ĐỆ TỬ QUY GIẢNG GIẢI
CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC
TẬP 37
5.6.2 “Khen người thiện, tức là tốt. Người biết được, càng tốt hơn”
Câu “khen người thiện, tức là tốt” này nghĩa là khi mọi người nghe thấy sự hành trì và khí phách của các bậc thiện nhân thì trong lòng mỗi người đều khởi tâm muốn noi theo. Chắc chắn sẽ là như vậy, bởi vì “nhân chi sơ, tính bản thiện”. Tôi tin là trong mấy ngày qua, nhất định đã có người làm được câu “càng tốt hơn”, nhất định đã có người đã học được điều này. Từ sắc mặt của các vị thì tôi có thể nhìn thấy được đã xuất hiện pháp hỷ. Pháp hỷ này tuyệt đối không phải do đọc Kinh có được, mà là từ thực hành trong cuộc sống. Cho nên câu “khen người thiện” này rất là hay, bởi vì nó sẽ làm cho càng nhiều người được lợi ích. Hiện nay, tên tuổi của chú Lư đã truyền đi khắp Trung Quốc rồi. Đây là kết quả của việc tôi thực hiện “Đệ Tử Quy”: “Khen người thiện, tức là tốt; người biết được, càng tốt hơn”. Cho nên chúng ta cũng phải dụng tâm ghi nhớ những tấm gương tốt trong đầu, để bất cứ khi nào cũng có thể kể cho người khác nghe, để cho người khác cũng có được một tấm gương để noi theo, thậm chí từ đó họ có thể tìm được phương pháp tốt.
5.6.3 “Khen người ác, chính là ác. Ác cùng cực, tai họa đến”
Nếu chúng ta đi rêu rao lỗi lầm của người khác mà đối phương biết được thì có thể sẽ rất khó chịu. Cho nên có câu “bối hậu chi nghị”, tức lời nói sau lưng, việc nói thị phi sau lưng người khác, “thụ hám giả, thường nhược khắc cốt”. Khi chúng ta nói những lời không tốt, phê bình sau lưng người khác, thì họ sẽ “khắc cốt ghi tâm” trong lòng, sẽ luôn nghĩ cách để báo thù chúng ta. Đây là xử sự bằng cảm tình. Tuyệt đối không nên làm như vậy! Không nên rêu rao lỗi lầm của người khác, vì làm như vậy các vị sẽ trở thành kẻ thù của họ. Có mười người bạn cũng không chê là nhiều, nhưng có một kẻ địch thôi cũng đủ làm các vị phiền phức lắm rồi. Cho nên chúng ta phải giữ tâm nhân hậu, không nên gây xung đột với người khác. Nếu như khi người khác làm việc thiện mà chúng ta không tán dương, nhưng khi người ta có một lỗi lầm nho nhỏ thì chúng ta lập tức đi rêu rao khắp nơi, như vậy chúng ta không chỉ làm giảm bớt phúc phần của mình mà còn mắc một tội lớn hơn nữa, đó là làm ảnh hưởng đến nếp sống của cả tập thể và xã hội. Các vị suy nghĩ xem, nếu như mỗi người đều không nói đến cái tốt của người khác mà chỉ rêu rao khuyết điểm của người ta, thì sẽ gây ra vấn đề rất lớn cho xã hội, người với người sẽ không ngừng tranh chấp lẫn nhau. Chúng ta phải biết rằng lời nói, cử chỉ của một người đều đang ảnh hưởng đến nếp sống của toàn xã hội. Cái tội này không chỉ là đắc tội với riêng một cá nhân nào, mà còn có thể tạo tội với cả xã hội. Do đó, lời nói không thể không cẩn thận.
“Thiện tương khuyến, đức giai kiến. Quá bất quy, đạo lưỡng khuy”.
“Cùng khuyên thiện, cùng lập đức. Lỗi không ngăn, đôi bên sai”.
5.7.1 “Cùng khuyên thiện, cùng lập đức”
“Cùng khuyên thiện”, trong tiết học lần trước chúng ta đã nhắc đến “thiện”, đầu tiên phải phân biệt được chân thiện và giả thiện, thiện đúng và thiện sai, và còn rất nhiều phán đoán nữa được dạy rõ trong quyển “Liễu Phàm Tứ Huấn”. Chúng ta phải phán đoán chính xác rồi mới có thể khuyên can người khác. Nếu không, đúng - sai vẫn chưa phân biệt rõ ràng thì chưa chắc đem lại lợi ích cho người khác.
Người xưa khi đối mặt với sự khuyên can khuyến thiện của người khác, hoặc là nghe thấy những lời nói, hành vi thiện thì họ sẽ dùng thái độ gì để tiếp nhận? Khổng Tử từng khen Nhan Uyên là: “Đắc nhất thiện tắc quyền quyền phục ưng, nhi phất thất chi hĩ”. Tức là Nhan Uyên chỉ cần nghe nói tới một hành vi thiện nào đó thì lập tức luôn ghi nhớ trong lòng và nhất định sẽ thực hiện. Cho nên chỉ cần nói đến người hiền đức thì Khổng Tử sẽ trực tiếp nói ngay: “Có trò Nhan Hồi hiếu học”. Đối với người học trò Nhan Uyên này, Khổng Tử vô cùng hoan hỷ, cũng bởi vì sự học của ông vô cùng chắc chắn. Chỉ cần thầy nói qua hoặc nói đến cái thiện là ông luôn luôn ghi nhớ mà thực hiện. Khi chúng ta có thái độ học tập về điều thiện như vậy, thì tự nhiên có thể “cùng lập đức”.