ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN KINH
Tập 44
Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không
Thời gian: Tháng 5 năm 1998
Địa điểm: Tịnh tông Học hội Singapore.
Mời mở kinh, Khoa Chú quyển hạ, trang 51, mời xem kinh văn:
Ư đảnh môn thượng phóng như thị đẳng hào tướng quang dĩ, xuất vi diệu âm cáo chư đại chúng, thiên long bát bộ, nhân phi nhân đẳng: “Thính ngã kim nhật ư Đao-lợi thiên cung, xưng dương tán thán Địa Tạng Bồ-tát ư nhân thiên trung lợi ích đẳng sự, bất tư nghị sự. Siêu thánh nhân sự, chứng thập địa sự, tất cánh bất thoái A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề sự”.
Phía trước chúng ta xem thấy Thế Tôn phóng quang, trước khi nói câu tổng kết thì phóng quang tướng lành. Tiếp theo đức Phật nói với mọi người, ngài dùng vi diệu âm, hàm nghĩa trong “vi diệu âm” sâu rộng vô hạn, trong một âm hàm chứa hết thảy âm, mỗi một âm hàm chứa hết thảy sự, thế nên gọi là vi diệu âm. Nói với đại chúng ở trong hội này, bao gồm thiên long bát bộ, người và phi nhân v.v… Đây đều là những đại chúng được Địa Tạng Bồ-tát giáo hóa. “Hôm nay, nghe ta ở cung trời Đao-lợi xưng dương tán thán Địa Tạng Bồ-tát “, câu này là lời tổng kết từ lúc pháp hội khai mạc đến giờ, toàn bộ kinh văn nói đến chỗ này đều xưng dương tán thán Địa Tạng Bồ-tát. Mấy câu phía sau là tổng kết, “những sự lợi ích trong cõi trời người”, sau đó nói rất cụ thể, tổng kết toàn kinh. Câu này là kết danh, mà cũng là nói tới giáo, chúng ta dùng bốn thứ “giáo, lý, hành, quả” để nói thì đây là giáo. Lần này, chúng tôi ở Úc Châu tham học 20 ngày, quan sát thấy Úc Châu hiện nay đang thúc đẩy đa nguyên văn hóa dần dần cũng đã có thành quả. Chúng ta quay lại nhìn nền giáo học của nhà Phật, đích thực là tài liệu dạy học cho những người theo đuổi công việc đa nguyên văn hóa, đây chính là kinh điển Đại thừa.
“Những sự lợi ích trong cõi trời người”, nhân thiên là nói trên trời và nhân gian, và cũng chỉ cho những cõi trong lục đạo. Trong lục đạo đương nhiên là thể sinh hoạt đa nguyên văn hóa cộng đồng. Địa Tạng Bồ-tát, Thích-ca Thế Tôn làm sao có thể đối với hết thảy chúng sanh chủng loại khác nhau, tộc quần khác nhau, phương thức sinh hoạt khác nhau, thậm chí đối với tư tưởng kiến giải khác nhau, tín ngưỡng khác nhau, có thể giúp họ tiêu trừ những thứ khác nhau này, giúp họ dung hợp thành một thể cộng đồng. Thể cộng đồng chính là nhất chân pháp giới, thể đa nguyên khác nhau chính là thập pháp giới; chúng sanh trong thập pháp giới đến sau cùng đều quy về nhất chân pháp giới, đây là lợi ích chân thật. Đây chính là trí tuệ cao độ của Thế Tôn, phương tiện thiện xảo dạy bảo. Do đó, giáo học trong Phật pháp, đức Phật dạy chúng ta những gì? Đây là điều chúng ta nhất định phải rõ ràng. Thứ nhất là đức Phật dạy chúng ta chung sống giữa người với người như thế nào, Lục hòa kính chính là lời dạy bảo của đức Phật. Nếu như chúng ta không thể chung sống với người vậy thì còn bàn gì đến thành tựu? Quan hệ giữa người với người vô cùng phức tạp, nói thật ra mỗi người, mỗi chúng sanh đều là một hình thể đa nguyên văn hóa. Vì mỗi người, mỗi chúng sanh trong đời quá khứ, đời đời kiếp kiếp luân hồi trong lục đạo, a-lại-da thức đã chứa đựng rất nhiều hạt giống, tập khí khác nhau, đó không phải là một kết cấu đa nguyên văn hóa hay sao? Huống hồ lúc mọi người cùng nhau qua lại phải đối xử như thế nào, đây là đại học vấn. Có thể tiêu trừ kỳ thị, tiêu trừ hiểu lầm, tiêu trừ ngăn cách; tôn kính lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau, quan tâm lẫn nhau, đây là điều Phật-đà kỳ vọng ở chúng ta. Đặc biệt là tu học Đại thừa, trong kinh thường dạy chúng ta “tâm bao thái hư, lượng chu sa giới”, trong hết thảy cảnh giới của chúng sanh vẫn còn vạch ra ranh giới y như cũ, như vậy là sai rồi, trái nghịch với lời dạy của Phật-đà, trái nghịch với lời dạy của Bồ-tát. Cho nên, học Phật điều thứ nhất là phải mở rộng tâm lượng, phải bao dung hết thảy thì bạn mới có thể vào cửa Phật, mới có thể hiểu được lời Phật dạy, vậy chúng ta mới đạt được lợi ích chân thật. Lợi ích chính mình, lợi ích xã hội, lợi ích hết thảy chúng sanh, những gì trong kinh giảng là những việc này.
Câu thứ hai nói “bất tư nghị sự”, đây là tổng kết từ mặt thể; lý là một, tại sao những thứ khác nhau có thể dung hợp thành một thể? Vì lý là một. Tướng có nhiều thứ, sự có nhiều thứ, dụng có nhiều thứ, lý chỉ có một, do đó có thể quy về một. Trong kinh Hoa Nghiêm nói “một tức là nhiều, nhiều tức là một”, nó có thể quy về một, vì thể là một. Giống như biển lớn, biển là thể, những bọt nước trong biển, có cả ngàn cả vạn bọt nước nổi lên, mỗi bọt nước đều khác nhau, mỗi bọt nước là một vòng tròn nhỏ, nhưng bọt nước này từ đâu có? Đều dựa vào biển lớn mà sanh ra. Chúng sanh mê, đã mê mất, không biết thể là một, cho nên mới khởi lên mọi thứ hiểu lầm; nếu như biết thể là một thì tâm bình đẳng, thanh tịnh, từ bi sẽ tự nhiên sanh khởi. Cho dù là oan gia đối đầu cũng phải biết thể của chúng ta vẫn là một, rời khỏi lý thể thì đi đâu tìm hiện tướng? Thể là gì? Chân như bổn tánh, chân như bổn tánh không thể nghĩ bàn, “bất tư nghị sự” là kết thể.