ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH
Tập 7
Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Xin mời mở kinh. Lần trước giảng tới đoạn đức Phật dạy cô Bà-la-môn dùng pháp môn Niệm Phật sẽ biết được mẹ mình sau khi chết thần hồn thác sanh vào cõi nào. Chúng ta biết Phật pháp Đại thừa, Tiểu thừa, pháp môn vô lượng vô biên, môn nào cũng có thể thành đạo vô thượng. Tại sao Phật không dạy cô dùng phương pháp tham thiền, phương pháp trì giới, phương pháp trì chú? Tại sao không dạy những pháp môn này? Mà lại đặc biệt dạy pháp môn Niệm Phật, chúng ta nhất định phải hiểu hàm nghĩa ở trong đây. Bất cứ pháp môn nào cũng có thể đạt được định, đều có thể khai tuệ, tổng cương lĩnh của việc tu học Phật pháp chính là định, tuệ, chư vị nhất định phải hiểu việc này. Cho nên vô lượng pháp môn đều là phương pháp tu định, tuệ, đều là cánh cửa để khai trí tuệ, tuy phương pháp và con đường không giống nhau, mà mục tiêu đạt được hoàn toàn giống nhau. Nhưng trong ấy đích thật có sự sai khác khó dễ dựa trên căn tánh, duy chỉ có pháp môn Niệm Phật là bao trùm cả ba căn, bất luận là lợi căn hay độn căn, hơn nữa thành tựu nhanh chóng, ổn đáng, dễ dàng, cho nên Phật dùng pháp môn này để dạy cô. Cô quả thật rất giỏi, nếu nói theo pháp môn của chúng ta, thì cô thuộc về bậc thượng thượng căn, người có căn tánh thượng đẳng vì cô chỉ niệm một ngày một đêm liền đạt được nhất tâm bất loạn, liền được định. Trong định, cảnh giới hiện tiền, chỉ có cô mới có thể nhìn thấy. Nếu Phật nói cho cô biết mẹ cô đã sanh lên trời Đao Lợi được ba ngày rồi, chưa chắc cô có thể tin tưởng, không chắc đã là thật. Cô nghĩ: “Có thể Phật nói như vậy để an ủi mình, nhìn thấy mình rất đáng thương nên nói ra để an ủi, chưa chắc đã là thật”. Phật không có nói dối! Nói chung việc này là thật. Lòng tin này không chắc thật, cô đích thân đến địa ngục để xem, vậy không còn lời nào để nói.
Hơn nữa mẹ cô làm sao có thể sanh lên trời? Nhất định không phải do Phật lực, hôm qua đã nói với chư vị rồi, là do chính bản thân cô, nhờ tăng thượng duyên này của mẹ giúp cho cô dũng mãnh tinh tấn, nội trong một ngày thành tựu được Niệm Phật Tam muội. Nhờ công đức này nên mẹ của cô được sanh lên trời. Nếu như chính cô không thể dũng mãnh tinh tấn, không đạt được Niệm Phật Tam muội, thì mẹ của cô sẽ không được phước lớn như vậy. Phước của mẹ cô lớn hay nhỏ là tùy vào công phu tu trì của cô sâu hay cạn mà tính. Lý luận này mới nói được thông, mới hợp tình, hợp lý, hợp pháp. Vì thế thời xưa khi con cháu đỗ đạt vinh hiển, cha mẹ của họ, tổ tiên của họ đều được triều đình phong thưởng; tại sao triều đình phải phong thưởng cha mẹ, tổ tiên của họ? Trong lịch sử chúng ta thấy được khi triều đình phong quan, tuy cha mẹ của người ấy không còn tại thế, đã qua đời, đều phong tước vị cho cha mẹ bằng với tước vị của người ấy. Tại sao? Người ấy là hiếu tử, thành tựu của ông ấy là nhờ cha mẹ dạy dỗ, ông ấy vì muốn báo ân cha mẹ nên mới dũng mãnh tinh tấn; cha mẹ, ông bà đối với ông ấy đều là tăng thượng duyên thiện, cùng là một đạo lý như vậy nên triều đình mới phong thưởng. Đạo lý này đi khắp nơi trong các cõi nước của chư Phật, đi khắp hư không pháp giới, đều được hết thảy chúng sanh khẳng định, chúng ta hay nói chân lý vĩnh hằng không thay đổi chính là ở chỗ này. Đọc kinh này xong chúng ta mới biết làm sao siêu độ, siêu độ sẽ được lợi ích gì, mới bỗng nhiên tỉnh ngộ đây là thật không phải là giả.
