ĐỆ TỬ QUY GIẢNG GIẢI
CON ĐƯỜNG ĐẠT ĐẾN NHÂN SINH HẠNH PHÚC
TẬP 36
“Đệ Tử Quy” của chúng ta đã đi vào chương thứ năm: “Phiếm Ái Chúng”, yêu thương rộng khắp mọi người, yêu thương động vật, chúng sinh. Đương nhiên chữ “ái” này là chữ hội ý, tức là dùng tâm để cảm nhận nhu cầu của đối phương, dùng tâm để thể hội cảm giác của đối phương. Người với người cư xử với nhau như vậy thì rất hòa thuận, an vui, không đến nỗi xảy ra xung đột và tranh chấp. Mạnh Tử nói: “Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa”. Thiên thời, địa lợi và nhân hòa, điều nào là quan trọng nhất? Nhân hòa. Cho nên người với người đối xử tốt với nhau mới có được nhân hòa tốt đẹp, mới có sức mạnh đoàn kết to lớn.
Làm sao để có được nhân hòa? Đương nhiên trong cuộc sống, trong đối nhân xử thế, chúng ta nên thực hiện những lời giáo huấn trong “Đệ Tử Quy”. “Đệ Tử Quy” có nói: “Mình có tài, chớ dùng riêng”. Làm được như vậy thì đương nhiên quý vị sẽ có được nhân hòa. Mạnh Phu Tử lại nói: “Người giữ được đạo đức thì được nhiều người giúp, kẻ đánh mất đạo thì ít người giúp”. Người giữ được “đạo” thì được nhiều người giúp đỡ, kẻ đánh mất “đạo” thì rất ít người giúp họ. Thưa quý vị, chữ “đạo” này chỉ cho cái gì? Chữ “đạo” này trong “Trung Dung” có nói đến, đó là: “Tu thân cốt ở đạo, tu đạo cốt ở lòng nhân”, vì vậy chữ “đạo” này tiêu biểu cho lòng nhân từ. Khi một người luôn lo nghĩ cho người khác thì họ đã ở trong nhân đạo rồi, cho nên một người có được đạo thì tâm tư của họ luôn nghĩ cho đối phương. Người đánh mất đạo thì luôn tự tư tự lợi, không cảm nhận được tâm trạng của người khác, không nhìn thấy nhu cầu của người khác, chỉ thấy có bản thân mình. Trải qua thời gian dài, tất nhiên vì tâm tư khác nhau nên kết quả tuyệt nhiên không giống nhau, người có được đạo tất nhiên được nhiều người giúp đỡ, người đánh mất đạo thì ít người giúp đỡ. “Ít người giúp đỡ, người thân cũng phản lại họ” chính là họ tự tư đến cực điểm, đến cả người thân bạn bè cũng bỏ họ mà đi, gọi là bị thân bằng quyến thuộc chối bỏ. “Giúp đỡ thật nhiều”, nếu như họ luôn lo nghĩ cho người khác, làm những chuyện nhân đạo, thì “thiên hạ theo họ”, thiên hạ đều cảm được lòng nhân từ của họ, mong muốn đi theo và dốc sức cùng với họ, cùng có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chúng ta đã nhìn thấy, Chu Văn Vương dùng tâm nhân từ mà có được lòng dân. Có một lần, trong lúc đang xây dựng một công trình, nhân công đào đất gặp phải một số xương trắng liền đặt qua một bên. Chu Văn Vương nhìn thấy thì vô cùng lo sợ, lập tức đem số xương này thận trọng làm lễ cúng tế, chôn cất đàng hoàng. Người dân xung quanh nhìn thấy rất cảm động. Họ nói: “Ngay cả người chết mà Văn Vương cũng chẳng dám xem thường, còn cung kính như vậy, thiết nghĩ đối với người sống tất nhiên sẽ hết sức quan tâm lo lắng, thương dân như con”. Vì vậy, nhà Chu dùng tâm nhân từ nhanh chóng thống nhất được thiên hạ, hơn nữa đã tạo nên một triều đại hưng thịnh lâu dài nhất, triều đại nhà Chu kéo dài đến 800 năm.
Chúng ta hãy xem vì sao người chính nghĩa được nhiều giúp đỡ như vậy? “Đệ Tử Quy” có lời dạy “Phiếm ái chúng”, trên thực tế cũng là xoay quanh một chữ “nhân”, chữ “nhân” của nhân từ. Chúng ta hãy xem: “Mình có tài, chớ dùng riêng”, vì vậy phải hết lòng phục vụ người khác.
Thời nhà Tống, Tể tướng Phạm Trọng Yêm lúc còn nhỏ đến gặp một thầy xem tướng số và nói rằng: “Ông có thể xem giúp con có thể làm Tể tướng chăng?”. Thầy tướng số nghe xong rất kinh ngạc: “Đứa trẻ này còn nhỏ tuổi mà sao khẩu khí quá lớn!”. Nghe thầy tướng số vừa nói như vậy, Phạm Trọng Yêm có chút bẽn lẽn, cúi đầu xuống rồi nói tiếp: “Nếu không thì ông xem con có thể làm thầy thuốc được không?”. Thầy tướng số cũng có chút ngờ vực: “Lạ thật, mới đầu thì nói có thể làm Tể tướng hay không, bây giờ thì hạ xuống làm thầy thuốc đông y”, cho nên liền hỏi ông: “Vì sao hai nguyện vọng của con lại khác nhau nhiều như vậy?”. Phạm Trọng Yêm liền nói: “Bởi vì chỉ có Tể tướng tốt và lương y mới có thể thật sự cứu người. Bởi vì một vị tể tướng tốt, chỉ cần xử lý tốt chính sách quốc gia thì có thể giúp được hàng ngàn hàng vạn người dân, mà người thầy thuốc tận tâm tận lực cũng có thể giúp người dân thoát khỏi bệnh khổ”. Thầy tướng số nghe Phạm Trọng Yêm nói như vậy thì rất cảm động, nhìn thấy Phạm Trọng Yêm còn nhỏ mà đã lập chí không vì bản thân mình mà vì giúp đỡ người khác nên rất cảm động, lập tức nói với Phạm Trọng Yêm: “Con có tấm lòng như vậy thì nhất định con có thể làm Tể tướng. Đây mới chân thật là tấm lòng của một vị Tể tướng?”.