ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN KINH
Tập 5
Chủ giảng: Pháp Sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Địa điểm: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Chư vị pháp sư, chư vị đại đức, đồng học. Vì chúng ta dùng bản in khác nhau nên mỗi lần giảng không thể nêu lên số trang, số hàng, hy vọng mọi người trong mỗi lần nghe kinh, giảng đến đâu thì tự mình ghi nhớ lấy, lần sau nhất định sẽ giảng tiếp từ chỗ đó, đây là chuyện bất đắc dĩ, mong mọi người thông cảm cho. Xin mời mở kinh. Lần trước giảng đến trời Dục giới:
Sở vị Tứ Thiên Vương thiên, Đao Lợi thiên, Tu Diệm Ma thiên, Đâu Suất thiên, Hóa Lạc thiên, Tha Hóa Tự Tại thiên.
Giảng đến đoạn này, đoạn này chúng ta đã giảng qua Tứ Thiên Vương rồi, quan trọng là phải hiểu được biểu pháp của Tứ Thiên Vương thì chúng ta mới có thể được thọ dụng chân chánh. Nói một cách đơn giản, Đông Phương Trì Quốc Thiên Vương, chúng ta xem tên liền biết ý nghĩa, vị Thiên Vương này dạy cho chúng ta làm thế nào bảo vệ quốc gia của mình vĩnh viễn được hưng vượng, không bị suy thoái. Từ ý nghĩa này suy rộng ra, làm cách nào mới có thể giữ vững nhà mình, làm cách nào mới có thể bảo hộ bản thân, trong một đời này chúng ta xây dựng sự nghiệp“vang danh bốn biển, đức lưu muôn đời”. Đây là sự thành tựu chân thật ngay trong đời này của chúng ta, cho nên ý nghĩa này rất sâu, rất rộng.
Nam Phương Thiên Vương là dạy chúng ta phải cầu tiến bộ, thời đại vĩnh viễn luôn tiến bộ, chúng ta thường nói người nào đó không theo kịp thời đại, ý nghĩa ở chỗ này. Thời đại mỗi ngày thay đổi, mỗi ngày tiến bộ; cái tiến này, có mặt hướng về thiện, cũng có mặt hướng về ác, đây là việc chúng ta không thể không phân biệt. Nếu như tinh tấn hướng về thiện pháp thì đây là mặt chánh, quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa; nếu như tinh tấn hướng về mặt ác, hướng về tham, sân, si, mạn thì nhất định sẽ mang lại bất ổn trong xã hội, thiên tai nhân họa, mọi người phải chịu khổ, việc này nhất định phải phân biệt rõ ràng. Phía trước đã từng giảng chư Phật tán thán Thế Tôn biết pháp khổ vui, câu này rất phi thường! Niềm vui chân chánh, không những chỉ vui trong đời này, mà đời sau vĩnh viễn hưởng lạc, đó mới là niềm vui chân chánh. Nếu như nói trong đời này chúng ta hưởng lạc, nhưng đời sau chịu khổ, như vậy là sai rồi, đặc biệt sai lầm! Những người đời này hưởng lạc, đời sau chịu khổ không biết là bao nhiêu, đây là việc chúng ta không thể không cảnh giác. Trong lúc hưởng lạc lại tạo nghiệp, khi phước báo hưởng hết, ác nghiệp hiện tiền thì bạn sẽ đến ba đường ác để thọ báo, đây là hết sức sai lầm. Nam Phương Thiên Vương là đại biểu cho tinh tấn có trí tuệ, tinh tấn có lý trí, không phải si mê, không phải cảm tình.
Tây Phương Thiên Vương là Quảng Mục Thiên Vương, dạy chúng ta xem nhiều, cũng chính là học tập nhiều. Bắc Phương Thiên Vương là Đa Văn Thiên Vương, nhìn nhiều, nghe nhiều, vĩnh viễn ở tại vị trí học hỏicũng chính là vĩnh viễn làm một học sinh. Chỉ có chứng được Phật quả cứu cánh viên mãn thì mới ở tại vị trí người thầy, đạo sư chân chánh; Đẳng Giác Bồ Tát còn là học sinh, huống hồ là hạng khác. Mình vĩnh viễn phải ở tại địa vị học sinh. Người Trung Quốc thời xưa nói: “Sống đến già, học đến già, học không hết”, cũng chính là ý nghĩa này, cả đời đến già vẫn còn hiếu học. Trong nhà Phật gọi là “học nhân”, học nhân chính là học sinh, học tập làm người, vĩnh viễn đều đang học làm người. Ai có thể làm người tốt, làm được viên mãn, một mảy tơ cũng không thiếu sót? Thành Phật, chỉ có Phật mới là một người hoàn hảo, chúng ta phải hiểu đạo lý này, phải hết lòng học tập.
Những vật trên tay của Tứ Thiên Vương, chúng ta dùng cách nói hiện nay thì mọi người dễ hiểu, đó gọi là đạo cụ. Đạo chính là biểu pháp, làm cho bạn nhìn thấy, tiếp xúc đến, thì bạn liền biết được đại đạo lý của vũ trụ nhân sanh, liền biết được cần phải nắm chắc nguyên tắc này để học tập. Trên tay Đông Phương Thiên Vương cầm đàn tỳ bà, nhạc khí, không phải nói Ngài thích ca hát, thích khiêu vũ, bạn nghĩ như vậy là sai rồi. Ngài dùng cái này tiêu biểu cho việc làm thế nào để hộ trì quốc gia của bạn, hộ quốc quan trọng nhất là hành trung đạo. Nhà Nho nói “trung dung”, đạo Trung Dung, nhà Phật nói “trung đạo đệ nhất nghĩa đế”, Ngài dùng sợi dây đàn này để biểu pháp. Khi chỉnh dây đàn, vặn quá chặt thì nó sẽ đứt, quá chùng thì âm thanh sẽ không kêu, nhất định phải chỉnh đến mức phù hợp, tiêu biểu cho ý nghĩa này. Đến mức phù hợp chính là không căng cũng không chùng, đây gọi là trung đạo, tiêu biểu cho ý nghĩa này. Chỗ cao minh của thánh nhân là biết dùng trung, không lệch về hai bên, đây là đạo cụ.