/ 51
102

KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN (Tập 45)

Mời mở bản Kinh ra, phần khoa chú quyển hạ, trang sáu mươi mốt. Mời xem Kinh văn:

“PHỤC THỨ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT! NHƯỢC VỊ LAI HIỆN TẠI CHƯ THẾ GIỚI TRUNG LỤC ĐẠO CHÚNG SANH, LÂM MẠNG CHUNG THỜI, ĐẮC VĂN ÐỊA TẠNG BỒ TÁT DANH, NHẤT THANH LỊCH NHĨ CĂN GIẢ, THỊ CHƯ CHÚNG SANH VĨNH BẤT LỊCH TAM ÁC ĐẠO KHỔ. HÀ HUỐNG LÂM MẠNG CHUNG THỜI, PHỤ MẪU QUYẾN THUỘC, TƯƠNG THỊ MẠNG CHUNG NHÂN XÁ TRẠCH, TÀI VẬT, BẢO BỐI, Y PHỤC, TỐ HỌA ÐỊA TẠNG HÌNH TƯỢNG, HOẶC SỬ BỆNH NHÂN VỊ CHUNG CHI THỜI, NHÃN NHĨ KIẾN VĂN TRI ĐẠO QUYẾN THUỘC TƯƠNG XÁ TRẠCH BẢO BỐI ĐẲNG, VỊ KỲ TỰ THÂN TỐ HỌA ÐỊA TẠNG BỒ TÁT HÌNH TƯỢNG”.

(Lại vầy nữa này Quán Thế Âm! Trong các thế giới về thuở hiện tại nay và vị lai sau, những hàng chúng sanh trong sáu đường, như có kẻ sắp mạng chung mà đặng nghe một tiếng danh hiệu của Ngài Địa Tạng Bồ Tát thoáng qua lỗ tai, thì kẻ mạng chung đó không còn bị đọa vào chốn khổ ba ác đạo. Huống chi là lúc sắp mạng chung, cha mẹ cùng hàng thân quyến đem của cải nhà cửa, vật báu, y phục v.v... của người sắp mạng chung đó mà làm của chi phí để tô đắp hay họa vẽ hình tượng của Ngài Địa Tạng Bồ Tát).

Đây là chuyển ác nghiệp trong lúc lâm chung. Sự việc này đã có rất nhiều người chú ý đến rồi. Lần này tôi ở Úc Châu, đã có một vị đồng tu đến hỏi tôi về chuyện người già trong gia đình của mình, đến lúc lâm chung phải xử trí như thế nào, giúp đỡ họ như thế nào? Những vị đồng tu này chưa chắc có nhận thức thật sâu sắc về Phật pháp, nhưng họ cũng có quan tâm đến việc lớn lúc lâm chung. Nhà Phật thường nói: “Việc lớn sinh tử”. Bởi vì con người lúc lâm chung, không phải nói là người này đã chết rồi, chết rồi thì mọi thứ đều chấm dứt, vậy thì không cần đến những sự quan tâm lo lắng này nữa. Nhưng thế gian này có không ít người thông minh, có không ít người có trí tuệ, hiếm có hơn nữa là những tín đồ tôn giáo. Mặc dù họ không hiểu rõ ràng đạo lý của việc lớn sinh tử là thế nào, nhưng sự tồn tại của sự thật này, họ đều có thể tin sâu không nghi, đều có thể lo nghĩ sau khi chết rồi sẽ đi đầu thai vào cõi nào? Đi thọ thân vào cõi nào? Có thể giác ngộ được điểm này là tương đối không dễ rồi. Thông thường nói chính là nhân duyên quả báo, họ có thể ý thức được đến mức này, thì khi ở thế gian khởi tâm động niệm, mọi thứ tạo tác họ cũng sẽ thúc liễm được chút ít. Đây cũng là ý nghĩa mà cận đại Ấn Quang Đại Sư muốn cứu vãn thế đạo nhân tâm, tiêu trừ kiếp nạn cho thế gian, nên Ngài đặc biệt đề xuất giáo dục nhân duyên quả báo, đạo lý là ở chỗ này. Nếu như nói với họ về đạo lý lớn của vũ trụ nhân sinh, thì người thật sự có thể thể hội, lý giải được không nhiều. Nhưng nói lý luận và sự thật về nhân quả báo ứng thì người bình thường đều có thể hiểu được, đều có thể lĩnh hội được. Và đối với việc thay đổi lòng người trong thế gian, khuyến khích mọi người đoạn ác tu thiện, tiêu trừ một số tai nạn trong thế gian, cũng có thể thu được hiệu quả tốt đẹp. "Kinh Địa Tạng" đối với đường lối này, cách dạy học này có thể nói là có khối lượng rất nặng. Đây cũng là điều mà phần trước chúng tôi có nhắc đến, tại sao sau khi đức Phật Thích Ca Mâu Ni diệt độ, Ngài đã đem nhiệm vụ giáo hóa chúng sanh ủy thác cho Bồ Tát Địa Tạng, đạo lý là ở chỗ này.

