/ 14
187

LÀM SAO ĐỂ NÂNG CAO KHẢ NĂNG GIẢNG DẠY TOÀN DIỆN

CỦA GIÁO VIÊN

Chủ giảng: Cô giáo Dương Thục Phân

Thời gian: Tháng 1 năm 2013

Địa điểm: Thông Châu Bắc Kinh

Tập 13

 

Tiết học trước chúng ta đã nói là phải thường xuyên quan sát và phát hiện xem học sinh có những tài năng gì, trước tiên chúng ta phải phát hiện ra bản thân mình có bao nhiêu tài năng vẫn chưa được khai mở, cho nên giáo viên trước tiên phải khẳng định năng khiếu năng lực của mình, vì chúng ta trải nghiệm thực hành rồi thì mới có năng lực, mới có phương pháp, mới biết điểm mấu chốt để chỉ đạo học sinh, nếu chúng ta chỉ nói mà không làm, không luyện tập thì khi giảng dạy chúng ta sẽ bỏ lỡ rất nhiều điểm mấu chốt quan trọng để chỉ đạo học sinh, chúng ta không nói ra được, không nói ra được thì sẽ không cách nào chỉ đạo học sinh thực hành thực tiễn. Cho nên bản thân mình phải rất xem trọng.

Điểm thứ ba là phải tin tưởng những học sinh kém đến đâu cũng có thể sẽ có những tiềm năng tốt đẹp, chỉ là chưa được khai mở mà thôi. Vì con người ta chỉ cần có tín tâm, có nguyện vọng thì sẽ có cơ hội chuyển biến vận mệnh của chính mình. Điểu này rất quan trọng. Trong lớp chúng ta nhìn thấy những em học sinh rất kém, chúng ta phải làm sao để các em cảm thấy mình vẫn còn một điểm gì đó rất giỏi, điều này rất quan trọng, tại sao? Vì một người sống trong cuộc đời này nếu họ đánh mất tín tâm đối với cuộc đời, các bạn nghĩ thử xem, họ sẽ sống không còn chút gì hứng thú, họ sẽ đánh mất hy vọng đối với cuộc đời này, chúng ta phải làm sao để giúp đỡ họ, họ rất tội nghiệp. Cho nên phải khơi dậy sự tự tin của học sinh, nhất là chúng ta nhìn thấy những em từ trước đến giờ luôn bị xem là học sinh yếu kém, chúng ta phải tìm cách, và cách đơn giản nhất là cho các em tập đồ chữ, nếu các bạn cảm thấy đứa trẻ này thật sự là không có khả năng gì hết, chúng ta phát cho các em một trang tập đồ chữ, rất đơn giản, cứ đồ theo sao cho không nhìn thấy phần màu trắng nữa, khi các em thật sự đồ được rồi thì chúng ta sẽ khẳng định các em rằng: “Các em có định công rất cao sâu, định lực của các em người khác không có được, xem nè các em có thể đồ đẹp thế này”. Chúng ta dùng ánh mắt, dùng cách bắt tay để khiến em nhỏ này cũng tin rằng: “Ồ đúng rồi, mình đã đồ chữ rất đẹp”, vậy là sức sống của các em đã được các bạn khơi dậy. Đây là trong quá trình đồ chữ chúng ta đã giúp đỡ được rất nhiều em nhỏ, các em thật sự cảm thấy là cái gì mình cũng kém, không làm được gì hết, kết quả đã dùng việc đồ chữ này giúp đỡ các em. Ở Đài Loan có một em nhỏ học lớp 9, sắp sửa thi chuyển cấp, thành tích rất kém, thành tích kém và cha mẹ cũng hết cách với em ấy, suốt ngày chỉ chơi game, cha mẹ em lại làm ngành giáo dục mầm non, lúc đó tôi đã có cơ duyên giúp đỡ họ trong việc giáo dục mầm non, lấy việc đồ chữ và xem hoạt hình đức dục, Trung Hoa Đệ tử quy làm chủ yếu, vì phương diện này chỉ mới bắt đầu được phổ biến ở Đài Loan, cho nên đã chọn trường mầm non này. Vừa hay mẹ của em học sinh đó lại là chủ nhiệm giảng dạy trong trường mầm non, tôi nói: “Xin cô ở nhà cũng phải xem, phải học cách đồ chữ, khi cô biết được rồi cô mới có thể chỉ đạo các giáo viên khác trong trường”. Sau khi nói xong thì cô chủ nhiệm này đã thử đồ chữ ở nhà, tôi nói với cô: “Đồ chữ thì cô sẽ rất bận, không sao hết, mỗi lần cô đồ một chữ, còn xem câu chuyện đức dục thì khi nào rảnh cô hãy xem một chuyện, tốt nhất là một chuyện cô hãy xem đi xem lại vài lần”. Kết quả cô ở nhà xem như vậy, con cô thì ở trong phòng chơi game, bỗng nhiên nhìn thấy mẹ mình