/ 20
17

LIỄU PHÀM TỨ HUẤN

Tập 11

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 18/04/2001

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng,

Thâm Quyến, Trung Quốc.


Chư vị đồng học, xin chào mọi người! Chúng ta xem tiếp đoạn văn bên dưới.

Dùng cách sửa đổi tâm đồng thời kèm theo những phương pháp còn lại, như vậy không có gì sai lầm. Nếu chỉ chấp vào những phương pháp kém hiệu quả mà không biết đến phương pháp vượt trội hơn thì thật là khờ dại.

Đây là thái độ học tập, cũng rất quan trọng. Hàng thượng căn tuy sửa đổi từ tâm, bắt đầu sửa từ chỗ khởi tâm động niệm, nhưng tuyệt đối không thể lơ là sự tướng. Không thể nói tâm tôi rất thanh tịnh, không cần tuân thủ giới điều nữa, đây là sai lầm. Sai ở đâu? Mặc dù bạn có công phu, nhưng công phu của bạn không phải chân thật, vì sao vậy? Vì người có công phu chân thật thì nhất định có lòng từ bi. Bạn có lòng từ bi thật sự thì bạn nhất định sẽ làm ra tấm gương, làm ra mô phạm tốt cho mọi người noi theo. Đây là lợi tha, tự lợi lợi tha, cho nên điều này là đúng, là chính xác. Nghĩa là hàng thượng căn nhất định phải từng giây từng phút chăm sóc hàng hạ căn. Chúng ta phải tuân thủ mọi giới luật mà đức Thế Tôn đã chế định. Từ giới điều suy rộng ra thì pháp luật của quốc gia, chúng ta cũng nhất định phải tuân thủ. Nói theo nghĩa rộng thì trì giới chính là tuân thủ pháp luật. Trong giới kinh của đại thừa, đức Phật đã nói rất rõ ràng rất tường tận. Trong kinh Phạm Võng nói với chúng ta, Bồ-tát nhất định phải tuân thủ, “không hủy báng quốc chủ”. Quốc chủ hiện nay gọi là người lãnh đạo quốc gia, tuyệt đối không được hủy báng. Trong Anh Lạc Bồ-tát Giới Kinh nói: “Không trốn thuế quốc gia”. Từ xưa đến nay, Trung Quốc hay nước ngoài, nhân dân có nghĩa vụ nộp thuế cho quốc gia, không được trốn thuế. Như những điều này đều thuộc về trì giới. Những điều lệ hiến pháp, pháp luật của quốc gia là hữu hình. Vô hình là những quan niệm đạo đức, phong tục tập quán của chúng ta, đều phải tuân thủ. Trong xã hội hiện nay, do giao thông thuận tiện, nhanh chóng, truyền thông phát triển, chúng ta thường có cơ hội ra nước ngoài du lịch. Đến quốc gia khác, pháp luật của họ không giống với chúng ta, phong tục tập quán của họ không giống chúng ta, nên phải “nhập gia tùy tục”, đến đất nước người ta nhất định phải tuân thủ pháp luật và quy định của họ, tuân thủ phong tục tập quán của họ, đó đều ở trong phạm vi trì giới. Cho nên, trong giới luật bao hàm rộng lớn vô biên, chúng ta đều phải hiểu.

Nếu “chấp vào những phương pháp kém hiệu quả mà không biết đến phương pháp vượt trội hơn”, chấp trước vào những pháp luật, quy định này “tôi tuân thủ mọi thứ” nhưng không hiểu rõ lý, cũng không hiểu sửa đổi từ tâm. Cách sửa như vậy rất ngu ngốc, đây không phải là cách làm thông minh. Nhưng cũng là cách hay, có thể tuân thủ như vậy thì lỗi lầm thường sẽ tương đối ít. Sai lầm là điều không thể tránh, nhưng lỗi lầm có thể giảm đi rất nhiều. Cho nên ông nói với chúng ta, sửa lỗi lầm phải có ba loại tâm, cũng có ba loại công phu khác nhau, điều này nói rất rõ ràng, rất tường tận.

Đoạn bên dưới nói về hiệu quả của việc sửa lỗi, sau khi sửa lỗi sẽ xuất hiện những cảnh giới như thế nào. Cũng chính là nói, chúng ta thấy được hiệu quả như thế nào, thành tích ra sao. Mời xem đoạn văn này:

Nhưng phát nguyện sửa lỗi thì chỗ sáng cần có bạn tốt nhắc nhở, chỗ tối cần quỷ thần chứng minh, phải hết lòng sám hối, ngày đêm không giải đãi.

Chữ “cố” nói như hiện nay nghĩa là “nhưng”, nhưng đã phát nguyện sửa lỗi thì cần phải có sự giúp đỡ. “Minh” là rõ ràng, cần “bạn tốt nhắc nhở”, phải có những người bạn tốt chân thật thường xuyên nhắc nhở bạn. Vì sao vậy? Vì phàm phu hay quên, chớp mắt là quên rồi. Chư vị thử nghĩ xem, nếu có một người ở trước mặt bạn, là bạn tốt của bạn, thường xuyên nhắc nhở bạn, vậy bạn có chê họ nhiều chuyện hay không? Thật vậy, chắc chắn bạn sẽ chê họ nhiều chuyện, chê họ phiền phức. Cho nên, giáo học trong Phật giáo khiến chúng ta không thể không khâm phục sự thông minh trí tuệ của Thích-ca Mâu-ni Phật, ngài dùng phương pháp gì? Phương pháp này, hiện nay trong trường học gọi là công cụ dạy học. Ngài dùng danh hiệu, ngài dùng nghệ thuật để thời thời khắc khắc nhắc nhở chúng ta.

Về danh hiệu, ví dụ danh hiệu Thích-ca Mâu-ni Phật, đây không phải là danh hiệu của bản thân ngài. Tên chính của ngài, trong kinh điển ghi chép là Tất-đạt-đa, nhưng ngài có thói quen dùng danh hiệu này, danh hiệu này là nhắc nhở chúng ta. Nhưng thời xưa, cổ nhân dịch kinh hoàn toàn là dùng âm tiếng Phạn, dịch là Thích-ca Mâu-ni Phật, không dịch ý nghĩa của danh hiệu đó ra. Người thời nay chúng ta khi nghe đến danh hiệu này cảm thấy mù mờ không hiểu nghĩa là gì, nhưng cổ nhân hiểu. Thời xưa nhiều người giảng kinh, nhiều người dạy học, vì các tự viện thông thường đều là trường học. Pháp sư xuất gia chính là thầy giáo, họ ngày ngày ở đó tự nghiên cứu, rồi giảng dạy, dạy học cho đại chúng. Tự viện là trường học, cho nên mọi người đều hiểu.

/ 20