/ 49
169

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 8

Cẩn thận đối với mỗi lời nói và hành vi,

từng chữ từng câu đều khắc ghi vào tâm

Giảng ngày 18 tháng 8 năm 2010

Quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, xin chào mọi người!

Lúc nãy đọc Đệ Tử Quy, tôi vừa hay có tra từ điển, “vật tiễn quắc, vật bí ỷ”, chữ “bí” này có hai cách đọc, đọc là “bả” có nghĩa là đi đứng không thuận tiện, đi cà nhắc thì gọi là bả; đi nghiêng lệch gọi là “bí”. Cho nên phải đọc là “vật tiễn quắc, vật bí ỷ”. Tại sao tôi nêu ra điều này? Bởi vì chúng ta đọc đúng rồi, sau này mới đọc đúng được, người tiếp xúc với chúng ta hoặc là thế hệ sau mới đọc đúng được. Mặc dù chỉ là một chữ, nhưng vẫn phải cẩn thận. Bởi vì khi tôi chia sẻ với mọi người, có bạn sau khi tan học chạy qua nói chữ này tôi đọc sai rồi, mình đọc sai một chữ có thể ảnh hưởng đến lòng tin của người khác. Thế nên, cẩn thận trong tu thân và hành xử với mọi người là điều cần thiết.

Ngoài ra, lúc nãy mọi người mở máy lạnh, tôi liền mau đi tới chỗ không có máy lạnh. Bởi vì tu đạo, nếu không thể trừ bỏ tập khí thì sẽ không viên mãn hiếu đạo. Luôn luôn nghĩ đến cha mẹ, thực hành hiếu đạo thì có thể buông bỏ rất nhiều tập khí. Cho nên Đệ Tử Quy nói: “Thân bị thương, cha mẹ lo; đức hạnh kém, cha mẹ tủi”, thân thể này của chúng ta bị tổn thương, thường là do chúng ta ưa chứng tỏ mình mạnh mẽ, ưa sĩ diện, “ôi chao người ta không mặc áo khoác, chỉ có mình mặc áo khoác, khó coi quá.” Sĩ diện là quan trọng hay là hiếu đạo là quan trọng? Hai điều này mọi người hãy đặt lên cân một chút, cái nào là quan trọng? Tất nhiên là hiếu đạo quan trọng hơn, người có thể từ việc “thân bị thương, cha mẹ lo, đức hạnh kém, cha mẹ tủi” mà quán chiếu thì họ sẽ cẩn thận đối với từng lời nói hành vi, từng khởi tâm động niệm.

Chúng ta còn nhỏ mà bị người khác nói rằng: “Người này thật không có gia giáo” thì chúng ta đã làm sỉ nhục cha mẹ. Người nếu có hiếu tâm ai mà muốn sỉ nhục cha mẹ của mình, sỉ nhục gia môn của mình? Người mà trong lòng có hiếu tâm thì đối với đoàn thể và doanh nghiệp, họ sẽ không dùng lời nói và việc làm của mình làm ô nhục đoàn thể của mình, người như vậy sao không cẩn thận cho được? Cho nên, tu hành là tu từ căn bản, tu từ trong tâm. Mở rộng ra, chúng ta thân làm con cháu Viêm Hoàng, có ai mà muốn dùng hành vi của mình làm sỉ nhục dân tộc của mình? Cho nên học tập, “việc học quý ở tâm giác ngộ”. Chúng ta có dụng tâm lĩnh ngộ một câu đạo lý nào đó, sau đó chuyển nó thành tâm của chính mình không, chuyển thành nguyên tắc đối nhân xử thế tiếp vật của chúng ta hay không? Việc này rất quan trọng. Nếu mỗi ngày đều có thứ khiến mình cảm ngộ thì tâm linh sẽ được nâng cao; còn như mỗi ngày vô tri vô giác thì tâm linh sẽ thoái lui. Việc học như lái thuyền ngược dòng, không tiến ắt lùi, điều này phải rất cẩn thận.

Phước của chúng ta thật sự rất lớn, trong thời gian này sư trưởng đang ở Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Trung Hoa Malaysia của chúng ta, ngài giảng kinh 56 tiếng đồng hồ, mọi người đều có cơ hội thân cận sư trưởng. Duyên phận có thù thắng hay không không phải do sư phụ quyết định mà do chính mình quyết định. Chúng ta nghe một câu ngài nói thì nên có thái độ giống như thái độ của Nhan Hồi vậy, “đắc nhất thiện, tắc quyền quyền phục ưng, nhi phất thất chi hĩ” (học được một câu giáo huấn hay thì luôn luôn không quên), thực hành trong cuộc sống công việc, đối nhân xử thế tiếp vật, như vậy thì nghe được một câu liền có thọ dụng rất lớn của một câu. Hơn nữa, lần này nội dung giảng kinh của sư trưởng bao gồm mười loại tâm mà Bồ-tát Di-lặc đã phát, có thể vãng sanh Cực Lạc; còn có sự tu hành thập nguyện Phổ Hiền, người đến lúc mạng chung thì năng lượng thực hành hạnh Phổ Hiền này sẽ đưa chúng ta đến thế giới Tây phương Cực Lạc. Cho đến nội dung trong năm mươi mấy tiếng đồng hồ này đều đang tường thuật hạnh Phổ Hiền, “thảy đều tuân tu đức của Phổ Hiền đại sĩ”. Thưa chư vị đồng nhân, tại sao trong thời gian này sư phụ ngài lại giảng về đức của Phổ Hiền đại sĩ ở trung tâm của chúng ta vậy? Đây là điều ngẫu nhiên sao? Quý vị sao lại nhìn tôi một cách ngây thơ như thế? Người biết trân quý, biết hướng thiện, hay là mê mờ, đọa lạc then chốt là ở chỗ này. Phật Bồ-tát đến giảng Phổ Hiền hạnh nguyện cho chúng ta, chúng ta còn nghe không nhập tâm, phước báo lớn như vậy đã bị chính mình chà đạp mất rồi. Cho nên những khai thị của sư phụ trong quãng thời gian này cho mọi người, mọi người có cơ hội thì lên internet, tập nào đối với quý vị có nhắc nhở hết sức lớn thì phải nghe nhiều lần, phải in sâu những pháp ngữ này vào tâm của chính mình, như vậy mới không chà đạp lời giáo huấn, sự khổ tâm của sư phụ.

/ 49