dạo này sao mà kì lạ, cứ xem phim hoạt hình mãi, kết quả em ấy cũng đến xem, mẹ em rất vui mừng, nhìn thấy em xem rất chuyên tâm, cho nên chỉ cần cô có thời gian xem thì con cô cũng sẽ len lén qua đó xem chung, cô rất vui. Sau đó con cô thấy cô đồ chữ thì lại hỏi: “Mẹ đang đồ cái gì vậy ạ?”, cô liền đưa qua một trang hỏi con trai mình: “Con có muốn đồ không? Đồ một chữ là được rồi”. Kết quả em bé này sau khi đồ xong lần đầu tiên, vì tôi nói với mẹ em ấy, đồ một chữ cũng phải ghi lại thời gian đã đồ, ghi lại thời gian ở góc trên bên phải, lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba đều ghi lại hết, kết quả người mẹ ghi lại, con cô cũng ghi lại theo. Sau khi con cô ghi lại thì cô nói với tôi đã xảy ra một sự thay đổi rất lớn, vì sau khi con cô đồ xong thì thấy mình đồ rất là đẹp, em liền đồ tiếp chữ thứ hai, đồ tiếp chữ thứ ba. Cho nên trang đồ chữ đầu tiên của em tôi nhìn thấy đã đồ 6 chữ trong “Đệ tử quy”, đồ xong trong cùng một ngày, hơn nữa thời gian rất sát nhau, gần như là đồ xong hết trong cùng một thời gian. Con cô đã bắt đầu ngày nào cũng đồ như vậy, mẹ em không hề ép buộc em, kết quả thì như thế nào? Thành tích của em dần dần tốt lên, không cần mẹ hối thúc, hơn nữa còn cai được thói quen chơi game, không chơi nữa, trong vòng 3 tháng, vốn dĩ thành tích đứng thứ 800 trong toàn trường, rất kém, đứng cuối cùng, sau 3 tháng đã tiến bộ lên hạng thứ 400. Cho nên khi tôi về Đài Loan, vào cuối tháng 6 sau khi kết thúc kì thi chuyển cấp, người mẹ này đã dắt con mình đến cảm ơn tôi, thành tích tiến bộ rất nhiều, diện mạo của em nhỏ đó theo sự mô tả của người mẹ cũng đã tiến bộ rất nhiều, đã thay đổi rất nhiều, bởi vì vốn dĩ em có thành tích rất kém nên bản thân em không hề tự tin chút nào, kết quả sau khi thường xem câu chuyện đức dục, nội dung trong câu chuyện đức dục là sự khai mở đức hạnh, là động lực và trợ duyên tốt nhất để sửa ác hướng thiện, em bé này đã tiếp thu được, tiếp thu được rồi thì thay đổi, mẹ em vô cùng vui mừng, đồ chữ và xem hoạt hình, để em sanh khởi sự tự tin về việc học của mình. Cho nên sau đó em đã nói, em đã có một chút khái niệm và mục tiêu, phương hướng đối với cuộc đời. Vì thế trợ duyên rất quan trọng, trợ duyên là dùng hai phương pháp này mà đạt được hiệu quả không cần tốn sức. Cho nên chúng ta phải xem có những lúc không cần nói nhiều lắm với các em, có những lúc chúng ta có thể dùng phương pháp gì đó để thử nghiệm, để các em có cơ duyên tiếp xúc với hoạt hình đức dục. Khi tiếp xúc với hoạt hình đức dục thì có rất nhiều ví dụ, rất nhiều câu chuyện về các em trong thời kì thanh xuân, trong thời kì đó các em đã trải qua khó khăn nhờ vào những câu chuyện về Đại Thuấn, “Tô Vũ chăn cừu” đã giúp đỡ rất nhiều em nhỏ trưởng thành, và chuyện “Hứa Vũ dạy em”, những em không hiếu học sau khi xem xong thì sẽ cảm nhận được cuộc đời mà không cố gắng thì không được, sẽ không thành tựu việc gì hết. Những câu chuyện đức dục có sức mạnh lớn như vậy, đó đều là những câu chuyện có thật, mặc dù chúng ta đã có cải biên nhưng tông chỉ và tinh thần của câu chuyện đó đều là sức mạnh rất lớn để dẫn dắt một người phát triển hướng thượng. Do đó chúng ta cho học sinh xem phim hoạt hình đức dục thì trước tiên người giáo viên phải xem trước, bản thân các bạn có thể thông tỏ thấu hiểu, có thể xem chính mình là nhân vật chính trong câu chuyện đó, bản thân mình nhất định phải dung nhập vào vai chính trong câu chuyện, bạn dung nhập vào đó được rồi thì cảm nhận của bạn mới chân thật, nội dung bạn kể ra mới cảm động được người khác. Vì