/ 49
61

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 47

Hãy dùng tấm lòng rộng lớn mà thực hành Trung, Hiếu, Nhân, Nghĩa. Tâm lượng lớn thì phước sẽ lớn

Giảng ngày 11 tháng 11 năm 2010

Kính chào quý vị trưởng bối, quý vị đồng đạo, xin chào mọi người!

Chúng ta trong quãng thời gian này cùng nhau thảo luận học tập các câu kinh trong Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, từ “trung hiếu hữu đễ, chánh kỷ hóa nhân, căng cô tuất quả, kính lão hoài ấu, côn trùng thảo mộc, do bất khả thương” (trung hiếu hòa thuận thân ái), sửa mình cho chánh đáng hòng dạy người khác, thương xót con côi, cứu giúp quả phụ. Chớ nên thương tổn côn trùng, thảo mộc). Chúng ta bây giờ đang học tập câu “nghi mẫn nhân chi hung, lạc nhân chi thiện, tế nhân chi cấp, cứu nhân chi nguy” (hãy nên xót thương kẻ ác, vui vì điều thiện của họ. Giúp người khác trong lúc cấp bách, cứu người khác trong cơn nguy hiểm). Cả đoạn kinh văn này điều quan trọng nhất chính là yếu tố cốt lõi của cả nền văn hóa và đức hạnh của chúng ta, đó là trung, hiếu, nhân, nghĩa.

Chữ “hiếu” này, nói như nhà Phật là chân tâm, là tâm chí thành. Trong Khởi Tín Luận có nói tới “trực tâm”, tức là chữ hiếu này. Cho nên một người muốn chân thành, thì họ nhất định phải thật sự hiếu dưỡng cha mẹ. “Thâm tâm” là “trung”, chúng ta xem, cái thâm tâm này là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng. Thanh tịnh thì sẽ không tham chấp, không tự tư tự lợi, mới có thể tận trung. Bình đẳng thì sẽ không ngạo mạn. Con người nếu như không thành kính, không có thái độ cung kính thì họ sẽ không thể nào trung được. Chúng ta ở trong đoàn thể hễ ngạo mạn rồi thì có thể sẽ khiến cho đoàn thể đối lập, bất hòa, vậy sao có thể trung được. Giác ngộ, thanh tịnh bình đẳng giác mới có thể tận trung, mới là thâm tâm, mới là nâng cao cảnh giới của chính mình. Giác ngộ rồi thì tuyệt đối không làm việc theo tâm trạng. Cho nên chúng ta thấy người tu Tịnh tông thật sự sẽ chí công vô tư, thật sự cung kính khiêm nhường, hơn nữa, luôn luôn lấy đại cục làm trọng, sẽ không làm việc theo cảm tính. Trực tâm, thâm tâm, tiếp theo là “tha thọ dụng”, đó là “đại bi tâm”. Còn sự thực hành cụ thể điều này của nhà Nho thì chính là Nhân Nghĩa. Cho nên “căng cô tuất quả, kính lão hoài ấu; côn trùng thảo mộc, do bất khả thương”, đều là biểu hiện của tâm nhân từ.

Tiếp theo đó “nghi”, chữ “nghi” này tức là nghĩa, “nghi” là việc phải nên làm, thấy nghĩa là làm. Những câu kinh văn tiếp theo đều thuộc về bộ phận đạo nghĩa, người xưa thì thấy nghĩa là làm, dù nước sôi lửa bỏng quyết không từ nan, thậm chí là sát thân thành nhân (bỏ thân để thành tựu đức Nhân), xả thân vì nghĩa. Chúng ta ở trong thời đại này phải nên làm tròn đạo nghĩa gì đối với quốc gia, với dân tộc, với xã hội. Đây là điều đáng để chúng ta suy ngẫm. Ví dụ nói bây giờ tai họa nhiều như vậy, chúng ta tìm một nơi để sống những ngày an vui có được hay không? Đây là vấn đề đáng để suy ngẫm. Bất luận làm việc gì đều không thể trái nghịch “trung, hiếu, nhân, nghĩa”, trái nghịch thì sẽ tổn đức của chính mình, tâm tánh cũng đọa lạc. Đời này tu đạo, căn bản nhất là phải buông bỏ tự tư tự lợi, phải luôn luôn khởi lên tâm nhân nghĩa, tự tư thì không thể nhân được, tự lợi thì không thể nghĩa được.

Chúng ta ngày nay đọc được câu kinh văn này, “mẫn nhân chi hung”, cái “hung” này bao gồm việc xấu do người ta làm. Họ làm không đúng, chúng ta có nóng giận không? Nếu như đặt mình vào hoàn cảnh của người khác thì chữ “nhân” này là bao gồm đạo khoan thứ ở bên trong. Người đời nay, người không học thì không biết, không biết nghĩa, gọi là “người trước không thiện, không biết đạo đức, không có người dạy, đừng nên trách họ”. Câu nói này chúng ta đều rất quen thuộc, nếu thật sự hiểu rõ câu nói này, thật sự đặt câu nói này trong tâm rồi thì chúng ta sẽ không so đo với bất kỳ ai, sẽ không trách cứ bất kì ai, thậm chí còn thương xót họ.

Người ở trong thời đại này đều không có học, chúng ta còn đi trách cứ họ, tục ngữ nói, đó là chấp nhất với người có trình độ kém hơn mình. Trình độ của chúng ta và người ta ngang nhau thì mới đi trách cứ người ta, mới đi sanh sự cãi nhau với người ta được. Cho nên hãy có tâm nhân từ, đều bao dung hết, “người đói mình đói, người chìm mình chìm”. Bây giờ họ làm việc xấu, thật ra họ cũng đang trong tình trạng rất là nguy hiểm, dùng thân người khó được mà làm việc ác trong ba đường ác, làm sao họ không nguy cấp chứ? Phước báo xài hết rồi liền đọa vào ba đường ác. Chúng ta nhìn thấy người làm ác, ngược lại phải thương xót họ mới đúng.

/ 49