/ 51
202

KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN (Tập 43)

Mời mở bản Kinh ra, phần khoa chú quyển hạ, trang bốn mươi tám. Đoạn này là chú giải giới thiệu đơn giản, vắn tắt về tác dụng phóng quang của đức Thế Tôn. Trước tiên chúng tôi xin giới thiệu đơn giản một chút về những danh từ này, sau đó lại làm một bài thuyết minh tổng hợp.

Thứ nhất là “Bạch Hào Tướng Quang”. Bạch Hào là một trong ba mươi hai tướng tốt. Trong chú giải đã nói ra nghiệp nhân của tướng tốt này. Tuy chỉ nói có một vài câu, nhưng vô cùng quan trọng. “Tại nhân hành bố thí thời, thích khả tiền nhân ý” (trong lúc tu nhân làm việc bố thí, làm vừa lòng người nhận). Hai câu nói này rất quan trọng. Chúng ta biết đức Phật giáo hóa tất cả chúng sanh? Ngài dạy điều gì? Dạy bố thí. Bố thí chính là xả, là buông xả. Người có thể xả hết tất cả thì người này liền thành Phật. Tuy đang xả nhưng vẫn chưa xả sạch sẽ, thì người này là Bồ Tát. Người hoàn toàn không hiểu biết gì về bố thí và buông xả là phàm phu. Phạm vi của chữ “Xả” này là vô cùng vô cùng rộng. Có thể nói là tất cả pháp mà Thế Tôn nói trong bốn mươi chín năm là nói về chữ bố thí. Quý vị hãy thể hội thật kỹ ý nghĩa này. Bên trong phải xả hết phiền não, tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, đây là bên trong. Bạn có thể xả hết những thứ này bạn liền thoát khỏi luân hồi. Từ đó cho thấy luân hồi do đâu mà có? Luân hồi là do tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến tạo nên, chứ không phải do người khác tạo, là tự mình tạo nên. Bên ngoài đây là ngũ dục lục trần: tiền tài, sắc đẹp, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghỉ, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, thảy đều xả sạch. Đức Phật bảo chúng ta xả là dựa vào đạo lý gì? Đạo lý đức Phật nói rất rõ ràng, rất minh bạch. Trong suốt 49 năm giảng dạy, không có lúc nào, không có nơi nào mà không nói. Đặc biệt là “Kinh Bát Nhã”, đức Phật nói cho chúng ta biết: “Vạn pháp vô sở hữu, tam tâm bất khả đắc” (không thể sở hữu được pháp nào, ba tâm không thể được), vậy là đã nói ra toàn bộ chân tướng sự thật rồi. Tất cả những hiện tượng bên ngoài, ngũ dục lục trần không có gì sở hữu được. Trong Kinh nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh” (Phàm cái gì có hình tướng đều là hư vọng. Tất cả pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng), làm sao bạn có thể đạt được nó chứ? Bạn mong muốn đạt được nó là sai rồi! Khi niệm này khởi lên thì lục đạo liền hiện tiền, bạn liền tạo ra lục đạo luân hồi. Không biết tất cả pháp là huyễn có, nó không phải là thật, là giả thôi. Ba tâm không thể được, là tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được. Cái tâm hay được không có, tất cả pháp để được đó cũng không có. Đức Phật dạy bạn làm sao sống đời sống bình thường. Đời sống bình thường chính là buông xả vạn duyên, thân tâm thế giới đều không thể được, đây là cảnh giới của Phật, đây là đời sống của một người bình thường, cảnh giới của người bình thường. Bên trong bạn có một ý nghĩ được, bên ngoài muốn sở hữu mọi thứ, là bạn hoàn toàn mê rồi!

