/ 5
519

LÀM SAO ĐỂ XÂY DỰNG

CHÁNH TRI CHÁNH KIẾN TRONG TU HỌC

Tập 1

Pháp sư Thành Đức chủ giảng

Ngày 9 tháng 5 năm 2019


Xin chào cả nhà, chúc mọi người buổi sáng cát tường. A Di Đà Phật! Lúc nãy huynh trưởng rất chu đáo, đã đặt cái ghế ở chỗ ngồi của Thành Đức nằm ngang lại, bởi vì huynh ấy biết là sau khi Thành Đức trị liệu xong thì không ngồi được, nên huynh ấy mới đặt ngang lại, nhưng bác sĩ dặn là sau 7 ngày thì đã có thể ngồi được rồi, trong vòng 7 ngày thì không được ngồi, bỗng nhiên Thành Đức có một suy nghĩ, bởi vì tổ sư Ấn Quang có nhấn mạnh rằng tất cả mọi sự đều không tách rời hai chữ nhân quả. Cho nên một tuần lễ không được ngồi mà phải chịu phạt đứng, đó là kết quả, nguyên nhân là gì? Nguyên nhân có thể là kiếp trước hoặc kiếp này đã phạt người ta đứng, cho nên không có việc gì là ngẫu nhiên cả. Tất nhiên mọi người nghe xong cũng đừng nghĩ sau này không dám phạt người ta đứng nữa, việc này vẫn không thể nào nhìn từ trên tướng được, tức là nếu quý vị tâm trạng không tốt mà phạt người ta đứng, phải không, thì như vậy mới phải chịu quả báo xấu. Nếu như quý vị thật sự thương yêu họ, sau khi họ đứng đó thì đã tự kiểm điểm lại sâu sắc, thậm chí đứng đó mà còn được khai ngộ, thì việc này sẽ không phải chịu quả xấu. Vậy nên chuyện nhân quả này là vô cùng vi tế, nhân quả phải nhìn rất thấu triệt. Nếu không có những lúc chúng ta học nhân quả đến nỗi bản thân mình thấy rất lo sợ, chung sống với người khác luôn thấy rất lo sợ, có như vậy không? Nhân quả là pháp dược, phương thuốc này quý vị đừng dùng sai, đừng uống sai, như vậy sẽ không lợi ích được cho mình, cũng không lợi ích được cho người khác. Cho nên những đạo lý về nhân quả nhất định phải hiểu cho thấu triệt. Sư trưởng lão pháp sư có một tọa đàm đã giảng giải về nhân quả vô cùng chi tiết, toàn diện, triệt để. Có huynh trưởng nào nghe thấy, bây giờ, nói là mình vẫn có thắc mắc về nhân quả không, có không? Nếu có thì bây giờ có thể nêu ra ngay. “Trong lòng có nghi vấn, phải nhanh tay chép lại”, đều có thể thảo luận ngay, chân lý là có thể thảo luận được. Nhưng trong quá trình học tập, chúng ta phải tin tưởng Thánh ngôn lượng, Đức Phật đời đời kiếp kiếp không vọng ngữ, cho nên lưỡi của ngài thè ra có thể bao trùm lấy cả đầu, do đó tướng mạo của một người cũng là do tu hành mà có, tướng mạo cũng là nhân quả, một người không vọng ngữ trong ba đời thì lưỡi thè ra có thể chạm được chóp mũi. Chư vị huynh trưởng, quý vị nghe qua đoạn khai thị này chưa? Quay về có soi gương xem không? Vừa xem xong thì thấy sao còn kém xa quá vậy, những điều này đều có thể kiểm điểm lại mình. Nhất là, tiên sinh Tư Mã Quang nói tu hành phải hạ công phu từ đâu? Phải bắt đầu từ việc không vọng ngữ, bởi vì tần suất nói chuyện hàng ngày rất là cao, ngay cả trong “Kinh Vô Lượng Thọ” cũng có nói đến ba nghiệp thân khẩu ý, đã đem khẩu nghiệp đặt lên phía trước, “thiện hộ khẩu nghiệp, bất cơ tha quá” (khéo léo gìn giữ khẩu nghiệp, không bàn luận điều xấu