KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN (Tập 19)
“PHỔ QUẢNG BẠCH NGÔN: DUY NHIÊN! THẾ TÔN. NGUYỆN NHẠO DỤC VĂN”
(Ngài phổ Quảng bạch Phật rằng: “Vâng! Bạch đức Thế Tôn! Chúng con xin ham muốn nghe”).
Đoạn này có thể không cần giảng, mọi người xem qua liền hiểu ngay. Tiếp theo xem đoạn dưới đây:
“PHẬT CÁO PHỔ QUẢNG BỒ-TÁT, VỊ LAI THẾ TRUNG NHƯỢC HỮU THIỆN NAM TỬ, THIỆN NỮ NHÂN VĂN THỊ ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT MA HA TÁT DANH GIẢ, HOẶC HIỆP CHƯỞNG GIẢ, TÁN THÁN GIẢ, TÁC LỄ GIẢ, LUYẾN MỘ GIẢ, THỊ NHÂN SIÊU VIỆT TAM THẬP KIẾP TỘI”
(Đức Phật bảo Ngài Phổ Quảng Bồ-tát: “Trong đời sau, như có người thiện nam, kẻ thiện nữ nào nghe được danh hiệu của Địa Tạng đại Bồ-tát, hoặc là chắp tay, hoặc là ngợi khen, hoặc là đảnh lễ, hoặc là luyến mộ, người đó sẽ qua khỏi tội khổ trong ba mươi kiếp”).
Đoạn Kinh văn này, hầu hết mọi người xem xong đều thấy rất khó tin, rất khó tiếp nhận. Tại sao vậy? Đâu có chuyện dễ dàng, thuận tiện như vậy. Một người nghe thấy danh hiệu Bồ-tát Địa Tạng, hoặc chắp tay, khen ngợi, đảnh lễ, luyến mộ, những hiện tượng bình thường như vậy thì có thể sẽ qua khỏi tội báo trong ba mươi kiếp, dường như khó tránh khỏi chuyện nói hơi quá, làm gì có lợi ích lớn như vậy được? Thực ra ở trong đoạn văn tự này, chữ mấu chốt là ở chữ “thiện”. Đây chẳng phải nói rất rõ ràng sao? Thiện nam tử, thiện nữ nhân, không phải là người nam, người nữ thông thường. Bạn nghe tên chắp tay, liền có công đức lớn như vậy. Chúng ta đọc Kinh thường hay lơ là sơ ý nên bỏ sót rồi. Tiêu chuẩn của thiện, đây là Kinh Đại Thừa, tiêu chuẩn thiện của Kinh Đại Thừa, chúng ta bèn dựa theo "Kinh Phật Quán Vô Lượng Thọ" để nói, dùng cái tiêu chuẩn này để nói: “Tịnh nghiệp tam phước” thảy đều làm được mới gọi là thiện. Bạn chỉ có thể làm được: “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự thầy tổ, từ tâm không giết hại, tu thập thiện nghiệp”, bạn là thiện cõi nhân thiên. Kinh này là Kinh Đại Thừa bạn vẫn chưa đạt được tiêu chuẩn này. Nếu như lại cộng thêm: “Thọ trì tam quy, giới luật đầy đủ, không phạm oai nghi”, bạn cũng mới là thiện Nhị Thừa, là thiện của Thanh Văn, Duyên Giác, vẫn còn kém hơn một cấp so với tiêu chuẩn này. Thiện này nhất định phải “Phát tâm Bồ đề, tin sâu nhân quả, đọc tụng đại thừa, khuyến tấn hành giả”. Hay nói cách khác, 11 câu đều làm được, người này nghe thấy danh hiệu Bồ-tát Địa Tạng chắp tay, khen ngợi sẽ qua khỏi tội khổ trong 30 kiếp. Thế thì còn lời gì để nói nữa? Mình có cái cơ sở này, lại cộng thêm oai thần của Phật Bồ-tát gia trì thì chúng ta có thể tin được. Cho nên thiện ở chỗ này không phải thiện nhỏ của phàm phu, đây là chữ mấu chốt. Rất nhiều người đọc Kinh, nghe Kinh, sau khi nghe xong bèn sinh nghi hoặc không tin, là do không chú ý đến chữ này, đây là chữ quan trọng nhất ở trong đoạn này.
