CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt
Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia
Tập 9
Từ trong tâm mà xét lại chính mình, sửa lỗi, vun trồng điều thiện
Giảng ngày 19 tháng 8 năm 2010
Quý vị đồng nhân, xin chào mọi người!
Đệ Tử Quy nói rằng, phải “gắng dụng công, thời gian dài, công phu đủ, liền thông đạt”. Cho nên việc cầu học vấn vẫn phải dựa vào công phu nước chảy đá mòn. Chúng tôi hôm qua phát cho mọi người sổ ghi công tội, mỗi ngày mọi người đối chiếu ba nền tảng Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên, Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo mà suy ngẫm phản tỉnh, làm được một tháng, hai tháng thì năng lực quán chiếu của chính mình sẽ trở nên rất mạnh, sẽ không bị tập khí sai khiến một cách hoàn toàn vô tri, mỗi ngày đều trôi qua lãng phí thì rất đáng tiếc. Cho nên chúng ta chịu khổ công, chịu lão thật, nhất định có thể có được lợi ích.
Phương pháp công quá cách dựa trên ba cái gốc này của chúng ta phải từ tâm tánh mà suy ngẫm phản tỉnh. Ví dụ mọi người đọc câu thứ nhất, “Cha mẹ gọi, trả lời ngay”, nói cái gốc này không liên quan với tôi, bây giờ cha mẹ không ở bên cạnh tôi, câu này sẽ không cần thọ trì nữa. Thứ nhất, cha mẹ không ở bên cạnh, nhưng những giáo huấn mà cha mẹ đã dạy chúng ta từ nhỏ tới lớn, chúng ta có lãnh nạp trong tâm chưa? Luôn luôn đem những giáo huấn này của cha mẹ thực hành trong công việc xử sự của bản thân, điều này chính là “cha mẹ gọi, trả lời ngay; cha mẹ bảo, chớ làm biếng”. Việc này chính là không chà đạp giáo huấn của cha mẹ, tâm trạng này chính là tâm của người con hiếu chỉ có cha mẹ, nhớ đến nhu cầu của cha mẹ, nhớ đến giáo huấn của cha mẹ, cái này là tánh đức.
Tiếp đó mở rộng ra, trong trường học gọi là sư phụ, trong đơn vị gọi là quân phụ. Thời đại này của chúng ta, quan hệ quân thần hết sức thiếu sót. Trong Liễu Phàm Tứ Huấn có một đoạn nói về một điều mà sẽ không thay đổi với thời gian, đó là “phụng sự lãnh đạo như phụng sự trời, là lời thánh nhân dạy, việc này hết sức quan trọng đến âm đức”. Lãnh đạo trong một đoàn thể có trách nhiệm rất lớn, họ làm không đúng thì có nhân quả của họ, họ phải gánh vác. Chúng ta ở trong đoàn thể, nếu có tâm trạng đúng đắn thì là đang trồng phước điền, còn như có tâm trạng không đúng thì là tạo tác tội nghiệp. “Tất cả phước điền, không rời tâm này”. Thế gian này rất công bằng, ông tu ông đắc, bà tu bà đắc. Cho nên chúng ta ở trong đoàn thể, nếu người lãnh đạo làm việc không đúng thì nghiệp mà họ tạo sẽ càng lớn. Chúng ta phải sanh khởi tâm thương xót, làm sao để làm tốt, làm sao để khuyên răn họ, giúp họ, chứ không phải đi kể tội hoặc nhìn chăm chăm vào cái sai của họ, lúc nào phước huệ cũng ở trong tâm của chúng ta. Cho nên trong xử sự đối với mọi người, chúng ta phải luôn luôn giữ được tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi mà sư phụ thường nói thì tất cả cảnh đều là cảnh giới tốt, tôi tin rằng với tấm lòng như vậy, trong quan hệ ngũ luân, chúng ta luôn có thể đem ác duyên chuyển thành thiện duyên, thậm chí nâng cao chuyển thành pháp duyên.
Chúng ta đời này đã nghe được Phật pháp Đại thừa, hy vọng dùng tâm đại từ đại bi của Bồ-tát để đối nhân xử thế, tùy duyên tiêu nghiệp cũ, không tạo thêm nghiệp mới. Cái gì là nghiệp mới? Tâm chúng ta tách khỏi sự chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi thì có thể sẽ sanh nghiệp mới. Tu học muốn đắc lực thì không ngoài việc khéo quán sát tâm mình. Khéo léo dụng tâm phát giác chỗ lệch lạc trong tâm của mình, hễ phát hiện được thì ngày nay không bị uổng phí. Phát hiện được sai lầm của chính mình, sư phụ gọi là khai ngộ, sửa đổi sai lầm của chính mình thì gọi là chân tu hành. Cho nên phát hiện sai lầm không phải việc xấu, mọi người khi phát hiện ra vấn đề của mình có vui mừng không? Ngày nay cuối cùng tôi cũng tìm ra được vấn đề, thì ra tôi có ý niệm khống chế, thì ra là tôi quá tham chấp, quá tình chấp. Phát hiện rồi chúng ta sẽ hoan hỉ, sẽ có thể đối trị nó cho tốt, sẽ không che đậy, sẽ không tiêu cực, sẽ không thoái lui.
Sư phụ vẫn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của “quân thân sư”, bởi vì vị trí của quân thân sư trong gia đình, trong trường học, trong đoàn thể là hết sức quan trọng. Mọi người phải khởi lên một tinh thần trách nhiệm rất cao độ thì mới có thể diễn tốt vai trò của mình. Người làm quân thì phải có phong cách của người làm quân, người làm thần phải hết lòng với thân phận của thần tử. Điều rất quan trọng để vãng sanh Tây Phương là chúng ta nhất định phải làm tròn bổn phận mới có thể được gọi là thiện nam tử, thiện nữ nhân. Quý vị ở trong đoàn thể không làm tròn bổn phận thì đã gây thêm loạn cho đoàn thể rồi, làm sao còn có phước đức được chứ? Cho nên mục tiêu đời này thành Phật đã rõ ràng rồi, trước hết chúng ta phải phù hợp với tiêu chuẩn của thiện nam tử, thiện nữ nhân thì mới có thể vãng sanh được, như thế nguyện mà chúng ta phát sẽ không sáo rỗng.