/ 6
1.386

LÀM SAO XÂY DỰNG

QUAN HỆ HAI GIỚI

HÒA HỢP TÔN TRỌNG

Làm sao xây dựng quan hệ hai giới hòa hợp tôn trọng

Thầy giáo Thái Lễ Húc giảng

Các vị đồng học thân mến, chào mọi người! Khóa học mấy ngày nay của chúng ta, quan trọng nhất là nhận biết chính mình, tin tưởng chính mình, nắm vững chính mình. Đối mặt với rất nhiều dục vọng, cám dỗ, phải biết khắc phục, biết cách trừ vật dục, tiếp đó là có thể thành tựu chính mình, và chỉ có thành tựu chính mình mới có thể giúp đỡ người khác, lợi ích người khác, đây là trình tự trước sau hết sức quan trọng. Chúng ta ngày nay biết thương mình mới có thể thương người, biết giúp mình mới có thể giúp người, nếu không sẽ như tục ngữ nói: “Bồ tát bùn qua sông, thân mình khó giữ nổi”. Cho nên chúng ta luôn nhấn mạnh, đời người phải có trí huệ, trong sự biết rõ trước sau có thể thấy rốt cuộc chúng ta có tri nhận trí huệ này không. Cho nên người thật sự cai trị thiên hạ, người quản lý đại chúng, điều họ coi trọng nhất là sự tu sửa bản thân, quản lý bản thân. Một câu nói then chốt nhất trong “Đại Học” là “Từ thiên tử cho tới thứ dân, điều then chốt nhất đều là tu thân”. “Thiên tử”, bây giờ không còn hoàng đế nữa, nếu lý giải văn hóa truyền thống như vậy, rất khó có được lợi ích thực chất, chúng ta phải cảm nhận được ý nghĩa đằng sau đó. Thiên tử trước đây là hoàng đế, bây giờ, họ có thể là thủ tướng, họ có thể là tổng thống, họ có thể là lãnh đạo trong một đơn vị. Thật ra câu này tức là người trong các ngành các nghề, muốn có thành tựu trong gia đình, trong sự nghiệp, đều phải lấy sự tu thân, tu dưỡng cá nhân làm căn bản. Chúng ta nghe hiểu câu này rồi, tâm cảnh đó sẽ khác đi, sẽ luôn bắt đầu từ việc tu thân mình, sẽ không đi yêu cầu người khác.

Trong “Trung Dung” lại có một câu nói, “chánh kỉ nhi bất cầu ư nhân, tắc vô oán”, “chánh kỉ hóa nhân”, đây là một câu giáo huấn trong “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên”. Chúng ta thấy những kinh điển này đều đặt sự “chánh kỉ” lên phía trước, tâm thái này hết sức quan trọng. Một vị trưởng bối đọc xong bài giảng bốn mươi tập chuyên đề “Làm sao khai mở cuộc đời hạnh phúc”, quyển sách của ông đã lật rất nhiều lần rồi, nhìn có vẻ đã rất cũ, rất cảm động, dụng tâm học tập như vậy. Ông còn nói với chúng tôi, quyển sách này của ông còn có làm chú thích, mỗi đoạn đều có, càng nghe càng cảm phục. Khi ông mở sách ra, chúng tôi nhìn thấy, mỗi một đoạn đạo lý sau cùng đều chú thích điều gì? Con trai phải coi. Đoạn phía sau, vợ phải coi. Đoạn sau nữa, có thể là em trai phải coi. Cho nên cả quyển sách nhìn vô, tất cả mọi người đều phải coi, tất cả mọi người đều phải học, chỉ có một người không cần học, là ai? Chính mình không cần học.

Chúng ta cảm nhận một chút, nếu các bạn là người nhà của ông, các bạn có phục không? Chắc chắn không phục. Chính mình còn chưa học, còn chưa làm, cứ yêu cầu người khác, chắc chắn sẽ có sự oán trách. Bản thân các bạn chưa làm tốt mà đi yêu cầu người, có thể họ sẽ vì các bạn bây giờ có quyền lực, họ dám giận không dám nói, vừa nghe vừa nói “Được, được, được”, nhưng trong lòng lại nghĩ “chó chê mèo lắm lông, anh cũng không tốt hơn ai đâu”. Cho nên cứ yêu cầu người khác trước chắc chắn sẽ phản tác dụng. Vậy chúng ta bình tâm nhìn lại, thái độ cuộc đời chúng ta là yêu cầu mình trước hay yêu cầu người khác trước? Nếu như trình tự trước sau này bị đảo ngược, rất nhiều việc đều sẽ không như ý, do không có đạo pháp tự nhiên. Ngày nay bản thân mình thật sự chân chính rồi, tự nhiên có thể cảm hóa người bên cạnh, tại sao? “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”.

Có một em nhỏ học tập rất chăm chỉ, ở trong khu phố của mình, em bắt đầu chủ động nhặt giấy vụn dưới đất lên, kết quả những em nhỏ khác đều cười em, nhưng tâm em rất chánh, mẹ em cũng đã dẫn dắt em từng bước, cho nên em cảm thấy đây là việc nên làm, cũng không sợ người ta cười, sau đó rất nhiều em nhỏ trong khu phố đều cùng em đi nhặt. Còn nữa, vào thời gian thi đại học, bên ngoài trường thi có một số cảnh sát, trời rất nóng, họ ở đó giữ gìn trật tự, em nhỏ này nhìn thấy rất cảm động, cũng thông cảm cho sự vất vả của những chú cảnh sát này, liền nói với mẹ mình: “Mẹ, chúng ta đi mua một ít nước suối tặng cho những chú này nhé”. Em thật sự đã cầm nước suối đi tặng cho từng người. Khi những cảnh sát này nhận được chai nước, trong tâm họ đều hết sức cảm động, một em bé mới bảy tuổi, đã biết thông cảm người khác, hơn nữa trường tiểu học của em, nhờ em nhỏ này mà cả trường đã phổ biến “Đệ Tử Quy”. Hàng ngày em đều tới trường rất sớm, cho nên nhân viên trong trường đều quen em, hơn nữa em tới trường đều luôn quét dọn lớp học của mình rất sạch sẽ, những trưởng bối này nhìn vào đều cảm thấy hổ thẹn. Cho nên bản thân mình chân chính, thật sự có thể cảm hóa người khác.

/ 6