KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN (Tập 35)
Mời xem Kinh văn:
“HÀ HUỐNG CHÚNG SANH TỰ XƯNG TỰ NIỆM, HOẠCH PHƯỚC VÔ LƯỢNG, DIỆT VÔ LƯỢNG TỘI”
(Huống là chúng sanh tự mình xưng danh hiệu của chư Phật, người này đặng vô lượng phước lành, trừ diệt vô lượng khổ).
Kinh văn giảng đến chỗ này là nói đến niệm Phật diệt tội. Sự việc này chúng ta cần phải hiểu cho thật kỹ những gì đức Phật nói trong Kinh, tuyệt đối không được phép sơ ý qua loa, hiểu trên mặt chữ thế là sai rồi. Thực ra ở phần trước bản Kinh, Thế Tôn đã nêu ra cho chúng ta hai điển hình rất hay: Bà-La Môn nữ và Quang Mục nữ. Mẹ của họ đều là người tạo tác tội nghiệp cực nặng, đọa lạc vào trong địa ngục. May nhờ có người con gái hiếu thảo đến giúp đỡ họ. Dùng phương pháp gì giúp đỡ vậy? Đức Phật đều dạy họ dùng pháp môn niệm Phật. Có phải niệm Phật giống như chúng ta bình thường như thế này là có thể diệt được tội của họ không? Là có thể khiến cho họ từ trong địa ngục siêu sanh không? Là không thể. Việc này là chắc chắn không làm được. Phải niệm Phật như thế nào mới thật sự có hiệu quả? Phải niệm Phật giống như Bà-La-Môn nữ và Quang Mục Nữ mới có tác dụng. Cho nên chúng ta đi trợ niệm, trợ niệm chỉ bằng miệng mà không có tâm thì không có hiệu quả! Người trợ niệm trong lúc trợ niệm có thể được công phu thành khối, được nhất tâm bất loạn, thì người đó mới được siêu độ. Đạo lý là ở chỗ này. Chúng ta cần hiểu cho thật kỹ, nếu như người này không tạo nghiệp, không đọa lạc, thì tâm của người giúp họ niệm Phật sẽ không được thành kính như vậy. Bởi vì nhìn thấy họ tạo tội nghiệp, nhìn thấy họ đọa lạc, mới dùng tâm hết sức thành kính để niệm Phật hồi hướng và giúp đỡ họ, như vậy mới tự mình nâng cao cảnh giới của chính mình. Mình vốn dĩ là phàm phu, hiện nay làm Bồ Tát. Tại sao bạn làm Bồ Tát? Là bởi vì người tạo tác tội nghiệp giúp đỡ bạn, làm tăng thượng duyên cho bạn. Bạn thử nghĩ xem Quang Mục Nữ, Bà La Môn Nữ, nếu mẹ của các cô không tạo tội nghiệp, không đọa lạc, thì làm sao họ có thành tựu được? Họ không thể thành tựu được. Cho nên cái duyên thành tựu này là do người tạo tác tội nghiệp giúp họ, giúp họ siêu phàm nhập Thánh. Bạn nói công đức này bao lớn! Bồ Tát Đại Từ nói, bạn khuyên được hai người niệm Phật vãng sanh thì phước đức còn lớn hơn nhiều so với công phu tu hành của chính bạn. Tại sao hai người đó có thể vãng sanh, tại sao có thể làm Phật? Do bạn khuyên họ. Bạn khuyên một vạn người, khuyên mười vạn người, những người đó niệm Phật đều không thể vãng sanh, thì bạn cũng vô phương, bạn không được lợi ích. Họ thật sự vãng sanh làm Phật. Tại sao họ làm Phật? Bởi vì nhờ bạn khuyên họ, họ mới làm Phật. Họ thật sự làm Phật rồi thì công đức của bạn mới lớn. Phải biết đạo lý này. Tuyệt đối không phải nói là bạn khuyên được bao nhiêu người niệm Phật, hiệu quả của việc này không lớn. Những người mà bạn khuyên đó, họ thật sự niệm Phật, thật sự vãng sanh. Nếu bạn khuyên được mười mấy người vãng sanh, Bồ Tát Đại Từ nói phước đức của bạn là vô lượng vô biên. Nếu bạn khuyên được một trăm người, một nghìn người, thì bạn thật sự chính là Bồ Tát tái lai. Cho nên ở trong đây nhất định phải phân biệt rõ ràng. Tuyệt đối không phải nói chúng ta xây đạo tràng, ở đây có mấy nghìn người, mấy vạn người niệm Phật, con số đó không tính, là phải thật sự được nhất tâm, thật sự được công phu thành khối, thật sự được vãng sanh, lấy cái này làm tiêu chuẩn. Trong Kinh nói chỗ này cũng là tiêu chuẩn này, bạn có thể lấy tiêu chuẩn này, lợi ích công đức trong Kinh nói thì chúng ta không hoài nghi, phải biết đây là chân thật. Bà La Môn Nữ, Quang Mục Nữ là vì mẹ của mình, mới thành tâm thành ý niệm Phật như vậy để hồi hướng giúp mẹ, là cùng đạo lý giống nhau. Nếu như chúng ta rất xa lạ, hoàn toàn không quen biết với người lâm chung, khi gặp phải cơ duyên này, chúng ta giúp họ trợ niệm, thì tâm thái trợ niệm cũng phải xem họ như là người vô cùng thân thiết với chính mình, dùng tâm hết sức chân thành để niệm, thì kẻ còn người mất đều được lợi ích. Bản thân chúng ta được lợi ích, mà họ cũng được lợi ích. Nếu như chỉ phô diễn cho xong chuyện thì ta và người đều không được lợi ích. Lợi ích đó chính là “Vừa qua căn tai, vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo” như đã nói với mọi người ở phía trước, chứ không thể chuyển được nghiệp báo hiện tiền. Đây là sự gợi ý mà chúng ta có được từ trong "Kinh Địa Tạng", biết được dụng ý của Phật nói, hiểu rõ chân tướng sự thật. Cho nên thông thường những việc Phật sự siêu độ này có hiệu quả hay không, phải xem người chủ trì việc siêu độ này có tâm chân thành cung kính hay không. Thật sự có tâm chân thành, xem người chết như cha mẹ của mình, xem như quyến thuộc thân thiết nhất của mình, dùng loại tâm thái này để siêu độ thì sẽ có lợi ích. Nếu như xem họ như người xa lạ, hoàn toàn không có liên quan với mình, thì lợi ích rất mỏng manh. Đạo lý là ở chỗ này. Cùng làm công việc như nhau, mà hiệu quả hoàn toàn khác nhau, đây là điều chúng ta nhất định phải biết.