KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN (Tập 34)
Mời xem Kinh văn:
“HỰU Ư QUÁ KHỨ HỮU TỊNH NGUYỆT PHẬT, SƠN VƯƠNG PHẬT, TRÍ THẮNG PHẬT, TỊNH DANH VƯƠNG PHẬT, TRÍ THÀNH TỰU PHẬT, VÔ THƯỢNG PHẬT, DIỆU THANH PHẬT, MÃN NGUYỆT PHẬT, NGUYỆT DIỆN PHẬT, HỮU NHƯ THỊ ĐẲNG BẤT KHẢ THUYẾT PHẬT”.
(Lại về thuở quá khứ, có đức Tịnh Nguyệt Phật, đức Sơn Vương Phật, đức Trí Thắng Phật, đức Tịnh Danh Vương Phật, đức Trí Thành Tựu Phật, đức Vô Thượng Phật, đức Diệu Thinh Phật, đức Mãn Nguyệt Phật, đức Nguyệt Diện Phật, có bất khả thuyết Ðức Phật Thế-Tôn như thế).
Ở chỗ này Bồ Tát Địa Tạng sau khi đã giới thiệu cho chúng ta mười vị Phật xong, lại nói ra tiếp chín vị. Sau cùng nói với chúng ta, số lượng những vị Phật giống như Ngài kể đây là vô lượng vô biên, không thể nói hết. Đây là dạy chúng ta, phải xưng niệm danh hiệu chư Phật, vì công đức danh hiệu là không thể nghĩ bàn. Thông thường chúng ta hay khen ngợi Phật A Di Đà hơn, công đức danh hiệu Di Đà không thể nghĩ bàn. Thực ra đức hiệu của mỗi vị Phật đều là không thể nghĩ bàn, không có khác gì so với Phật A Di Đà, vậy mới thật sự làm nổi bật câu mà trong Phật pháp thường nói: “Pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”. Cho nên xưng niệm bất kỳ danh hiệu vị Phật nào cũng đều có thành tựu giống nhau.
Trong rất nhiều danh hiệu như vậy, Thế Tôn đặc biệt giới thiệu cho chúng ta Phật A Di Đà, nguyên nhân ở chỗ nào? Nhà Phật thường nói: “Phật không độ người không có duyên”. Tuy trên lý là bình đẳng, nhưng trên sự có khác biệt. Khác biệt đều do duyên phận. Đúng như lời Đại sư Thiện Đạo nói: “Tóm lại là do gặp duyên không đồng”, cho nên chúng ta thành tựu sẽ khác nhau. Mà Phật A Di Đà lại có duyên đặc biệt với chúng ta, trong các Bồ Tát thì có Bồ Tát Quan Thế Âm, trong các vị Phật thì Phật A Di Đà là có duyên vô cùng sâu đậm với với thế giới Sa Bà chúng ta. Có duyên, hơn nữa duyên rất sâu nên cảm ứng sẽ rất nhanh, vô cùng nhanh chóng và sâu đậm. Đây là Thế Tôn đặc biệt giới thiệu cho chúng ta biết nguyên nhân.
Chín danh hiệu Phật này, Pháp sư Thanh Liên ở chỗ này có chú giải, quý vị đều có thể tham khảo. Nói sơ lược “Tịnh Nguyệt Phật”. “Tịnh” là thanh tịnh, “Nguyệt” là ánh trăng. Ánh trăng thanh tịnh ban đêm không có người nào mà không thích. Đặc biệt là chúng ta hiện nay cũng gần đến Trung Thu, ánh trăng đêm Trung Thu hiện ra đặc biệt thanh tịnh. Đúng như câu nói: trăng thu trong lành, đó là dụ cho ánh sáng của pháp thân Phật chiếu khắp. Trong "Kinh Hoa Nghiêm" nói với chúng ta, danh hiệu của pháp thân Phật gọi là Tỳ Lô Giá Na. Đây là tiếng Phạn. Ý nghĩa của Tỳ Lô Giá Na là: “Biến khắp mọi nơi”, pháp thân thật sự là biến khắp mọi nơi. Từ đó cho thấy, tận hư không, khắp pháp giới chính là một pháp thân. Đây là trong Kinh luận thường nói: “Phật mười phương ba đời cùng chung một pháp thân”. Nếu như bạn có thể hiểu được, cùng chung một pháp thân, sau đó mới biết tận hư không, khắp pháp giới thật sự là chính mình, là một chỉnh thể. Cảnh giới này trong pháp Đại Thừa gọi là đại giác viên mãn, họ thật sự sáng tỏ, nhận ra được hư không pháp giới là chính mình, trời đất vạn vật cũng là chính mình, là tướng phần của mình. Pháp thân, pháp giới là bản thể của chính mình. Ánh sáng chiếu khắp chính là trí tuệ chiếu khắp, thức tâm rộng khắp, tác dụng rộng khắp. Sau khi vào cảnh giới này rồi, ở trong hư không pháp giới, trong pháp giới có quá khứ, có vị lai, không có chỗ nào mà không hiện thân, tùy loại hiện thân, đạo lý là ở chỗ này. Ở đây Ngài chú giải cũng rất hay, chú là “tùng chân thùy ứng”. Chân là pháp thân, ứng chính là báo thân và ứng hóa thân. Chân thân không có hình tướng, nó không phải vật chất. Ứng hóa thân có hình tướng. Báo thân cũng được xem là ứng thân. Chúng ta đem phạm vi của nó nói rộng một chút, từ thể khởi dụng. Báo thân tự thọ dụng, cũng cùng thọ dụng chung với Địa Thượng Bồ Tát. Ứng hóa thân là vì chúng sanh ở Phàm Thánh Đồng Cư Độ, Phương Tiện Hữu Dư Độ, là vì tha thọ dụng. Cho nên ứng hóa thân hoàn toàn là tha thọ dụng, không phải tự thọ dụng. Tự thọ dụng là báo thân. Nhưng pháp thân, báo thân, ứng hóa thân là một mà ba, ba mà một. Câu sau cùng Ngài nói rất hay: “Thử minh tam thân nhất thể” (Đó là nói rõ ba thân một thể), Tịnh Nguyệt là dụ cho ba thân một thể.
Vị thứ hai “Sơn Vương Phật”. “Sơn Vương” là hình dung. Hình dung báo thân của Phật giống như núi lớn vậy. Vương là lớn nhất, là núi lớn nhất ở trong núi. Chúng ta thường gọi nó là núi chúa Tu Di. Thông thường là nói báo thân của Phật. Trong kệ tán Phật chúng ta tán thán Phật A Di Đà: “A Di Đà Phật thân kim sắc, tướng hảo quang minh vô đẳng luân, bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di”. Bạn thử nghĩ cái thân này bao lớn? Bạch hào là hai sợi lông ở trong lông mày quấn vào nhau. Bao lớn vậy? Lớn như năm ngọn núi Tu Di. Bạn nói thân tướng này của Ngài bao lớn? Bạch hào là hai sợi lông trong lông mày quấn lại với nhau. Nó bao lớn? Lớn bằng năm ngọn núi Tu Di. Bạn nói thân tướng này của Ngài bao lớn? Địa cầu này của chúng ta không thể dung chứa nổi. Cho nên địa cầu nếu ở trong pháp tướng trang nghiêm của Phật, e rằng chỉ là một sợi lông mà thôi. Phật có thể hiện thân tướng lớn như vậy, nên xưng là Sơn Vương Phật. Đây là sự khen ngợi đối với Phật, cũng là chứng tỏ năng lực thần thông của đức Phật rất thù thắng, có thể hiện thân lớn như vậy.