Kinh Địa Tạng là kinh căn bản của Phật pháp Đại thừa, thật ra phải giảng kỹ càng, nhưng lần này thời gian của chúng ta có hạn, chúng tôi chỉ giảng hai mươi buổi, bốn mươi giờ, không thể nói kỹ. Tương lai chúng tôi nhất định sẽ tìm thời gian giảng kỹ hơn, đây là pháp căn bản cho sự tu học của chúng ta, nhất định không được xem nhẹ. Chúng ta xem tiếp kinh văn:
Thời Bà-la-môn nữ tầm lễ Phật dĩ tức quy kỳ xá, dĩ ức mẫu cố.
Câu nói này quan trọng. Tại sao cô có thể y giáo phụng hành? Tại sao có thể ngồi ngay ngắn niệm, ngồi ngay ngắn chính là dùng tâm chân thành, nhất tâm niệm Phật. “Vì nhớ mẹ”, đây chính là phát tâm Bồ-đề, tương ứng với nguyên tắc của kinh Vô Lượng Thọ: “Phát Bồ-đề Tâm, Nhất hướng chuyên niệm”.
Đoan tọa niệm Giác Hoa Định Tự Tại Vương Như Lai. Kinh nhất nhật nhất dạ.
Cô không ngủ, không nghỉ! Trong “Tịnh Độ Thánh Hiền Lục” chúng ta thấy Pháp sư Oánh Kha đời Tống, truyện ký ghi vị tỳ-kheo phá giới này đã làm rất nhiều ác nghiệp. Ưu điểm lớn nhất của ông là tự biết được mình đã tạo ác quá nhiều nên tương lai nhất định sẽ đọa địa ngục, tự ông biết được. Đã biết rồi tại sao còn tạo nghiệp? Vì tập khí quá nặng, khi gặp ác duyên bản thân ông không thể tự khống chế. Biết tương lai đọa địa ngục rất đáng sợ, nghĩ đến quả báo này nên ông rất sợ. Ông tìm những bạn đồng tu để thỉnh giáo, họ cho ông một cuốn Vãng Sanh Truyện. Xem xong ông rất cảm động, đóng cửa lại niệm Phật, ba ngày ba đêm không ngủ, không ăn, ngay cả nước cũng không uống, niệm một mạch suốt ba ngày ba đêm, niệm thấy A Di Đà Phật đến. Trong kinh Di Đà nói nếu [niệm] một ngày, nếu hai ngày, nếu ba ngày đến bảy ngày, chúng ta thấy được, đây là thật không phải giả. Chúng ta niệm Phật hết bảy ngày, niệm hết bảy lần của bảy ngày mà cũng không thấy Phật đến, đó là vì không đúng như pháp, vừa niệm Phật vừa khởi vọng tưởng, còn có tạp niệm, cho nên không có cảm ứng. Niệm Phật đúng cách thì một tạp niệm cũng không có. Giống như Pháp sư Oánh Kha vì sợ đọa địa ngục, cứu mạng khẩn cấp, cho nên một tạp niệm cũng không có, đây là người căn tánh hạng trung bình. Thánh Nữ Bà-la-môn là người thượng căn, một ngày một đêm liền thành tựu, Pháp sư Oánh Kha ba ngày ba đêm thành tựu, chí thành khẩn thiết cảm động Phật đến ứng. Đây là một ngày một đêm đạt được Niệm Phật Tam muội, được sự nhất tâm bất loạn.