của người). Cho nên tu học trước tiên là phải biết nhìn lại tập khí nghiêm trọng của mình là nằm ở đâu. “Liễu Phàm Tứ Huấn” cũng đã nói tu hành phải hạ công phu từ chỗ khó nhất, từ chỗ nghiêm trọng nhất. Muốn tìm được chỗ này cũng không hề dễ, chúng ta xem ông Du Tịnh Ý đã tìm bao lâu rồi? Đến năm 47 tuổi ông ấy vẫn chưa tìm ra. Cho nên muốn tìm được vấn đề của mình thì thật sự không hề dễ. Trong “Luận Ngữ” Khổng Lão Phu Tử có một câu cảm thán rằng, ngài nói rằng “Dĩ hĩ hồ” (Thôi hết rồi!), “Dĩ hĩ hồ” trong ngôn ngữ hiện đại có nghĩa là “Ôi chao, thôi đành vậy”, nó có nghĩa như thế. Cho nên sau này khi mọi người đọc “Luận Ngữ” chỉ cần nhìn thấy câu “Dĩ hĩ hồ” thì lập tức phải rất coi trọng câu nói này, thánh nhân không bao giờ cảm thán bừa bãi, phải không? Đó đều là biểu pháp, những người nhập tánh đức thì nhất cử nhất động của họ đều là chân tâm đang hiển bày, chúng ta phải biết khéo léo quan sát thì sẽ học được rất nhiều thứ. Khổng Tử nói “Dĩ hĩ hồ, ngô vị kiến năng kiến kì quá nhi nội tự tụng giả dã” (Thôi hết rồi! Ta chưa từng thấy người nào có thể tự phát hiện sai lầm và tự phê phán bản thân). Mọi người có ấn tượng về câu nói này không? Ôi chao, thôi đành vậy, ta chưa nhìn thấy ai có thể “kiến kì quá” tức là biết lỗi, “nội tự tụng” là sao? Hối lỗi mà thôi, vẫn chưa đến cái gì? Sửa lỗi. Cho nên tại sao trong Phật môn có một câu nói là “Tu hành phi đế vương tướng tướng sở năng vi” (Tu hành không phải việc mà hễ là đế vương hay tướng lĩnh thì sẽ đều làm được). Mấy đại tướng quân đó, mười vạn đại quân họ xông vào như chốn không người, họ có dũng mãnh không? Quý vị bảo họ đừng nóng giận, hoặc là đừng ăn thịt, thì họ sẽ bảo “Hay là anh giết tôi đi”, phải không? Vậy nên tại sao kiến trúc truyền thống của Phật giáo, bước vào cửa nhà Phật, một kiến trúc chủ yếu nhất gọi là đại hùng bảo điện, người có thể điều phục tập khí của mình tức là đại anh hùng. Cho nên tất cả sự tu hành thật ra chính là biết lỗi, hối lỗi, sửa lỗi. Nhìn thấu là biết lỗi, buông bỏ là sửa lỗi. Các đồng nhân chúng ta sắp đặt khóa học lần này, cảm thấy họ cũng rất dụng tâm, có lẽ cũng là một số thể hội trong quá trình tu học nhiều năm nay của họ, cảm thấy sắp đặt những lời giáo huấn của sư trưởng về những kinh điển này đối với việc hộ niệm sơ phát tâm, bất luận là các nhân viên hoằng pháp hay hộ pháp thì đều rất quan trọng, đây là cảm nhận của bản thân Thành Đức. Giống như trong “Kinh Vô Lượng Thọ” có nói: “Hộ Phật chủng tánh thường sử bất tuyệt” (giữ gìn chủng tánh Phật, khiến cho thường còn không mất), chủng tánh Phật tức là Bồ đề tâm, có nhiều bạn trẻ phát nguyện như vậy, đó chính là Bồ đề tâm, làm sao để hộ trì Bồ đề tâm của họ cho tốt, trong nhà Phật nói là “hộ” (giữ gìn, duy trì), “Hộ Phật chủng tánh thường sử bất tuyệt” (giữ gìn chủng tánh Phật, khiến cho thường còn không mất), “hưng đại bi, mẫn hữu tình, diễn từ biện” (Khởi lòng đại bi, thương xót chúng sanh, thể hiện lòng từ). Các bạn trẻ trong những khóa học