vậy chỉ cần chúng ta có tín tâm đối với học sinh thì tôi tin là những em yếu kém đến đâu cũng luôn có tiềm năng rất lớn. Bây giờ trong lớp tinh tấn của chúng tôi có một em học sinh trí lực cũng rất kém, nhưng tôi phát hiện ra em ấy rất có năng khiếu biểu diễn trên bục giảng, trước mắt tôi cũng đang dẫn dắt em ấy, khai mở em ấy, chỉ cần có thời gian thích hợp liền cho em lên bục biểu diễn, về mặt này em cũng đã xây dựng được phần nào tín tâm. Cho nên đối với học sinh chúng ta cũng không nên kì vọng quá lớn, luôn mong muốn các em một bước lên đến trời, điều này nhất định không thể nào. Khi ở bên cạnh các em trong quá trình trưởng thành chúng ta có thể thử nghiệm về nhiều phương diện, khi thử nghiệm có tiến bộ thì có thể cho các em dần dần tiến về phía trước. Vì vậy đối với năng khiếu của học sinh, giáo viên không nên để các em phát triển quá chậm hoặc là phát triển quá độ, đối với những em có năng khiếu rất giỏi thì đôi mắt của giáo viên phải nhạy bén hơn một chút, những em rất có năng khiếu dưới sự dạy dỗ của bạn, bạn có thể cho các em ấy học nhiều thêm một chút, giúp đỡ các em ấy, khi còn rất nhỏ các em học được càng nhiều càng tốt. Cho nên phương pháp tôi đã áp dụng khi dạy kinh điển là biết rõ em học sinh này 1 tuần có thể học thuộc 1000 chữ thì tôi luôn đặt ra yêu cầu là 2000 chữ, để em ấy trả giá với tôi, sau cùng thì thỏa thuận được 1000 chữ. Những em có khả năng 1 tuần đọc thuộc được 500 chữ thì tôi đưa ra yêu cầu 1000 chữ, sau cùng thỏa thuận được 500 chữ, học sinh sẽ biết ơn tôi vô cùng, cô giáo thật là từ bi, đã giảm giá cho mình một nửa, thật ra tôi sớm đã biết khả năng của em ấy nằm đến mức nào, vì tôi biết bài học ở trường của các em cũng rất nhiều, các em vẫn đi học ở trường bình thường, và khi học còn phải dạy các em vui vẻ hào hứng đọc tụng kinh điển, đó cũng không phải là một việc dễ dàng. Vì vậy là giáo viên thì phải khích lệ các em làm sao để sống chung với thánh nhân, chúng ta dạy các em đọc kinh đừng có nói là "Em phải đọc đi, tương lai sẽ có ích cho em đấy", chắc chắn em ấy sẽ nói: "Tương lai sẽ có ích cho em, em cũng có nhìn thấy tương lai đâu". Nhưng nếu chúng ta nói bằng một cách khác là "Em xem nè, trí huệ của thánh nhân sẽ biến thành trí huệ của em, như vậy có lợi hại không?”. Các em ấy sẽ thấy thật sự rất lợi hại. Vậy trí huệ của thánh nhân, các bạn xem, Khổng Lão Phu Tử trước đây có nhiều học sinh như vậy, lịch sử nói ngài có 3000 đệ tử, nhưng thật ra chúng ta xem lại lịch sử, những học sinh tư thục học tập với ngài đâu chỉ 3000 người, nếu chúng ta nói với học sinh "Hơn 2000 năm sau, các em là những học sinh đứng sau 3000 học sinh đó, các em có muốn không, ai không muốn thì giơ tay?". Các bạn đừng nói: "Mọi người có muốn không?", chắc chắn sẽ không có ai giơ tay, "ai không muốn thì giơ tay", sẽ không có ai không muốn hết, vậy thì mọi người vỗ tay chúc mừng, chúng ta đều là học sinh giỏi của ai? Học sinh giỏi của Khổng Lão Phu Tử, ai không muốn giơ tay lên? Ái chà, mọi người đều là học sinh giỏi của Khổng Lão Phu Tử, đều thông qua hết, "Phàm xuất ngôn, tín vi tiên. Trá dữ vọng, hề khả yên.” (phàm nói ra điều gì, thành thật làm trước tiên; lường gạt hay gian dối, kẻ ấy chẳng nên người), Khổng Lão Phu Tử trên trời linh thiêng bây giờ ngài có thấy vui lắm không? Có. Cho nên học sinh sẽ không cách nào trốn được, bắt buộc phải học thuộc. Mạt học thường xuyên dùng cách này để khích lệ học sinh đồng hành cùng thánh hiền, trí huệ của thánh hiền mãi mãi ở bên chúng ta. Vậy chúng ta nghĩ lại xem huynh trưởng của