/ 51
356

KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN (Tập 20)

Kinh văn:

“NHƯỢC HỮU NỮ NHÂN YẾM NỮ NHÂN THÂN, TẬN TÂM CÚNG DƯỜNG ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT HỌA TƯỢNG CẬP THỔ, THẠCH, GIAO, TẤT, ĐỒNG, THIẾT ĐẲNG TƯỢNG, NHƯ THỊ NHẬT NHẬT BẤT THỐI THƯỜNG DĨ HOA HƯƠNG, ẨM THỰC, Y PHỤC, TĂNG THÁI, TRÀNG PHAN, TIỀN, BẢO VẬT ĐẲNG CÚNG DƯỜNG. THỊ THIỆN NỮ NHÂN TẬN THỬ NHẤT BÁO NỮ THÂN, BÁCH THIÊN VẠN KIẾP CÁNH BẤT SANH HỮU NỮ NHÂN THẾ GIỚI, HÀ HUỐNG PHỤC THỌ”.

(Như có người nữ nào nhàm chán thân gái, hết lòng cúng dường tượng vẽ của Địa Tạng Bồ-tát, và những tượng cất bằng đất, đá, keo, sơn, đồng, sắt, v.v… Ngày ngày thường đem hoa, hương, đồ ăn, đồ uống, y phục, gấm lụa, tràng phan, tiền bạc, vật báu, v.v… cúng dường như thế mãi không thôi. Người thiện nữ mãn một thân gái hiện tại, thời đến trăm nghìn muôn kiếp còn không sanh vào cõi nước có người nữ, huống nữa là thọ thân gái).

Đoạn này là nói về việc chuyển thân nữ. Sự việc này xã hội hiện nay khác với xã hội trước đây. Xã hội thời xưa ở Trung Quốc, ở Ấn Độ, và có thể ở những nơi khác cũng tương đối giống nhau, địa vị của người nữ trong xã hội tương đối thấp, nghĩa là nam nữ không bình đẳng. Nhưng trong xã hội hiện nay điều này đã khác với trước đây rồi. Trước đây Phật nói ở trong Kinh, thân người nữ chướng ngại, phiền não nhiều, tình chấp nặng hơn so với thân người nam. Cho nên Phật nói ở trong “Kinh Ngọc Da Nữ”, người nữ có mười việc thường hay lo nghĩ. Thứ nhất là lúc mới chào đời, cha mẹ không vui. Người mẹ sinh được con trai thì rất vui, khi sinh con gái thì tâm vui đó bị giảm đi rất nhiều. Thứ hai, đây là ở trong xã hội trước đây, cha mẹ và người trong gia đình quản lý, giáo dục đối với con gái cũng nghiêm khắc hơn rất nhiều. Mặc dù trưởng thành cũng không được phép giao tiếp với đàn ông bên ngoài. Khách bên ngoài họ là có phân biệt nội ngoại, đây là thường hay sợ gặp người ngoài. Kế đến là lúc gả lấy chồng thì cha mẹ cũng thêm lo lắng. Tóm lại là phải xa rời cha mẹ người thân quyến thuộc, đây là trong Phật pháp gọi là ái biệt ly khổ. Gả đi rồi thì hoàn toàn phải xem người chồng, xem sắc mặt gia đình họ, có biết bao nhiêu là chướng nạn. Lúc thiếu niên thì cha mẹ quản thúc, khi gả đi rồi thì chồng quản thúc, đến lúc già thì con cháu quản thúc, nên rất nhiều khổ sở, cho nên không muốn làm thân nữ. Thời hiện nay, quan niệm này đã khác trước đây rồi, chúng ta hiểu rõ những tình trạng này. Nhưng điểm quan trọng nhất ở trong đây là nói với chúng ta, nghiệp lực có thể chuyển đổi được, chúng ta phải hiểu được đạo lý này. Ngay cả thân hình còn có thể thay đổi được, huống chi là dung mạo, thể chất thân thể, điều đó đương nhiên là dễ hơn nhiều rồi. Phải hiểu được đạo lý này. Những gì trong đây nói chẳng qua là nguyên lý cảnh chuyển theo tâm, tâm có thể chuyển cảnh, chúng ta hiểu rõ đạo lý là được rồi.