này, tri kiến đúng đắn được cắm xuống rồi thì có phải là “thọ pháp nhãn” (trao cho pháp nhãn) không? Đúng vậy. “Đỗ ác thú” (đóng các đường ác) con đường họ đi phải đối mặt với rất nhiều sự cám dỗ khác nhau, họ kiểm soát được rồi thì là “đỗ ác thú, khai thiện môn” (đóng các đường ác, mở các cửa thiện). Cho nên trên thực tế, “Kinh Vô Lượng Thọ” cũng vậy, bất kì kinh điển nào cũng vậy, hiện tại chúng ta có thực hành được không? Có thể thực hành được rồi, người khéo tư duy thì mỗi một câu kinh giáo họ đều sẽ được thọ dụng, mỗi một câu kinh giáo họ đều có thể tự lợi lợi tha, tự tha bất nhị. Có một lần ở Australia, lúc đó có một cặp vợ chồng đến học tập, chắc học khoảng một tuần lễ, khi họ học xong rồi thì cũng cảm thấy thu hoạch được rất nhiều điều, rồi họ cũng rất cung kính mà báo cáo với sư trưởng về những tâm đắc khi mình đã học xong. Kết quả khi báo cáo xong rồi thì họ tổng kết được một câu là “Phật pháp không tách rời cuộc sống”. Lúc đó Thành Đức ở bên cạnh thì cảm thấy họ tổng kết rất là sâu sắc, “Phật pháp không tách rời cuộc sống”. Sư trưởng nghe xong, đợi khoảng tầm hai ba giây sau thì ngài trả lời lại một câu “Phật pháp chính là cuộc sống”, “không tách rời”, “không tách rời” thì vẫn có cái gì? Vẫn có hai cái. “Chính là”, thì đã là cái gì rồi? Là một rồi. Vậy nên giải hành tương ứng nó cũng đã biến thành một rồi. Tôi còn nhớ hồi mới vừa mới bắt đầu học Phật thì sư trưởng đã nói rằng phải biến “Kinh Vô Lượng Thọ” thành cuộc sống, trong công việc, xử sự đối người tiếp vật. Điều này đối với sự tu học của chúng ta cũng là một tri kiến rất quan trọng, như thế chúng ta sẽ không tách rời cuộc sống và kinh điển ra thành hai phần. Lúc đó sư phụ đã nói, thực hành 100% thì là thượng phẩm thượng sanh, thực hành 90% thì là thượng phẩm trung sanh, cứ tính tiếp như vậy, thực hành 20% thì là hạ phẩm hạ sanh. Bây giờ nói những đạo lý gì cũng đều phải móc nối với việc vãng sanh, bởi vì hễ móc nối với việc vãng sanh thì lỗ tai chúng ta sẽ dựng lên mà nghe, tiếp theo đây là điều trọng điểm. Trước đây khi vừa mới bắt đầu, khi sư trưởng muốn phổ biến “Đệ Tử Quy”, rất nhiều người học Phật như chúng ta đều cảm thấy “Đệ Tử Quy” là pháp thế gian, không muốn học, lúc đó số người đến tham gia khóa học rất là ít, họ không xem trọng, sau đó sư trưởng mới viết một lá thư nói là hy vọng mọi người sẽ đến nghe khóa học này, bên trên đó ngài còn kí tên của mình vào nữa rồi viết là “Thích Tịnh Không đảnh lễ”, cứ vậy mà phát ra mọi người thấy là sư trưởng xem trọng như vậy nên không dám không đi, họ mới đến tham gia. Vậy nên “nghe lời” có dễ không? Không hề dễ. Sư trưởng nói “Đệ Tử Quy” rất quan trọng, mọi người vẫn còn giữ suy nghĩ của mình, đợi đến khi sư trưởng đảnh lễ rồi thì có phải họ đã nhận thức được là “Đệ Tử Quy” rất quan trọng rồi không? Cũng chưa chắc, chỉ là không đi thì không được thôi, đi rồi, thâm nhập tìm hiểu những giáo huấn trong “Đệ Tử Quy” rồi mọi người mới ngẫm lại thấy là những căn cơ này mình