồ, đần độn. Nói với họ chuyện gì họ quên rất nhanh.

Hoặc không có chuyện gì mà thường sanh phiền não.

Những vấn đề này chúng ta thử nghĩ xem, bản thân mình có hay không? Khi không có vấn đề gì, khi không có ai trêu trọc cũng tự sanh phiền não, chỉ cần bình tĩnh quan sát là có thể phát hiện được.

Hoặc gặp bậc hiền nhân quân tử, lại thấy hổ thẹn buồn chán.

Đây là sợ gặp bậc chánh nhân quân tử, gặp những bậc chánh nhân quân tử, bản thân cảm thấy rất hổ thẹn. Hiện tượng này, nói thực ra vẫn còn cứu được, vì sao vậy? Vì họ còn có tâm hổ thẹn.

Hoặc nghe những lời bàn luận chân chánh nhưng lại không vui thích.

Không vui khi nghe người khác nói lời chân chánh, vì sao vậy? Vì bản thân tạo ác đa đoan, dưỡng thành tập khí ác, nên khi nghe những lời chân chánh hoàn toàn tương phản với những gì mình làm, do đó không vui vẻ tiếp nhận.

Hoặc giúp người nhưng lại bị người oán trách.

Chúng ta bố thí, lấy lễ vật tặng cho người nhưng người ta còn oán trách. Trong tình huống họ bắt buộc phải tiếp nhận, ví dụ họ bị lạnh, bị đói, khi đói lạnh bức bách, chúng ta tặng cho họ một ít áo quần thức ăn đương nhiên là họ nhận. Nhận xong nhưng họ không cảm kích, trái lại còn oán hận bạn, có tình hình này. Trong thế gian hiện nay thường gặp, đây đều là điềm báo ác nghiệp sâu nặng, chúng ta phải thường suy nghĩ.

Hoặc đêm ngủ gặp ác mộng.

Buổi tối gặp ác mộng, gặp ác mộng chắc chắn không phải điềm báo tốt. Bản thân nhất định phải cảnh giác, biết được ác nghiệp của mình rất nặng nên buổi tối mới gặp ác mộng.

Thậm chí nói năng lung tung, thần chí bất thường.

Đây là không có tinh thần, nói năng lộn xộn, lung tung.

Tất cả những điều này đều là biểu hiện của việc làm ác.

Đây là nói sơ lược vài ví dụ, đều là tướng không tốt.

Nếu có một trong các biểu hiện như thế, thì phải phát tâm mạnh mẽ, sửa lỗi làm mới, mong mọi người đừng tự gạt mình.

Nếu chúng ta tự kiểm điểm thấy mình có một hay hai điều giống như các trường hợp nêu ra ở trên thì chúng ta phải cảnh giác, lỗi lầm và ác nghiệp của mình nhất định rất nghiêm trọng. Phải cảnh giác, phải nhanh chóng quay đầu, lập tức phấn chấn. “Sửa lỗi làm mới”, nghĩa là phải sửa đổi lỗi lầm làm mới bản thân. “Hy vọng mọi người đừng tự lừa gạt chính mình”, câu này là khuyến khích chúng ta, hy vọng ta không làm dở dang chính mình. Điều này bản thân nhất định phải phấn đấu, người khác không giúp được. Phương pháp sửa lỗi chỉ nói đến đây.

Tiếp theo chương thứ ba là: “Phương pháp tích thiện”. Mở đầu bài văn, tiên sinh Liễu Phàm trích dẫn hai câu trong kinh Dịch để nói rõ với chúng ta.

/ 20