/ 49
78

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 48

Khen ngợi điều tốt của người, dùng ngôn ngữ hành vi tạo nên hòa khí trong thiên hạ

Giảng ngày 13 tháng 11 năm 2010

Kính chào quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, xin chào mọi người!

Chúng ta hôm qua giảng tới “nghi mẫn nhân chi hung, lạc nhân chi thiện, tế nhân chi cấp, cứu nhân chi nguy” (hãy nên xót thương kẻ ác, vui vì điều thiện của họ. Giúp người khác trong lúc cấp bách, cứu người khác trong cơn nguy hiểm)

“Mẫn” tương ứng với tâm nhân ái, tâm từ bi, thương xót hành vi sai lầm của người khác, hoặc là thương xót người khác gặp hung họa. Và sự thương xót này còn phải biến nó thành hành động, nếu chỉ nói trên miệng, nói mãi nói hoài mà không thật sự đi giúp đỡ người khác thì cái tâm này không đủ chân thiết. Cho nên phải thật sự phát tâm thì sẽ luôn luôn biết thương xót người khác, luôn luôn biết tận lực giúp đỡ người khác giác ngộ, họ giác ngộ rồi họ mới không gặp những hung họa kia nữa. Cho nên “Bồ-tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”, người giác ngộ chắc chắn sẽ giúp đỡ từ cái nhân, hóa giải tai họa từ cái nhân.

Lạc nhân chi thiện”, vui mừng ưu điểm của người khác, vui mừng tất cả công đức người khác làm, đây là đối trị tâm đố kị. Và cái “thiện” này, đối với bản thân mà nói, chính mình hành thiện mà không có tâm trạng mong cầu người khác khẳng định mình. Khi chúng ta hành thiện, ví dụ nói, chúng ta lên bục giảng dạy, xuống bục rồi trong tâm cứ luôn nghĩ là, mau mau có người qua đây tán thán tôi tiết học này đã giảng rất là hay. Tâm trạng này là danh văn lợi dưỡng. Nếu người ta không tán thán thì sao? Phiền não sẽ khởi lên. Lâu dần lâu dần tâm được mất sẽ hết sức nặng, phiền não nghiêm trọng nhất chính là cái tâm được mất này. Nhìn có vẻ đang giảng cho người khác nghe, nhưng trên thực tế tâm mình đang đọa lạc, có thể chính mình cũng không phát giác ra. Cho nên hành thiện là tận đạo nghĩa, làm sao còn đợi người ta tới khẳng định, tới tán thán, tâm trạng này đã lệch lạc rồi.

Hơn nữa “thiện” đối với người tu đạo mà nói, người tu đạo ít nhất đều đã nghe qua những giáo huấn giác ngộ triệt để này. Nghe qua rồi thì phải dùng cái này để quán chiếu chính mình, yêu cầu chính mình. Cho nên cái thiện của người tu hành là không thể xen tạp một chút mảy may tự tư tự lợi. Ví dụ nói 95% là vì công, 5% là vì tư, là thiện hay là ác đây? Tệ nạn ở phía sau rất là lớn. Sau khi sức ảnh hưởng của họ lớn rồi thì dần dần cái tâm tự tư tự lợi này sẽ bành trướng, sẽ có chuyện xảy ra. Cho nên chúng ta phải yêu cầu chính mình, không thể xen tạp danh văn lợi dưỡng, tham sân si mạn, ngũ dục lục trần trong việc hành thiện.

Chúng ta thấy người hành thiện, ba năm, năm năm rất nhiều, nhưng người cả đời hành thiện thì không nhiều, trừ phi họ thật sự không xen tạp những tập khí này. Chúng ta chú ý xem rất nhiều hoàng đế khi mới bắt đầu làm thì rất tốt, kết quả qua một thời gian sau, những lời khen ngợi quá nhiều rồi, họ bắt đầu cảm thấy bay bổng, cảm thấy bản thân mình rất lợi hại, về sau có thể sẽ có chuyện. Chúng ta đọc lịch sử cảm thấy hoàng đế này thật không nên như vậy. Thật ra mà nói, nếu như cho chúng ta đi làm hoàng đế thì sẽ như thế nào? Đường Huyền Tông lúc còn sáng suốt thì “Khai Nguyên chi trị”, lúc đã hồ đồ thì “An Sử chi loạn”. Bản thân tôi đi làm, tôi thấy “Khai Nguyên chi trị” cũng không làm được. Thật sự gặp phải những cảnh duyên đó rồi, chúng ta có chống cự được những cám dỗ đó không? Thật sự cám dỗ vẫn là duyên, nhân gặp duyên mới sanh ra kết quả, nhân vẫn là tập khí ở trong nội tâm, vẫn là những vấn đề từ trong tham sân si mạn nghi, điều này chúng ta phải vô cùng cảnh giác. Cho nên hành thiện tuyệt đối không thể nhiễm chấp vào tâm danh văn lợi dưỡng.

Nhất là chúng ta có cơ hội thân cận sư phụ, đây là việc tốt mà cũng có thể là việc xấu. Xấu tốt là do chính mình quyết định. Ví dụ nói, sư phụ tới trung tâm của chúng ta rồi, chúng ta có cơ hội tận tai nghe sư phụ giáo huấn, cả đời không quên, theo đó phụng hành. Đây là việc tốt lớn. Nếu như sau khi có cơ hội thân cận sư phụ, gặp người ta liền nói, tôi nói anh nghe, hôm qua tôi gặp được lão hòa thượng. Tất cả mọi người sẽ nói, ồ thật sao, thật hâm mộ anh. Bản thân mình sẽ thế nào? Cái đuôi sẽ ngoe ngoẩy lên. Lúc này là tâm danh lợi đang làm càn, bản thân chưa chắc đã quán sát được.

/ 49