CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt
Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia
Tập 49
Gắng hộ niệm thiện căn trong tâm của chính mình, hãy làm một người sáng suốt
Giảng ngày 15 tháng 11 năm 2010
Kính chào quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, xin chào mọi người!
Chúng ta thâm nhập Thái Thượng Cảm Ứng Thiên là cắm gốc đức hạnh của chúng ta. Tức là trồng thiện căn trong tâm của chúng ta, có thể không tham, không sân, không si, không mạn, không nghi. Tu hành quan trọng nhất là sửa tâm, điều chỉnh tâm trạng sai lầm thành chân thành, từ bi, thanh tịnh, bình đẳng. Chúng ta hãy xem câu kinh: “Kiến nhân chi đắc, như kỷ chi đắc; kiến nhân chi thất, như kỷ chi thất”.
Nhìn thấy người khác có được, chúng ta thường dễ sanh ra tâm đố kị, không chịu được người khác tốt, giống như trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên có nói rằng “thấy người vinh quý, mong bị vùi dập; thấy người giàu có, mong bị phá sản”, “thấy người tài đáng để khen ngợi thì lại chèn ép”, điều này đều là tùy thuận tâm trạng và tập khí sai lầm.
Chúng ta thử nghĩ xem, con người lẽ ra nên “thấy người được, như mình được, thấy người mất, như mình mất”. Trước đây chúng tôi đã nhắc qua, khoa học gia đã làm thí nghiệm, khi thấy người ta bị rớt đồ gì đó, em bé rất chủ động, “thấy người mất, như mình mất”, em vội vàng cầm lên đi trả cho họ; bạn của em bị ngã té xuống, em còn khóc trước bạn mình. Vốn dĩ nên có tâm trạng (tâm thái) xem người khác và mình là đồng một thể như vậy mới đúng, nhưng dần dần căn nguyên xuất hiện ở đâu? Ở tâm tham. Tâm tham rồi sẽ hy vọng mình có được, hy vọng mình được nhiều, nhìn thấy người khác có nhiều thì trong tâm sẽ không vui. Cho nên tham là căn nguyên của tập khí này. Dần dần tâm tham sẽ biến thành làm trở ngại điều tốt của người, làm trở ngại không cho người khác có được, vậy sẽ biến thành đố kị khi người ta có được, hoan hỷ khi người ta mất mát, là cười trên nỗi đau của người khác.
Tu đạo là sửa tâm, điều quan trọng nhất là “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Nhìn thấy người ta được, tùy hỷ trợ giúp, thành tựu việc tốt của người; nhìn thấy người ta mất, mau mau giúp đỡ, mau mau hóa giải những khốn khó của người ta, như vậy là đúng rồi. Chúng ta học Phật, trên thực tế là làm một người sáng suốt. Người ta vì sao có thể có được? Là do họ tu mà có. Vậy thì không có gì đáng để đố kị. Chúng ta đố kị đạo đức, học vấn, tài hoa của người ta, thật ra đạo đức, học vấn cũng là do tu mà có, không có gì đáng để đố kị. Nhìn thấy người ta có đạo đức học vấn, phải nên càng khích lệ bản thân mình noi gương người ta.
Có một công án, tiên sinh Hoàng Đình Kiên trong Nhị Thập Tứ Hiếu, ông đã từng liên tục nằm mơ thấy ông đang ăn mì rau cần. Bởi vì giấc mơ quá rõ ràng, ông dứt khoát đi tìm cái nơi trong giấc mơ đó. Ông tìm thấy một ngôi nhà, ông gõ cửa, người mở cửa là một bà cụ. Sau khi tìm hiểu xong, bà cụ này có nói rằng, mấy ngày trước là ngày giỗ của con gái quá cố của bà, và người con gái này đặc biệt rất thích ăn mì rau cần, cho nên mỗi khi đến ngày giỗ bà nấu mì rau cần cho cô ăn.
Câu chuyện kể tới đây, Hoàng Đình Kiên là ai? Là con gái của bà cụ này, cô đã qua đời và lại chuyển thế. Tiên sinh Hoàng Đình Kiên, người học trò trước đây đối với giáo huấn của Nho Đạo Thích đều có đọc qua, liền biết rõ, thì ra đây chính là người mẹ kiếp trước của mình. Sau đó bà cụ này lại nói rằng, con gái của tôi đặc biệt thích đọc sách, viết văn chương, anh xem mấy sách đó chính là sách trước đây nó xem, còn có cả văn chương nó viết, đã khóa lại rồi, tôi cũng không cách nào lấy được. Khi nghe nói tới đây, tiên sinh Hoàng Đình Kiên hình như đã khôi phục lại ký ức, liền đi tìm ra được cái chìa khóa. Mở ra rồi lấy ra mấy bài văn kiếp trước mình đã viết, rất kinh ngạc, cũng ngang với công lực trong đời này của ông.
Người đời sau đọc được công án này đã nói một câu: “Đời này mới đọc sách đã trễ rồi”. Đạo đức học vấn tài hoa của con người là do nhiều đời tích lũy, ông tu ông đắc, bà tu bà đắc. Hiểu rõ đạo lý này rồi, người ta sẽ không đố kị người hiền tài, phải noi gương họ. Đố kị người hiền tài là ngu si, đố kị người hiền tài thì cái tâm tánh đó sẽ luôn luôn gắn liền với cảnh giới địa ngục. Biết rõ cái “đắc” của người ta đều là do người ta đã hạ công phu, phải hiểu những đạo lý này rất rõ ràng, sau đó cũng hiểu rõ rằng tâm tánh của mình sẽ chiêu cảm tới quả báo về sau của mình. Khởi lên tâm tùy hỉ để tu hạnh Phổ Hiền thì vãng sanh Cực Lạc; nếu khởi lên tâm đố kị mà làm chướng ngại hiền nhân thì đó là quả báo đọa địa ngục A-tỳ. Cho nên là Cực Lạc hay là địa ngục là do một niệm tâm tánh chúng ta tự mình quyết định. Thường hay suy ngẫm những đạo lý này thì tính cảnh giác của chúng ta sẽ càng ngày càng cao.