/ 51
243

KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN (Tập 44)

Mời mở bản Kinh ra, phần khoa chú quyển hạ, trang năm mươi mốt. Mời xem Kinh văn:

“Ư ĐẢNH MÔN THƯỢNG PHÓNG NHƯ THỊ ĐẲNG HÀO TƯỚNG QUANG DĨ, XUẤT VI DIỆU ÂM CÁO CHƯ ĐẠI CHÚNG: THIÊN LONG BÁT BỘ, NHÂN PHI NHÂN ĐẲNG VV… THÍNH NGÃ KIM NHẬT Ư ÐAO LỢI THIÊN CUNG, XƯNG DƯƠNG TÁN THÁN ÐỊA TẠNG BỒ TÁT Ư NHÂN THIÊN TRUNG LỢI ÍCH ĐẲNG SỰ, BẤT TƯ NGHỊ SỰ, SIÊU THÁNH NHÂN SỰ, CHỨNG THẬP ĐỊA SỰ, TẤT CÁNH BẤT THOÁI A NẬU ÐA LA TAM MIỆU TAM BỒ ÐỀ SỰ”.

(Từ trên đảnh môn phóng ra những luồng ánh sáng như thế xong, lại nói ra những tiếng rất vi diệu mà bảo đại chúng rằng: “Này tám bộ chúng Trời, Rồng, người cùng phi nhơn v.v...! Lóng nghe hôm nay ta ở tại cung trời Đao Lợi tuyên bày ngợi khen những sự lợi ích trong hàng trời người, những sự không thể nghĩ bàn, những sự về nhơn hạnh lên bậc Thánh, những sự chứng quả Thập Địa, những sự rốt ráo không lui sụt nơi đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác... của Ngài Địa Tạng Bồ Tát”).

Phần trước chúng ta xem thấy Thế Tôn phóng quang. Câu thứ nhất là tổng kết tướng lành phóng quang ở phía trước. Tiếp theo đó đức Phật bèn nói với mọi người, Ngài dùng âm thanh vi diệu. Hàm nghĩa trong “Âm thanh vi diệu” sâu rộng vô hạn. Trong một âm có hàm chứa tất cả âm, trong mỗi một âm hàm chứa tất cả sự, cho nên gọi nó là âm thanh vi diệu. Ngài nói với những đại chúng trong pháp hội này, bao gồm cả thiên long bát bộ, nhân và phi nhân v.v… đây đều là những đại chúng do Bồ Tát Địa Tạng giáo hóa: “Thính ngã kim nhật ư Ðao Lợi thiên cung, xưng dương tán thán Ðịa Tạng Bồ Tát” (Lóng nghe hôm nay ta tuyên bày ngợi khen Bồ Tát Địa Tạng ở tại cung trời Đao Lợi ). Câu nói này là tổng kết từ khi bắt đầu pháp hội cho đến hiện nay, toàn bộ Kinh văn mà đức Phật nói đều là tán dương khen ngợi Bồ Tát Địa Tạng.

Mấy câu dưới đây là tổng kết: “Ư nhân thiên trung, lợi ích đẳng sự” (Những sự lợi ích trong hàng trời người). Phía dưới là nói rất cụ thể, tổng kết toàn Kinh. Câu này là kết danh, cũng chính là nói giáo. Chúng ta dùng bốn hạng mục: giáo, lý, hành, quả này để nói. Đây là giáo. Lần này tại Úc Châu chúng ta đã tổ chức hai mươi ngày tham học, quan sát sự phổ biến đa nguyên văn hóa ở Úc Châu hiện nay, dần dần đã thấy có thành quả rồi. Chúng ta xoay trở lại thử xem nền giáo dục của nhà Phật, thấy Kinh điển Đại Thừa đích thực là tài liệu giảng dạy lý tưởng cho những ai theo đuổi, dấn thân, hướng về công việc đa nguyên văn hóa thế gian. “Ư nhân thiên trung, lợi ích đẳng sự” (Những sự lợi ích trong hàng trời người). Nhân thiên là nói cõi trời, cõi người, cũng chính là chỉ trong lục đạo. Trong lục đạo đương nhiên là một dạng thức sinh hoạt chung đa nguyên văn hóa. Bồ Tát Địa Tạng, Thích Ca Thế Tôn làm thế nào có thể đối với hết thảy chúng sanh khác nhau, chủng loại khác nhau, dân tộc khác nhau, cách thức sống khác nhau, thậm chí là tư tưởng kiến giải khác nhau, tín ngưỡng khác nhau, có thể giúp họ xóa bỏ những thứ khác nhau đó của họ, giúp họ dung hợp thành một thể cộng đồng. Thể cộng đồng chính là Nhất Chân Pháp Giới. Thể đa nguyên khác nhau chính là thập pháp giới. Chúng sanh trong thập pháp giới cuối cùng đều quay về Nhất Chân Pháp Giới. Đây là lợi ích chân thật, đây là cách chỉ dạy phương tiện khéo léo, trí tuệ cao độ của Thế Tôn. Cho nên nền giáo dục Phật pháp, đức Phật dạy chúng ta điều gì? Đây là điều chúng ta nhất định phải biết.

Thứ nhất, đức Phật dạy chúng ta cách làm sao chung sống giữa con người với nhau. “Lục hòa kính” chính là sự chỉ dạy của đức Phật. Nếu như chúng ta không thể chung sống được với người, thì còn bàn gì đến thành tựu nữa? Giữa con người với nhau vô cùng phức tạp. Nói lời thành thật, mỗi người, mỗi chúng sanh đều là một hình thể đa nguyên văn hóa. Bởi vì mỗi người, mỗi chúng sanh trong đời quá khứ, đời đời kiếp kiếp luân hồi trong lục đạo, nên trong A-lại-da-thức hàm chứa rất nhiều chủng tử tập khí khác nhau. Há chẳng phải là một kết cấu đa nguyên văn hóa sao? Huống gì là sống chung với đại chúng? Phải làm sao chung sống, là cả một sự học vấn. Có thể xóa bỏ kỳ thị, xóa bỏ hiểu lầm, xóa bỏ ngăn cách, tôn kính lẫn nhau, quan tâm lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau, đây là sự kỳ vọng của đức Phật đối với chúng ta, đặc biệt là tu học Đại Thừa. Trong Kinh thường hay chỉ dạy chúng ta: “Tâm bao thái hư, lượng chu sa giới” (Tâm lượng bao trùm hư không khắp các cõi giới). Trong cảnh giới của tất cả chúng sanh vẫn còn vạch ra ranh giới, vậy là sai rồi, là đi ngược lại với lời giáo huấn của đức Phật, đi ngược lại sự chỉ dạy của Bồ Tát. Cho nên học Phật điều đầu tiên phải mở rộng tâm lượng, phải bao dung tất cả thì bạn mới có thể vào cửa Phật, bạn mới có thể hiểu được lời Phật dạy, vậy mới cho chúng ta lợi ích chân thật, lợi ích cho chính mình, lợi ích cho xã hội, lợi ích cho tất cả chúng sanh. Ý trong Kinh nói là những việc này.

/ 51