/ 2
893

 

KHAI THỊ “DI ĐÀ THẬP NIỆM TẤT SANH NGUYỆN”

TẬP 2


Trì Giới Là Gốc,

Tịnh Độ Là Nơi Trở Về,

Quán Tâm Là Điều Quan Trọng,

Bạn Lành Là Nơi Nương Tựa.

Chủ giảng: Pháp sư thượng Định hạ Hoằng

Thời gian: Ngày 5 tháng 1 năm 2016

Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội Lục Hòa Thành phố Cao Hùng.

Chúng ta cùng nhau chắp tay cung kính niệm Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật và khai Kinh kệ.

Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật (3 lần)

Phật pháp rộng sâu rất nhiệm mầu.

Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu.

Con nay nghe được chuyên trì tụng.

Nguyện tỏ Như Lai nghĩa nhiệm mầu.

“Di-đà Thập Niệm Tất Sanh Nguyện Phát Ẩn”.

Kính thưa các vị Pháp sư. Kính thưa Hội trưởng Ngô và ban Cán sự của Học Hội, các vị liên hữu, thiện tri thức, xin chào mọi người. (Đại chúng: A-di-đà Phật). Mời bỏ tay xuống.

Chúng ta tiếp tục tiết học buổi chiều, tiếp tục nghiên cứu và thảo luận nguyện thứ mười tám của Phật A-di-đà. Chủ đề mà chúng tôi giảng lần này, hai chữ phía sau là “Phát ẩn”. Chính là đưa ra những ý nghĩa thâm sâu được ẩn chứa trong lời nguyện quan trọng này. Có lẽ bình thường không nghiêm túc tư duy, nghiêm túc khai thác ý nghĩa để hiểu rõ hơn, cho nên gọi là “Phát ẩn”. Tiết học buổi chiều, chúng tôi đã giải thích chi tiết cho mọi người về ý nghĩa của mỗi câu trong nguyện thứ mười tám. Tất nhiên là vẫn chưa giảng xong. Chúng ta đừng ngại cùng nhau đọc nguyện này thêm một lần nữa.

Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, văn ngã danh hiệu, chí tâm tín nhạo. Sở hữu thiện căn, tâm tâm hồi hướng. Nguyện sanh ngã quốc, nãi chí thập niệm. Nhược bất sanh giả, bất thủ Chánh Giác. Duy trừ ngũ nghịch, phỉ báng chánh pháp” (Khi con thành Phật, chúng sanh trong mười phương nghe danh hiệu con, hết lòng tin ưa, tất cả căn lành tâm tâm hồi hướng nguyện sanh cõi nước con, cho đến mười niệm, nếu không được vãng sanh, thề không thành Chánh Giác. Ngoại trừ những kẻ phạm tội Ngũ Nghịch, phỉ báng Chánh Pháp).

Chúng tôi đã giảng đến Chí tâm, Tín nguyện. Chí tâm là gì? Tín là gì? Nguyện là gì? Trong đây đều có tiêu chuẩn, không thể tùy tiện. Phải dùng Chí tâm, Tín nguyện để niệm câu Phật hiệu này. “Nãi chí thập niệm” (cho đến mười niệm), mười câu Phật hiệu nhất định vãng sanh. Cho nên quý vị nói vãng sanh khó hay là dễ? Mười câu có gì khó đâu? A-di-đà Phật (sáu lần) A-di-đà Phật (bốn lần). Mười câu này, quý vị xem, tôi niệm nhanh như vậy, ba, ba, bốn. Thật ra cũng rất rõ ràng, phải vậy không? Bản thân tôi cảm giác nhịp điệu cũng rất mạnh. Khi niệm, cảm giác nhịp điệu này trỗi dậy. Quý vị không cảm thấy mệt. Các tế bào của cơ thể đều rung động theo nhịp điệu này. Chỉ trong thoáng chốc đã niệm xong mấy vạn câu Phật hiệu rồi. Vì vậy mười câu có gì khó đâu? Nhưng Chí tâm, Tín nguyện thì không đơn giản. Khó là khó ở chỗ quý vị có Chí tâm hay không? Chí tâm thì mười niệm ắt thành tựu, Phật A-di-đà nhất định đến tiếp dẫn quý vị. Nguyện này là sự bảo đảm. “Nhược bất sanh giả, bất thủ Chánh Giác” (nếu không được vãng sanh, thề không thành Chánh Giác). Phật A-di-đà đã sớm thành bậc Chánh Giác, Ngài đã thành Phật trong mười kiếp trước rồi.

Hay nói cách khác, lời nguyện này chính là sự bảo đảm cho chúng ta. “Nhược bất sanh giả”, vấn đề không xuất phát từ chỗ của Phật A-di-đà, mà ở chỗ của chúng ta. Không phải chúng ta không niệm Phật mà là thiếu sự Chí tâm, Tín, Nguyện. “Nãi chí thập niệm”, giống như người hạ phẩm hạ sanh trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói đến. Hạ phẩm hạ sanh, đó là những người từng tạo tội ngũ nghịch thập ác, thậm chí cả đời đều làm việc ác.

Khi họ lâm chung, bị nỗi khổ bức bách, nghiệp báo hiện tiền, thậm chí là thấy lửa lớn ở địa ngục, hoặc là thấy oán thân trái chủ đến đòi mạng. Như ông Trương Thiện Hòa đời nhà Đường, điều này được ghi chép trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục. Cả đời ông làm nghề giết mổ bò, đã giết vô số con bò. Khi ông lâm chung nhìn thấy người đầu bò đến đòi mạng, dọa ông chết khiếp. Lúc đó ông rất đau khổ, bệnh rất nặng, cũng may đầu óc ông còn tỉnh táo. Khi ông nằm rên rỉ, bên ngoài có một vị xuất gia đi ngang. Nghe thấy trong nhà có tiếng kêu khổ liên tục thì vào trong xem thử. Nhìn thấy có một người bệnh đã trở nên mê mờ, rất đau khổ, đây là tướng khi lâm chung. Cho nên Ngài kêu ông mau chóng niệm Phật. Ông Trương Thiện Hòa này cũng có thiện căn, nghe xong liền tin nhận, ông không nghi ngờ. Thế là ông mau chóng niệm A-di-đà Phật. Niệm được mười lăm phút, thì không còn thấy người đầu bò nữa. Niệm thêm một chút nữa, thấy Phật A-di-đà đến. Ông nói với vị xuất gia rằng: “Phật A-di-đà đã đến tiếp dẫn con”, bèn tắt thở ra đi. Quý vị xem, tạo tác ác nghiệp, đến khi lâm chung, đây chính là “nãi chí thập niệm”. Ông niệm Phật như vậy thật sự là chí tâm. Vì sao vậy? Biết rằng không niệm Phật thì hết cách cứu chữa, chết chắc rồi, mà chết cũng thật khủng khiếp. Những người đầu bò đó đã đến đòi mạng, vậy thì tương lai chắc chắn đọa ba đường ác.

/ 2