/ 49
154

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 7

Phước là do chính mình tu mà có, xin đừng oán trời trách người

Giảng ngày 31 tháng 7 năm 2010

Quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, xin chào mọi người!

Chúng ta học tập Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, thật ra chính là thương mình, thuận theo tánh đức của chính mình để đối nhân xử thế tiếp vật. Theo đó mà thâm nhập học tập, đối với chân tướng sự thật về cảm ứng, về nhân duyên quả báo, chúng ta có thể càng nhận thức, càng hiểu rõ, tiếp đó khẳng định chân tướng của nhân duyên quả báo. Khẳng định đến mức độ nào vậy? Bất kì tình huống nào xảy ra, chúng ta cũng không nghi ngờ đạo lý cảm ứng. Ví dụ chúng ta cả đời đã làm việc tốt nhưng về già sanh bệnh thì chúng ta còn tin tưởng đạo lý cảm ứng nữa không? Rất nhiều người gặp phải tình huống này, họ liền cảm thấy lời của thánh hiền, của Phật Bồ-tát không có đạo lý. Cho nên, có nhận thức đủ sâu thì khi gặp phải cảnh giới mới không bị sanh phiền não, sanh nghi ngờ, thậm chí oán trời trách người.

Tôi đã từng gặp một người bạn, cuộc đời của cô đã gặp rất nhiều trắc trở. Cha cô bị ung thư, cô nói với tôi rằng cô ra vô bệnh viện hình như cũng quen thuộc như phòng bếp của nhà mình vậy. Sau đó cô mang thai, khi sanh con thì thai chết trong bụng. Vì chăm sóc cho cha của mình nên không cách nào lo liệu cho cuộc sống hôn nhân, sau đó còn ly hôn. Tiếp theo còn có những chuyện bất hạnh hơn nữa cũng xảy ra cho bản thân cô. Tôi biết được hoàn cảnh này của cô, thật sự cảm thấy mình so với cô thì quá là hạnh phúc. Nhưng một điểm rất đáng quý là mặc dù cô trải qua nhiều trắc trở như vậy nhưng cô không có một câu oán trách, cô chỉ cảm thấy là vấn đề của chính mình, chính mình làm không tốt. Chúng tôi là bạn thân của cô, đều cảm thấy nếu không tận tâm tận lực giúp cô thì thật sự rất ái ngại. Cô không oán trời, không trách người là bởi vì cô không nghi ngờ về nhân duyên quả báo, cô có thể chấp nhận, kế đó, cô có thể đoạn ác tu thiện. Cho nên về sau cô đã cải tạo vận mệnh của mình, bây giờ cô cũng đang dạy học trong trường, gia đình cũng rất hạnh phúc.

Cho nên trên con đường tu học, tín giải hành chứng, cái tín này càng sâu thì giải hành mới có thể càng tiến. Nếu như tín tâm này có hạn thì việc thâm nhập lý giải sẽ rất khó đắc lực. Một người muốn khế nhập cảnh giới thì tín, giải, hành của họ phải dung nhập thành một thể, không có tơ hào nghi ngờ, lý giải rồi thì hãy mau chóng đi làm, người như vậy có thể khế nhập cảnh giới. Cho nên, chúng ta phải hỏi chính mình, tự mình tin sự cảm ứng, tin nhân quả báo ứng tới mức độ nào, có thể vững vàng không dao động chưa? Tất nhiên, Đức Phật từ bi, đem đạo lý nhân duyên quả báo khai giải cho chúng ta trên nhiều phương diện. Ví dụ: “Muốn biết nhân đời trước thì coi quả đời này”. Rất nhiều người cảm thấy đời này họ không làm việc gì xấu, tại sao họ gặp những tình cảnh không tốt? Cho nên những chân tướng sự thật về cảm ứng và nhân quả là thông ba đời, không phải chỉ nhìn vào một đời này. Ngày nay chúng ta gặp phải những chuyện không tốt, gặp phải những người, những sự việc, những hoàn cảnh, môi trường vật chất không tốt, chúng ta phải nhớ lại đạo lý này, “phải coi quả đời này”, đó là do đời trước đã tạo tác nghiệp bất thiện mới chiêu cảm đến quả báo này. Người thật sự hiểu rõ đạo lý này thì đối với bất kì việc gì cũng tuyệt đối không oán trách. Tại sao mình lại gặp phải việc này? Bởi vì “duy nhân tự triệu”, đó là đời trước mình đã tạo nghiệp bất thiện.

Cho nên thật sự hiểu rõ đạo lý rồi, cuộc đời sẽ không còn oán trách bất kì việc gì, thậm chí còn cảm thấy mọi việc đều là việc tốt. Tại sao? Sau khi nhận rồi, quả báo này chẳng phải được tiêu trừ rồi sao, hóa đơn này chẳng phải được thanh toán xong rồi sao, món nợ này chẳng phải trả rồi sao? Tục ngữ có nói: “Nợ tiền trả tiền là đạo lý muôn thuở”, hơn nữa lại nói “không nợ thì thân nhẹ nhàng”. Mọi người có muốn “không nợ thân nhẹ nhàng” không? Muốn, phải không? Vậy thì chuyện nên trả hãy mau mau trả, đừng đợi tới lúc tôi lâm chung mới tới đòi, vậy là phiền phức rồi. Người như vậy, khi đối mặt tất cả ác duyên, ác báo vẫn được an nhiên, thậm chí còn cảm ơn, còn kì vọng chính mình chuyển ác duyên thành pháp duyên, mình phải vì người diễn nói, không chỉ trả nợ họ mà còn kết pháp duyên với họ, đây chính là tấm lòng Bồ-tát. Tại sao? Nếu như mình không kết pháp duyên với họ thì họ lại đòi nợ mình, họ lại tạo nghiệp, lại đọa xuống ba đường ác, vậy có liên quan tới mình. Nếu mình không kết ác duyên với họ thì sao họ lại làm những chuyện ác này? Sao họ lại đến gây rắc rối cho mình, tạo những tội nghiệt này chứ? Cho nên không chỉ phải trả nợ mà còn phải giúp đỡ đối phương ở trong đời này đừng bị đọa lạc nữa, nhất định phải chuyển thành pháp duyên. Đây là người có trách nhiệm, là người hiểu biết nhân quả, đây là tư duy mà người từ bi nên có.

/ 49