198

LÀM SAO ĐỂ XÂY DỰNG

CHÁNH TRI CHÁNH KIẾN TRONG TU HỌC

Tập 2

Pháp sư Thành Đức chủ giảng

Ngày 9 tháng 5 năm 2019

 

Xin chào cả nhà, chúc mọi người buổi sáng cát tường, A Di Đà Phật!

Lúc nãy Thành Đức có để ý, khi mình bước lên bục thì còn có tiếng nhạc đệm theo nữa. Hôm qua có không? Hôm qua cũng là đoạn nhạc này sao? Quý vị xem, sự quán chiếu của tôi rất kém, tại sao hôm nay thì nghe có tiếng nhạc còn hôm qua thì không nghe thấy? Có thể hôm qua là tiết học đầu tiên nên hơi bị căng thẳng, khi người ta bị phiền não làm chủ thì sự quán chiếu sẽ yếu đi, nhìn mà không thấy, nghe mà không hay, đều bị sự chấp trước đó ngăn chặn lại. Hôm nay là tiết học thứ hai, đã thong thả được đôi chút, khôi phục lại một chút quán chiếu thì mới biết được sự dụng tâm của người khác, mở một đoạn nhạc hay như vậy để gia trì tôi. Trước đây khi không mở nhạc thì tôi cũng muốn nói tại sao cô giáo Lý lên bục thì lại có nhạc? Quý vị xem, tập khí từ vô thủy kiếp của Thành Đức, gặp cảnh gặp duyên thì nó liền hiện hành, một chút tâm phân bì liền khởi lên.

Nhưng chúng ta tu học văn hóa truyền thống thì có một tâm pháp rất quan trọng, tất nhiên điều này sư phụ đã chỉ ra cho chúng ta rồi. Chúng ta thật sự có phước báo rất lớn, chúng ta nói là biết phước, tiếc phước, tạo phước, biết duyên, quý duyên, tạo duyên, biết ơn, cảm ơn, báo ơn. Điều này chúng ta đều rất quen thuộc, nhưng chúng ta còn phải thâm nhập mà hiểu rõ những lời này, biết phước, tiếc phước, còn phải tạo phước nữa. Nhưng nếu như không biết phước thì sẽ không biết tiếc phước, như vậy thì phước báo lớn đến mấy cũng sẽ thế nào? Cũng sẽ xài hết. Phước báo cũng giống như tiền bạc vậy, quý vị không dùng nó vào những việc tích công lũy đức, quý vị phung phí thì phước báo sẽ bị tiêu xài hết.

Cho nên sư trưởng đã giảng pháp cho chúng ta nghe, phước báo của chúng ta có lớn không? Khi chúng ta vừa mới nghe thì hết sức chuyên chú, khi đó còn thường xuyên nghe được những điều rất cảm động, nước mắt nước mũi đầm đìa, có lúc không kiềm chế được mình còn phải đảnh lễ ba lạy “Sư phụ thật quá vĩ đại, sư phụ thật quá từ bi”, có không? Đây là tình hình năm thứ nhất. Tiếp tục nghe 3 năm, 5 năm thì bắt đầu “Sao sư phụ lại nói cái này nữa rồi”. Thành Đức nói mọi người nghe, tôi học Phật được khoảng 10 năm rồi, chắc vẫn chưa tới, hồi đó là năm 2006, học Phật khoảng tầm bảy tám năm gì đó, lúc đó có đến Liên hiệp quốc, lúc đó là đem những kinh nghiệm ở Thang Trì cúng dường cho những đại sứ ở đó. Thế là khi sư phụ phát biểu tổng kết thì trong tâm Thành Đức lại nghĩ là thời cơ tốt như vậy, những người ngồi bên dưới đều là đại sứ các nước, kết quả sư phụ dành nhiều thời gian nhất để nói về chuyện gì? Nói về ba người thầy. Tôi ngồi đó mà vô cùng sốt ruột, quý vị biết không? Lúc này thì nên tranh thủ giảng giải về một vài đạo lý chứ, sao lại nói về ba người thầy? Lúc đó tôi ngồi bên dưới rất là sốt ruột. Cho nên quý vị xem, không hiểu, không hiểu được sư phụ đang làm gì, còn cảm thấy suy nghĩ của mình là đúng. Thật ra rất nhiều năm sau bỗng nhiên tôi mới có chút thể hội, văn hóa truyền thống là sư đạo, đó là cái căn bản nhất của nó. Nếu như người ta không có cảm nhận sâu sắc về cái gốc này thì quý vị đem rất nhiều hoa trái ra nói với họ, họ cũng chưa chắc đã được lợi ích, thậm chí sẽ còn chấp trước vào những hoa trái đó.

Ví dụ như, hôm đó chúng ta xem sư phụ thượng nhân, bây giờ pháp duyên của ngài đã đến Liên hiệp quốc rồi, hoa trái đó sum suê biết mấy, chúng ta nhìn thấy thì có khâm phục không? Trong sự khâm phục này có hâm mộ không? Có thiện ác xen tạp không? Ôi chao, quý vị xem, đứng giữa Liên hiệp quốc, hoa tay múa chân. Có thể lúc ban đầu thì phát tâm rất đơn thuần, nhưng đi mãi đi mãi, rất nhiều sự tán thán và tràng pháo tay có khi nào sẽ khơi dậy tập khí từ vô thủy kiếp của chúng ta không? Điều này người khác không nhìn thấy. Cho nên hôm qua mới nói “Hiền Hộ đẳng thập lục Chánh Sĩ”, Hiền Hộ ở đây quan trọng nhất là phải bảo hộ ai? Phải bảo hộ mình cho tốt mới được.

Cho nên trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” câu “Phải từ chỗ ẩn sâu trong tâm mà âm thầm gột rửa” rất là quan trọng. Không hạ công phu này thì cửa ải đầu tiên chúng ta chắc chắn sẽ không phá được. Cửa ải đầu tiên không phá được tức là đời này học tập mấy chục năm, ngay cả cửa cũng không vào được. Vì thế sư trưởng chúng ta thường hay nói rằng, ngài xuất gia thọ cụ túc giới, quay về thăm lại thầy mình, cảm ơn thầy mình, công án này chúng ta đều biết rất rõ. Đến thư viện Từ Quang, thầy Lý Bỉnh Nam vừa nhìn thấy sư phụ từ xa đã nói gì? “Con phải tin Phật! Con phải tin Phật”. Chuyện này chúng ta đã nghe mấy lần rồi? Rất nhiều lần rồi phải không? Chúng ta đã tin Phật chưa? Cho nên tại sao sư phụ phải nói đi nói lại? Bởi vì đó là điều then chốt nhất, nếu như chúng ta không thật sự nhập tâm vào điều then chốt này thì cái gốc sẽ không còn nữa.