đều không có đủ, rồi mới bắt đầu xem trọng. Cho nên những lời mà sư trưởng nói, ngài đã trải qua mấy chục năm, thậm chí là những lời bây giờ ngài nói là những lời đã trải qua sáu mươi mấy năm tu hành mà có, chúng ta chưa chắc đã thể hội được sâu sắc, nhưng ai là người có phước báo nhất? Những người cứ theo đó mà làm, những người thật thà nghe lời là những người có phước báo, bởi vì quý vị cứ làm cứ làm thì sẽ hiểu, thì sẽ lãnh ngộ được. Do đó người thật thà là người có phước, họ sẽ bớt được rất nhiều đoạn đường oan uổng. Có một vị đồng tu Singapore, lúc đó sư trưởng cũng bảo anh ấy học văn hóa truyền thống, anh ấy cũng cảm thấy đó là pháp thế gian, còn thứ anh ấy học là Phật pháp Đại thừa, trong “Kinh Vô Lượng Thọ” có nói “Ư ngã pháp trung đắc danh đệ nhất đệ tử” (Đáng gọi là đệ tử bậc nhất trong pháp của ta), câu này mọi người có ấn tượng không? Vậy thì trọng điểm đến rồi, khi chúng ta đọc được câu này “Ư ngã pháp trung đắc danh đệ nhất đệ tử”, đi đứng liền rất oai phong, vậy câu nói này sẽ biến thành thuốc độc, câu nói này đã tăng trưởng điều gì của chúng ta? Ngạo mạn. Nếu như “Ư ngã pháp trung đắc danh đệ nhất đệ tử” vậy thì mình phải làm sao cho xứng là đệ nhất đệ tử, khởi tâm động niệm, nhất ngôn nhất hành đều phải làm tấm gương cho người thế gian, vậy thì câu kinh này sẽ phóng quang. Cho nên khi học một bộ kinh điển thì trước hết tâm thái học tập của chúng ta phải đúng đắn, tâm thái phải đúng đắn. Hôm qua là ngày đản sanh Văn Thù Bồ tát, trong quá trình huấn luyện này thì mọi người sẽ gặp vài ngày quan trọng, trước tiên là ngày khai giảng đầu tiên, ngày 22 tháng 3 âm lịch là ngày đản sanh Mẫu tổ, rất trùng hợp, khóa học này được lên lịch từ năm ngoái, cũng chưa có ai phát hiện ra, đến lúc đó, một ngày trước khi cô giáo Lý lên giảng thì mới biết, quý vị xem cảm ứng bất khả tư nghì phải không? Tốc độ cảm ứng có nhanh không? Nhanh cỡ nào? Lấy một ví dụ cho mọi người xem cảm ứng nhanh cỡ nào nhé. Trong một nhà lao nọ có một nữ phạm nhân bị đưa vào, cô ấy rất xinh đẹp, kết quả là quan viên trong nhà lao đó đã khởi lên ý niệm xấu, muốn phi lễ với cô gái này, đồng nghiệp bên cạnh đã ngăn cản ông ta “Ông không được làm như vậy”, ngăn ông ta lại. Kết quả vị quan viên rất có chánh khí kia, buổi tối hôm đó nhà con gái ông bị trộm, có hai tên trộm, trong đó có một tên muốn phi lễ với con gái ông thì bị tên trộm kia ngăn lại, ngay trong buổi tối cùng ngày. Cảm ứng nhanh cỡ nào? Nếu như vị quan viên này hôm đó không ngăn đồng nghiệp của mình lại thì có lẽ kịch bản đã không phải diễn như vậy nữa rồi. Cho nên hành thiện phải kịp thời, vận mệnh của chính mình thậm chí còn như thế nào với vận mệnh của tổ tiên, của con cháu mình? Đều có liên quan với nhau. Quý vị xem chúng ta đọc “Kinh Địa Tạng” thì có ấn tượng rất sâu sắc, nữ Bà la môn vừa mới phát nguyện thì mẹ cô ấy liền được siêu độ, Quang Mục nữ cũng như vậy, cho nên đều liên quan chặt chẽ với nhau. Vì thế tốc độ của sự cảm ứng thật sự là vô