Tiêu chuẩn này há chẳng phải là phàm phu tâm lượng lớn mà trong "Kinh Hoa Nghiêm" nói sao? Chúng ta là phàm phu, tại sao nói phàm phu tâm lượng lớn? Phàm phu bạn phiền não chưa đoạn, không phải Bồ-tát. Nếu như là Bồ-tát thì kiến tư phiền não đoạn rồi, trần sa phiền não cũng đoạn rồi, cũng phá một phần vô minh rồi, đó là thật chứ không phải giả. Tam phước trong “Quán Kinh” họ thật sự làm được rồi, đó là pháp thân đại sĩ, không phải người thông thường. Chúng ta phiền não chưa có đoạn, cũng tu theo pháp của Bồ-tát, chúng ta cũng tu. Tuy tu mà phiền não chưa có đoạn, đây gọi là phàm phu tâm lượng lớn. Tâm lượng lớn, pháp môn bạn tu ngang bằng với pháp thân đại sĩ, nhưng pháp thân đại sĩ phiền não đoạn rồi, còn chúng ta phiền não vẫn chưa đoạn. Định nghĩa về thuật ngữ “Phàm phu tâm lượng lớn” là như vậy.
Chúng ta muốn đạt đến tiêu chuẩn của Bồ-tát là không dễ dàng. Đừng nói Bồ-tát, mà Nhị Thừa, ngay cả sơ quả Tu-đà-hoàn Tiểu Thừa, chúng ta ở trong đời này muốn bước vào cảnh giới của các Ngài cũng là chuyện không dễ dàng, cũng không phải là có thể làm được. Cho nên chúng ta dùng thân phận phàm phu tu pháp môn Tiểu Thừa, tu pháp môn Bồ-tát, thậm chí là tu đại pháp Nhất Thừa, việc này không phải là không thể. Đặc biệt là lời trong "Kinh Hoa Nghiêm" nói: Một tức tất cả, tất cả tức một. Từ sơ phát tâm là có thể tu pháp môn của Bồ-tát đẳng giác. Điều này đúng như lời trong Kinh nói: “Hành bố bất ngại viên dung, viên dung bất ngại hành bố”. Hành bố là thứ lớp. Viên dung là thoát khỏi thứ lớp, hiển thị ra pháp giới vô chướng ngại. Cũng chính là nhắc nhở chúng ta, chúng ta có thể tu học pháp giới vô chướng ngại, không phải không thể tu. Không phải nói nhất định phải đến cấp bậc đó mới tu. Phật pháp khác với trường học trong thế gian. Trong trường học thế gian, học trò lớp một tuyệt đối không thể tu học khóa trình của lớp tiến sĩ. Nhưng ở trong Phật pháp thì được, người mới phát tâm học đã có thể tu pháp môn ở trên quả địa Như-lai. Trên quả địa Như-lai là pháp gì vậy? Pháp bình đẳng. Cho nên mặc dù Bồ-tát đẳng giác, trên quả địa Như-lai Ngài cũng không từ bỏ pháp môn mà người sơ phát tâm tu. Người sơ phát tâm tu pháp môn gì vậy? Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự thầy tổ. Phật cũng không bỏ, đây gọi là một tức tất cả, là khác với cách dạy học trong thế gian. Từ đó cho thấy, ở trong Phật pháp không có thứ lớp, sâu cạn. Bạn nói cạn, cạn chính là sâu. Nói sâu, sâu chính là cạn. Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự thầy tổ là rất cạn, là cho người mới vào cửa Phật học, nhưng Bồ-tát đẳng giác cũng tu, Như-lai cũng tu, nhất định không có bỏ, cho nên cạn chính là sâu. Pháp môn Như-lai thanh tịnh, bình đẳng, cái này rất sâu, người sơ học chúng ta cũng có thể tu, sâu tức là cạn, cạn sâu không hai. Nên Phật pháp được gọi là pháp môn không hai, đạo lý là ở chỗ này.