/ 20
10

LIỄU PHÀM TỨ HUẤN

Tập 10

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 18/04/2001

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

Địa điểm: Đài Truyền Hình Phụng Hoàng,

Thâm Quyến, Trung Quốc.


Chư vị đồng học, xin chào mọi người! Mời xem tiếp đoạn văn bên dưới:

Nếu nghe lời phỉ báng mà nổi giận thì dù có khôn ngoan xảo biện đến đâu cũng chỉ như tằm xuân nhả tơ làm kén, tự trói buộc chính mình. Nóng giận chẳng những vô ích mà còn gây hại nữa.

Điều này chúng ta cũng thường gặp trong cuộc sống hằng ngày, bản thân chúng ta nhất định phải đề cao cảnh giác, tuyệt đối không được để cảnh giới xoay chuyển, như vậy thì tổn thất của chúng ta sẽ rất lớn. Một lần nổi giận, bất luận thời gian dài hay ngắn, cho dù chỉ ngắn trong chừng một phút, nhưng tâm lý, sinh lý của chúng ta đã bị tổn thương, phải cần thời gian ba ngày mới có thể khôi phục lại được sự bình tĩnh. Chư vị nghĩ thử xem, nếu mỗi ngày đều nổi giận một lần thì sẽ có hại rất lớn cho sức khỏe của chúng ta, điều này không đáng chút nào. “Nghe lời phỉ báng”, người ta hủy báng chúng ta, đây là điều không thể tránh khỏi. Chúng ta chung sống với đại chúng, quả thật không có cách gì khiến tất cả mọi người cảm thấy hài lòng đối với lời nói và hành động của chúng ta. Chẳng những phàm phu chúng ta không làm được, mà ngay đến đức Phật Thích-ca Mâu-ni cũng không làm được. Bạn xem, lúc ngài còn tại thế có Đề-bà-đạt-đa thường gây phiền phức, hủy báng sỉ nhục ngài, thậm chí hãm hại ngài. Có Đề-bà-đạt-đa, có lục quần tỳ-kheo trong nội bộ tăng đoàn thường gây phiền phức, bên ngoài có lục sư ngoại đạo, đây đều là khi Thế Tôn còn tại thế đã làm tấm gương tốt cho chúng ta. Ngài xử lý sự hủy báng, hãm hại này như thế nào? Dùng tâm bất động, dùng tâm chân thành, bình đẳng, từ bi để xử lý, điều này chúng ta nên học tập. Cho nên, nếu chúng ta nghe người khác hủy báng mà còn nổi giận, thậm chí là cực lực biện hộ cho bản thân, thì đó là tự tìm phiền não. Cho nên, ở đây tiên sinh Liễu Phàm đưa ra một ví dụ: “Như tằm xuân nhả tơ làm kén, tự trói buộc chính mình”, thật sự không cần phải làm như vậy.

“Sân giận chẳng những vô ích, mà còn có hại”, hai câu nói này là danh ngôn chí lý. Do đó, nếu chúng ta hy vọng mình suốt đời sống đời sống hạnh phúc mỹ mãn thì quý vị phải biết làm thế nào để cả đời không nổi giận, đây là công phu tu dưỡng đạt tới tiêu chuẩn rồi. Vừa rồi nói nổi giận có hại cho thân tâm của chính mình, cũng có hại cho đối phương, mình và người đều có hại, hai bên đều không có lợi ích. Nếu chúng ta có thể nhẫn nhịn, có thể dùng tâm bất động để xử lý thì chúng ta sẽ được lợi ích, được lợi ích gì vậy? Định tuệ tăng trưởng. Phước đức trong đời của một người là sinh ra từ định tuệ, định tuệ tăng trưởng chính là phước đức tăng trưởng, định tuệ là nhân, phước đức là quả. Đối phương cũng được lợi ích, chúng ta không có tâm oán hận, không có tâm trả thù, không kết oán thù với họ, cho nên mình và người đều có lợi. Đây là Bồ-tát đạo, là điều Bồ-tát học, chúng ta phải siêng năng học tập. Đương nhiên khi mới học sẽ có những khó khăn nhất định, nhưng bản thân nhất định phải hiểu đạo lý này. Phải khắc phục khó khăn của mình, dần dần sẽ trở thành tự nhiên. Mới đầu phải hết sức nhẫn nại, vài năm sau sẽ làm rất tự nhiên. Đây là đưa ra hai ví dụ để nói.