cùng nhanh chóng. Vậy chúng ta vừa phát tâm như vậy thì ai biết được? Trong pháp ngữ của sư trưởng có một câu là “Một niệm khắp cả hư không pháp giới”. Mọi người có tin không? Thật vậy sao? Nếu như mọi người thật sự tin tưởng thì Phật Bồ tát không nơi đâu mà không hộ niệm chúng ta, bởi vì các ngài đã nhập pháp thân rồi, “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”, chúng ta vừa phát nguyện thì các ngài có biết không? Các ngài có hộ niệm không? Có. Vậy quý vị còn lo lắng điều gì? Lo lắng là phiền não, phiền não tương tục thì Phật Bồ tát có gia trì được không? Không gia trì được nữa. Cho nên phải tin tưởng rằng tất cả đều do Phật Bồ tát an bài, mình không cần lo lắng, an trú trong hiện tại, giữ gìn mỗi một ý niệm của chúng ta cho tốt, rất nhiều cảnh giới khảo nghiệm đều sẽ vượt qua từng cửa ải một. Nhưng nếu như sanh phiền não hoặc sanh tâm nghi ngờ, phiền não làm chủ thì cái nguyện đó có còn nữa không? Nguyện đó hơi bị… cũng giống như máy phát thanh vậy, hơi bị “rè…”, sắp sửa biến mất. Vậy nên cuộc đời con người chỉ có hai loại, một là nguyện lực, hai là nghiệp lực, nếu là nghiệp lực thì thật sự sẽ có một cảm giác là “tất cả đều do mệnh, một chút chẳng do người”, trước khi mọi người học Phật thì có cảm giác này không? Vận mệnh quý vị chắc chắn là đều rất tốt, không có cảm giác này, rất nhiều việc đều không làm chủ được, “một chút chẳng do người”, đây là nghiệp lực, đời người đều là trả nghiệp mà đến, quý vị có nguyện lực rồi thì mới có thể chuyển được nghiệp lực đó. Hôm trước tôi còn nhắc đến với mọi người, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ có nói, người trước đây ba ngày không gặp chuyện xui xẻo liền khóc “Phật Bồ tát không gia trì mình nữa rồi”, tại sao vậy? Họ có một sự cảnh giác là thuận cảnh sẽ đào thải con người, nghịch cảnh sẽ tôi luyện con người, khi gặp nghịch cảnh liền đề cao cảnh giác; khi gặp thuận cảnh, được hưởng phước thì dễ đánh mất sự cảnh giác mà bị đọa lạc. Vậy nên tinh thần cảnh giác của họ nằm ở chỗ đối với các thuận cảnh đều cảm thấy đó là sự mê hoặc của ma vương đến rồi, họ sẽ không dễ gì bị đọa lạc trong thuận cảnh. Do vậy tu hành phải rất biết cảnh giác mới được. Và tính cảnh giác cao độ này cũng giống như vừa rồi chúng ta có nói “hộ Phật chủng tánh” (giữ gìn chủng tánh Phật), trước hết phải hộ trì ai? Hộ trì chính mình, “Hiền Hộ đẳng thập lục Chánh Sĩ” (có mười sáu Chánh Sĩ Bồ-tát làm bậc thượng thủ), quý vị xem, đặt Hiền Hộ lên trước tiên, Hiền Hộ trước hết phải hộ niệm mình cho tốt. Cho nên “Tự kỉ bất năng độ, nhi năng độ nhân giả, vô hữu thị xứ” (chính mình chưa được độ, mà có thể độ người, không có chuyện như vậy). Cho nên chúng ta phát nguyện rồi, sự phát nguyện này, trình tự trong tứ hoằng thệ nguyện rất là quan trọng, nguyện thứ nhất là “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, tôi nghĩ mọi người thông qua khóa học một tuần lễ này thì Bồ đề tâm, Dũng mãnh tâm đều đã được phát khởi rồi, lấy chí thầy làm chí