“Nhân hành bố thí thời, thích khả tiền nhân ý” (Trong lúc tạo nhân làm việc bố thí, làm vừa lòng người nhận). Ý nghĩa này là rất sâu. Như thế nào mới làm vừa lòng người nhận. Làm việc bố thí khiến người ta giác ngộ, vậy mới là làm vừa lòng người nhận. Không phải họ muốn tiền tài là họ nhận được tiền tài, vậy là thỏa mãn rồi, đó là thỏa mãn ý tham, sân, si, là hoàn toàn trái ngược lại với chân tướng sự thật rồi. Từ đó cho thấy, tất cả hiện tượng do đâu mà có? Là do duyên sinh. Duyên cũng không phải là thật. Hiện tượng của duyên là gì? Là sát-na sinh diệt, cho nên sinh sinh không dừng trụ, đây là hiện tượng của duyên. Ngày nay chúng ta có được cái thân này cũng là duyên. Mọi người, mọi việc, mọi vật gặp phải trong đời này cũng là do duyên. Nhất định phải biết, toàn bộ tất cả duyên đều là sinh sinh không dừng trụ, sát-na sinh diệt. Sáng tỏ chân tướng sự thật, thì tự nhiên sẽ giống như Phật Bồ Tát vậy, sẽ kết thiện duyên với người trong thế gian này, tuyệt đối không kết ác duyên. Tất cả mọi ác duyên nên hóa giải hết, oan gia nên hóa giải chứ không nên kết. Cách hóa giải như thế nào? Gặp phải oan gia đối đầu đến giày vò mình, mình vui vẻ đón nhận, không có mảy may tâm oán hận, vả lại còn sinh tâm vui vẻ. Tại sao vậy? Món nợ này hết rồi, trả rồi. Họ giày vò mình, họ gây phiền phức cho mình, tại sao không gây phiền phức cho người khác? Cho nên mình lập tức liền nhận ra được là duyên. Ta trước đây làm khó họ, nên đời này phải gặp lại họ làm khó ta. Nhân duyên quả báo không mảy may sai chạy. Chỉ có người sáng suốt, người giác ngộ mới vui vẻ đón nhận. Báo xong rồi, lần sau nếu có duyên gặp lại nữa, vậy là vui vẻ rồi. Cho dù giết hại, giống như trong Kinh đức Phật có nêu ra câu chuyện vua Ca Lợi bị cắt xẻ thân thể. Câu chuyện này ở trong “Kinh Niết Bàn”, đức Phật kể rất tỉ mỉ. Đây là Bồ Tát tu hành ở trên núi, vậy thì không ai gây trở ngại được. Vua Ca Lợi đi săn gặp Bồ Tát này đang tu hành, đang tĩnh tọa. Vị quốc vương này khi đi săn có mang theo rất nhiều người, trong số này cũng có rất nhiều cung nữ, họ nhìn thấy Bồ Tát tướng mạo trang nghiêm, thanh tịnh, từ bi, bèn thỉnh giáo Ngài, vậy là có rất nhiều người vây quanh. Vị quốc vương này khi nhìn thấy thì không vui, cho nên liền nổi giận, và ra lệnh xử tử Lăng Trì Bồ Tát. Lăng Trì là dùng dao cắt từng miếng thịt xuống. Bồ Tát không có một chút xíu tâm oán hận nào cả, nhẫn nhục ba-la-mật viên mãn rồi. Vả lại Bồ Tát còn phát nguyện, tương lại tôi thành Phật, trước tiên tôi sẽ độ ông. Đức Phật nói vị Bồ Tát bị vua Ca Lợi cắt xẻ thân thể lúc đó là tiền thân của Phật Thích Ca Mâu Ni. Vua Ca Lợi là ai? Là tôn giả Kiều Trần Như. Lần này gặp lại thì quan hệ giữa hai người rất tốt, là đã hóa giải hết rồi. Người thế gian gặp chút xíu chuyện bất như ý là ôm hận vào trong lòng. Phiền phức rồi! Đời đời kiếp kiếp oan oan tương báo không bao giờ dứt, vô cùng đáng thương. Tại sao phải đi làm những chuyện ngu ngốc này? Nhẫn Nhục tiên nhân bố thí cái gì cho vua Ca Lợi vậy? Bố thí từ bi, bố thí nhẫn nhục, bố thí thiền định, bố thí trí tuệ, vậy mới gọi là “vừa lòng người nhận”, được tướng tốt, được tướng Bạch Hào.

/ 51