Kinh văn khi vừa mở đầu liền gọi Bồ Tát Quán Thế Âm. Bồ Tát Quán Thế Âm đại biểu cho chúng sanh lục đạo. Gọi Bồ Tát Quán Thế Âm là cũng giống như gọi tên chúng ta vậy. Lời khai thị của Kinh văn từ nay về sau đối với chúng ta mà nói là vô cùng thân thiết. Đặc biệt chúng ta nhìn thấy: “Vị lai hiện tại chư thế giới trung” (Trong các thế giới về thuở hiện tại nay và vị lai sau), đem vị lai đặt lên phía trước. Ngài nói “hiện tại” là đem đại chúng trong pháp hội lúc đó đặt ở vị trí thứ hai, đem vị lai đặt lên hàng đầu. Có thể thấy Kinh này trên thực tế ý của giảng Kinh là giảng cho chúng ta. “Chư thế giới trung” (Trong các thế giới) là không chỉ mỗi thế giới Ta Bà, cũng chứng tỏ cho thấy pháp môn Địa Tạng là tận hư không, khắp pháp giới, nó không có khác gì so với với Kinh Tịnh Độ, "Kinh Hoa Nghiêm". Từng li từng tí tỏ rõ được phạm vi của pháp Đại Thừa là tận hư không, khắp pháp giới. Đối tượng của Đại Thừa là tất cả chúng sanh trong pháp giới. Chúng ta thể hội được ý nghĩa này thì tâm lượng của chúng ta mới có thể mở rộng được. Đây là chân tâm, đây là tâm lượng vốn có của chúng ta. “Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới” là tâm vốn có của tất cả chúng sanh, không có khác gì so với chư Phật Như Lai. Tại sao tâm lượng hiện nay lại trở nên nhỏ bé như vậy? Tâm lượng nhỏ mới bị tà môn ngoại đạo này lừa gạt, mới gặp phải những chuyện bị thiệt thòi, bị lừa gạt này. Tâm lượng mở rộng thì sẽ không bị như vậy. Hư không pháp giới mọi thứ đều không hai. Cho nên Kinh văn từng câu từng chữ đều có ý nghĩa sâu rộng vô hạn, chúng ta cần thể hội cho được, cần học tập ở trong đây, cho nên viết là “Chư thế giới trung” chứ không có viết là thế giới Ta Bà. Trong đây đặc biệt là nói: “Lục đạo chúng sanh”. Cõi nước chư Phật đều có chúng sanh lục đạo. Cõi không có chúng sanh lục đạo là có nhưng không nhiều. Giống như thế giới Tây Phương Cực Lạc là không có chúng sanh lục đạo. Đại đa số cõi nước chư Phật đều có chúng sanh lục đạo, đều rất khổ, mê rất sâu.

/ 51