mình, chí này đã được lập rồi. Nguyện thứ hai trong tứ hoằng thệ nguyện “Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”, đó là điều phục tập khí, giáo dục nhân quả có hữu ích rất then chốt trong việc điều phục tập khí. Vì thế sư trưởng trong chuyên đề này, thậm chí là khi ngài giảng kinh đều đã đặc biệt nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc tu học nhân quả. Do đó hộ trì chính mình, phải có tinh thần cảnh giác rất cao. Lúc nãy chúng ta có nói về sự cảm thán của Khổng Tử, con người rất khó nhìn thấy lỗi của mình, tiếp đó là phản tỉnh. Thật ra sự sắp xếp trong khóa học của chúng ta, “Truyện ông Du Tịnh Ý gặp Thần Bếp”, mọi người đọc tụng, sau đó lại còn xem phim, sự sắp xếp như vậy rất là quan trọng, rất là dụng tâm, điều này cũng thật sự là “hộ Phật chủng tánh thường sử bất tuyệt” (giữ gìn chủng tánh Phật, khiến cho thường còn không mất). Mọi người xem, ông Du Tịnh Ý, tư chất của ông ấy rất là tốt, phải không? “18 tuổi đỗ chư sinh”, là tú tài rồi phải không? “Mỗi kì thi cử đều đỗ cao”, quý vị xem ông ta có thông minh trí huệ không? Có. Mặc dù ông ấy có tư chất thông tuệ như vậy nhưng nếu như không thật sự đi theo con đường tu học biết lỗi sửa lỗi thì không tiến ắt lùi, sẽ bắt đầu dần dần dần dần, ông ấy đi theo con đường gì? Con đường học tập học thuật, học tập tri thức. Đại sư Ngẫu Ích có một đoạn nhắc nhở chúng ta rằng “Học vấn dũ đa, ngã mạn dũ sí” (Học vấn càng nhiều, ngã mạn càng cao), chữ “sí” nghĩa là cháy rực, có bộ hỏa, “Học vấn dũ đa, ngã mạn dũ sí; tập khí dũ trưởng, khứ đạo dũ viễn” (Học vấn càng nhiều, ngã mạn càng cao; tập khí càng tăng, cách đạo càng xa), con đường họ đi sẽ không đúng nữa, cho nên “Duy ích đa văn, tăng trưởng ngã kiến, khả cụ dã” (Đọc nhiều nghe nhiều, tăng trưởng ngã kiến, là điều đáng lo). Chúng ta hiếm có thế này, thân người khó được, Phật pháp khó nghe, Đông độ khó sanh, đời này có thể thành tựu đạo nghiệp vãng sanh thành Phật. Nhưng nếu như không cảnh giác thì sẽ đi sai phương hướng, như vậy sẽ vô cùng vô cùng đáng tiếc, cho nên đại sư Ngẫu Ích đã nhắc nhở một câu như thế. Trước đây chúng ta có xem bài chia sẻ của thầy Hồ Tiểu Lâm, trước đây, sau khi thầy ấy học xong thì cũng đã hiểu được một vài đạo lý, rồi thầy ấy luôn nhìn vào vấn đề của người thân, cho nên dần dần hễ thầy ấy gặp người thân là họ lại cảm thấy rất áp lực, rồi thầy ấy mới tự kiểm điểm lại mình, phải làm từ chính mình, sau đó cả gia đình thầy ấy đã được chuyển đổi. Vì thế thầy ấy đã chứng minh cho chúng ta thấy, y báo chuyển theo chánh báo, những điều này đều rất là sâu sắc, thầy ấy đã biểu diễn cho chúng ta rồi, nhà Nho có nói “Hành hữu bất đắc, phản cầu chư kỉ” (làm việc gì không được, phải quay lại xét mình), những tâm pháp này của thầy Hồ, thầy ấy thật sự đã lãnh ngộ rất sâu sắc. Xem hết bài giảng của thầy ấy rồi, trọng điểm nằm chỗ nào, quay trở lại, Phật pháp chính là cái gì? Là cuộc sống của mình, công việc của mình, là sự xử sự, đối người tiếp vật của mình, như thế mới được thọ ích. Trong bài giảng của thầy Hồ, câu nào cũng là những lời nói từ tâm can của thầy ấy, ví dụ thầy ấy nói rằng “Phật pháp đem lại cho tôi điều gì? Là sự mâu thuẫn trong gia đình sao? Không nên như vậy chứ, vậy tại sao sau khi học xong thì tôi lại gây ra tình trạng này?”