Còn những lỗi lầm khác đều nên y theo đạo lý này mà suy xét.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta xử sự đối người tiếp vật có vô số lỗi lầm, vô số hành vi ác. Phải luôn nghĩ đến những đạo lý này, nghĩ thông suốt đạo lý này.

Sáng tỏ đạo lý rồi thì tự nhiên sẽ không phạm lỗi lầm nữa.

Bạn chỉ cần hiểu thông suốt tường tận đạo lý thì lỗi lầm tự nhiên sẽ không còn nữa. Đây là phương pháp sửa lỗi thứ hai, phương pháp này thù thắng hơn phương pháp trước rất nhiều. Xem tiếp tiên sinh Liễu Phàm nói phương pháp thứ ba:

Thế nào là sửa từ trong tâm? Mặc dù lỗi lầm nhiều vô số, nhưng đều do tâm tạo ra. Nếu tâm ta bất động thì lỗi lầm từ đâu sanh ra.

Đây là đạo lý lớn, là đạo lý cứu cánh. Lỗi lầm của con người quá nhiều, nói không cùng tận! Không cần nói lỗi lầm do bạn tạo ra, mà khởi tâm động niệm thì tội lỗi đã hình thành rồi. Thử hỏi trong một ngày, từ sáng đến tối chúng ta khởi bao nhiêu vọng niệm, bao nhiêu ý niệm tự tư tự lợi, bao nhiêu ý niệm tổn người lợi mình? Những lỗi lầm này đều “do tâm tạo ra”, bạn khởi tâm động niệm. Cho nên tu hành trong Phật pháp, then chốt của tu hành chính là thiền định. Quý vị tuyệt đối không được hiểu sai ý này, cho rằng trong Phật pháp tu thiền định chỉ có Thiền tông, vậy thì bạn hiểu sai rồi. Chỉ cần là Phật pháp, bất luận là Đại thừa hay Tiểu thừa, Hiển giáo hay Mật giáo, Tông môn hay Giáo hạ, rất nhiều tông phái, vô lượng vô biên pháp môn. Nhà Phật thường gọi là tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn, tóm lại mà nói đều là tu thiền định. Cho nên thiền định là tu hành trong nhà Phật, là nguyên tắc chung của mọi pháp môn, chỉ là cách thức tu thiền định không giống nhau mà thôi. Ví dụ Mật tông dùng phương pháp trì chú để tu thiền định, Tịnh độ tông dùng phương pháp niệm A-di-đà Phật để tu thiền định, đây là phương pháp trì danh, cũng dùng phương pháp quán tưởng, cũng dùng phương pháp quán tượng. Trong Giáo hạ dùng phương pháp đọc tụng kinh điển, dùng phương pháp trì giới. Phương pháp rất nhiều, nhưng chẳng có một phương pháp nào mà không phải là tu thiền định, nếu không phải tu thiền định thì đó không phải là Phật pháp. Sự thật này chúng ta cần phải hiểu thật rõ ràng. Nếu thật sự được định, thế nào gọi là định? Tâm ở trong hết thảy cảnh giới, thuận cảnh, nghịch cảnh, thiện duyên, ác duyên. Thiện duyên, ác duyên là danh từ Phật giáo, là nói đối với hoàn cảnh nhân sự. Thiện duyên nghĩa là ở cùng với rất nhiều người thiện, ác duyên tức là ở cùng với rất nhiều người tạo ác, là hoàn cảnh nhân sự. Bất luận trong hoàn cảnh nào, chỉ cần mình không khởi tâm không động niệm, thì đó gọi là thiền định.

/ 20