Phương pháp chuyển, chỗ này nói: “Nhược hữu nữ nhân, yếm nữ nhân thân” (Như có người nữ nào nhàm chán thân gái), trong đoạn phía sau này là: “Thị thiện nữ nhân” (Ấy là người thiện nữ). Từ đó cho thấy, người nữ ở phía trước này là người thiện nữ, nó tỉnh lược bớt một chữ. Chữ này là vô cùng vô cùng quan trọng, chúng ta xem văn phía sau sẽ hiểu được chỗ này. Người nữ này là người thiện nữ. Người thiện nữ nhất định là phụng hành Tam Phước mà trong “Quán Kinh” nói, đây là điều nhất định phải nhớ kỹ. Kinh này là Kinh Đại Thừa, những gì mà trong mười một câu của Tam Phước nói đều phải làm cho được. Làm được đến trình độ nào thì lúc đó hãy bàn luận sau, chỉ cần bạn có thể làm được một vài phần cũng gọi là người thiện nữ, không làm không được, nhất định phải làm được. Họ có cơ sở này, sau đó lại dựa theo lý luận và phương pháp này để tu học thì có thể được quả báo.

“Tận tâm”, chữ này là chữ mấu chốt ở trong phương pháp tu hành, nhất định phải tận tâm. Tận tâm tức là dùng tâm thành kính nhất, tâm chân thật nhất để tu cúng dường. Cúng dường hình tượng Bồ-tát Địa Tạng. Hình tượng thì hình ảnh vẽ cũng được, hình tượng nặn đắp cũng được, hình tượng đúc bằng vàng, bạc, đồng, sắt cũng được. Chỗ này nói chỉ cần là cúng dường hình tượng Bồ-tát Địa Tạng, Kinh văn phía dưới đều là có ý nghĩa này. Cúng dường là (ngày ngày vĩnh viễn không thôi) có thể thấy là phát tâm dài lâu. Đồ cúng đã nêu ra mấy đồ điển hình, dùng hoa cúng dường, dùng hương cúng dường, dùng đồ ăn, đồ uống, y phục, gấm lụa, tràng phan, và tiền tài, bảo vật v.v… để cúng dường. Đây là nói đồ vật cúng dường. Đồ vật cúng dường nhiều hay ít, sang hay hèn là tùy theo năng lực của mình, tuyệt đối không gượng ép. Ở trong đồ cúng hiểu được ý nghĩa của pháp tượng trưng, điểm này phải đặc biệt nhớ kỹ. Nếu như không hiểu pháp tượng trưng, mà chỉ dùng loại hình thức này để cúng dường thì lợi ích đạt được là rất nhỏ nhoi, không thể chuyển nổi nghiệp lực, nhất định phải hiểu được ý nghĩa của pháp tượng trưng. Hay nói cách khác, hình tượng Phật Bồ-tát và tất cả đồ vật cúng dường đều là từng giây từng phút đề cao sự cảnh giác của mình, đức hạnh của bản thân bạn không ngừng nâng cao lên thì bạn có thể được tự tại. Tự tại giống như Phật Bồ-tát vậy, cần dùng thân gì được độ thì họ liền hiện thân ấy. Hay nói cách khác, đem nghiệp lực của mình chuyển đổi thành nguyện lực, ý nghĩa quan trọng nhất của đoạn Kinh văn này là ở chỗ này. Nguyện lực thọ thân thì tự tại, còn nghiệp lực thọ thân thì không tự tại. Cho nên phương pháp này là dạy chúng ta chuyển nghiệp lực thành nguyện lực.

/ 51