. Sự suy ngẫm của thầy ấy rất sâu sắc, bắt đầu làm từ chính mình, và đặt mình vào vị trí của người khác, quý vị xem sau cùng thầy ấy tự mình sửa lỗi, người trong nhà sau đó cũng ủng hộ thầy ấy, đều đem những tâm sự trong lòng mình nói với thầy ấy “Trước đây khi con về nhà thì người trong nhà đều thấy rất lo sợ”, phải không? Phải đem mấy món thịt giấu đi, trong nhà cảm thấy rất là bất an. Đây là bài giảng của thầy Hồ, chúng ta phải có những suy ngẫm này. Kể cả “Truyện ông Du Tịnh Ý gặp Thần Bếp”, Thành Đức đã cảm nhận được rằng đó là quá trình mà mỗi một người muốn bước vào con đường thực tu buộc phải trải qua, không chỉ là ông Du mà mỗi một người chúng ta đều phải trải qua quá trình như vậy. Đây cũng không phải là điều Thành Đức tự nghĩ, lão cư sĩ Hạ Liên Cư mọi người có quan sát được không? Trong những lời giáo huấn của ngài, khi lão pháp sư giảng kinh cũng đã thường nhắc đến, lão cư sĩ Hạ Liên Cư nói những gì, nói những câu nào có tần số cao nhất, tức là nhắc đến hai chữ của lão cư sĩ Hạ là “Làm thật”, có phải không? Đúng vậy. Quý vị biết quan sát thì sẽ có thể quan sát được, những vị tổ sư đại đức này của chúng ta, những hành nghi của họ, nhìn thấy những bản tích của họ. Ví dụ, kiểm tra mọi người một vấn đề nhé, thầy Lý Bỉnh Nam là Bồ tát gì tái lai? Những ai biết rồi thì đừng nói, để những người chưa biết tự mình suy nghĩ một chút, phải biết hợp tác nhé! Từ đâu mà thấy được? “Vị cải tâm trường nhiệt, toàn lân ám lộ nhân, đãn năng quang chiếu viễn, bất tích tự phần thân” (Nhiệt huyết lòng ta chưa từng đổi, thương thay chúng sanh nẻo mê mờ, nếu như ai kia được chiếu sáng, đốt cháy thân này chẳng sá chi), thơ ca tỏ bày ý chí, trong bài thơ đó chẳng phải đã thể hiện được ý chí của ngài rồi đó sao? Bài thơ này chẳng phải là tinh thần “Địa ngục bất không thệ bất thành Phật, chúng sanh độ tận phương chứng Bồ đề” (Địa ngục chưa trống không, tôi thề không thành Phật; chúng sanh độ hết rồi, tôi mới chứng Bồ đề) đó sao? Lão cư sĩ Hạ nhấn mạnh nhất là hai chữ “Làm thật” này. Quyển sách này là “Tịnh Ngữ”, phía sau nó có phụ lục, những tâm đắc của lão cư sĩ Hạ Liên Cư trong quá trình tu hành, quý vị xem đây là nét chữ của ngài, tổng hợp chúng lại cho vào phần phụ lục phía sau gọi là “Lục tín tứ nguyện tam hạnh nhất hành trai tự cảnh lục”, tự mình cảnh giác, nhắc nhở chính mình, “tự cảnh lục”, lời lời vàng ngọc, hầu như là tất cả những cảnh giới mà chúng ta sẽ gặp trong quá trình tu học, trong đó đều sẽ nhắc nhở và hộ niệm cho chúng ta, tất nhiên chúng ta phải thường xem, thường đọc, sẽ rất thọ dụng, đó đều là những lời của người từng trải, không dễ gì mà nghe được, nên chúng ta phải biết trân quý.

/ 5