chúng ta là ai? Nhan Hồi, ái chà huynh trưởng của chúng ta là Nhan Hồi đấy, chúng ta có thấy vinh hạnh không, ai không thấy vinh hạnh giơ tay lên? Các bạn xem, không ai giơ tay hết, có thể thấy chúng ta là sư đệ rất tốt của Nhan Hồi, khiến mọi người đối với "Luận ngữ", đối với Khổng Lão Phu Tử, đối với Nhan Hồi và ai nữa, mọi người nói xem còn ai nữa? Tử Lộ, Tử Cống, cùng học tập chung với những người có đức hạnh, chánh sự và ngôn ngữ rất lợi hại này, chúng ta có cảm thấy rất quang vinh hay không? Ai không thấy quang vinh thì giơ tay lên! Các bạn xem, không ai giơ tay hết, chúng ta quang vinh biết mấy. Khiến trong tâm học sinh cảm thấy "Cô giáo được lắm, đã dùng chiêu này để dẫn dụ mình vào đây", chúng ta khiến các em học sinh mặc dù trong tâm không vui nhưng cũng không thể biểu hiện ra ngoài, đây là những người làm giáo viên như chúng ta phải dùng phương tiện thiện xảo để dẫn dắt học sinh, để các em trong quá trình học tập luôn tràn ngập ánh sáng, tràn ngập sự tự tin, để các em cảm thấy "Đúng rồi, huynh trưởng của chúng ta là ai, Nhan Hồi đấy, một người có đức hạnh như vậy thì chúng ta cũng không thể nào kém cỏi quá, huynh trưởng của chúng ta nổi tiếng như vậy thì tất nhiên khi ở nhà chúng ta cũng không được cãi lại cha mẹ, ở trường chúng ta cũng phải cố gắng học cho tốt, nếu không ngài ở trên trời linh thiêng sẽ chê cười chúng ta quá kém cỏi, hơn 2000 năm sau sư đệ của ngài lại kém cỏi đến thế. Các bạn, chúng ta có muốn làm học sinh yếu kém không? Ai muốn thì giơ tay lên! Không ai hết, có thể thấy là chúng ta xuất sắc biết mấy, chúng ta vỗ tay khích lệ nào!". Chúng ta khẳng định như vậy, các em học sinh đều xuất sắc như thế, "Phàm xuất ngôn, tín vi tiên” (phàm nói ra điều gì, thành thật làm trước tiên), hôm nay chúng ta đã nói vậy rồi thì hôm nay chúng ta phải bắt đầu làm, làm như thế nào? Hàng ngày chúng ta nhất định đều phải lấy "Luận ngữ" ra, rửa tay rửa mặt một cách rất cung kính, khi ở nhà, sau khi lấy sách "Luận ngữ" ra một cách cung kính thì mặc niệm, cầu nguyện 1 phút, trước hết chúng ta phải cúi mình làm lễ 3 lần trước Phu Tử, tiếp đó là mặc niệm, mặc niệm thỉnh cầu Khổng Lão Phu Tử gia trì, thỉnh cầu huynh trưởng giúp đỡ chúng ta, để quá trình đọc tụng trong ngày hôm nay sẽ như thế nào? Chuyên tâm, để mỗi một câu nói trong ngày hôm nay chúng ta đều sẽ đọc rất cung kính, đọc như thế nào thì giáo viên phải đọc mẫu, ví dụ "Học nhi đệ nhất", nào mọi người cũng đọc theo được không? "Học nhi đệ nhất. Tử viết: Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ? Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ? Nhân bất tri nhi bất uẩn, bất diệc quân tử hồ?"( Thiên 1 – Học nhi, Đức Khổng tử nói: “Học rồi mà biết tùy thời ôn tập, lại chẳng đẹp lòng sao? Có bạn bè ở xa đến thăm, chẳng vui mừng lắm sao? Người khác chẳng hiểu mình mà mình không buồn giận, thế chẳng phải là bậc quân tử ư?). Ồ các bạn đọc thật hay, xin cho mọi người một tràng pháo tay khẳng định. Trong giờ học, sau khi giáo viên đọc mẫu một lần, chúng ta có thể trưng cầu ý kiến của cả lớp xem bạn nào có thể đứng trên bục để dẫn dắt cả lớp cùng đọc, chúng ta cho học sinh luyện tập, học hỏi những kinh nghiệm khi đứng trên bục giảng, để các em mạnh dạn đứng trên bục giảng đối mặt với tất cả các bạn, khi dạy ngữ văn, khi dạy kinh điển chúng ta có thể khiến học sinh tiếp tục khẳng định bản thân mình cũng có năng lực, điều này rất quan trọng, để các em phát huy thực lực của mình, phát hiện mình có những tiềm năng gì, nhất định phải giúp các em có những cơ hội như vậy.

/ 14