/ 49
74

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 42

Giữ tâm đạo nghĩa, tùy phần tùy sức mà giúp đỡ những người cần được giúp đỡ

Giảng ngày 3 tháng 11 năm 2010

Quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, xin chào mọi người!

Chúng ta hôm nay tiếp tục xem câu kinh văn sau: “Căng cô tuất quả, kính lão hoài ấu” (thương xót con côi, cứu giúp quả phụ, kính già, thương trẻ).

Điều câu kinh văn này nói tới là sự quan tâm đối với những người yếu thế, chính là sự nghiệp phúc lợi xã hội hiện nay. Chính phủ dẫn đầu làm, người dân tùy khả năng tùy sức mà làm. Còn đạo của Khổng Tử chỉ là “trung thứ mà thôi”. “Trung” là tận tâm tận lực, “thứ” là từ mình suy ra người, đồng cảm thấu hiểu. Chúng ta luôn luôn có thể giữ đạo “trung thứ” thì mới có thể khế nhập tấm lòng từ bi, nhân ái. Đạo “thứ” này là từ mình suy ra người, chúng ta có thể “thấy người mất mát, như mình mất mát”. Bởi vì “cô”, “quả” đều là những nỗi bất hạnh rất lớn trong đời, còn “lão”, “ấu” là điều mà cuộc đời mỗi người đều bắt buộc phải trải qua.

Chúng ta thấy từ “căng” là thương xót, quan tâm; từ “tuất” cũng là thấu hiểu, quan tâm; “kính” là cung kính, tôn trọng; “hoài” trong “hoài ấu” có một ý nghĩa là bảo vệ. Bởi vì thân thể của các em nhỏ muốn trưởng thành, nhân cách các em muốn lành mạnh, đều cần có sự dụng tâm bảo vệ, cũng giống như khi ẵm bồng các em trong lòng mình vậy. Cho nên “căng”, “tuất”, “kính”, “hoài” thật ra là tình thương, lương tâm tự nhiên khởi phát của con người, đây là điều mỗi người đều có. Trừ phi họ là người cực ác trong thiên hạ, nếu không thì chỉ cần lương tâm chưa bị đánh mất, tâm “căng cô tuất quả, kính lão hoài ấu” luôn có thể khởi lên được.

Văn vương là nhân quân (vị vua nhân từ), điều quan trọng trong cách cai trị của ngài là “ai thử quỳnh độc”, tức là thương xót những người yếu thế, đó là người già, người cô độc, quả phụ, cô nhi. Nếu như phong khí xã hội đều có thể khởi lên những tấm lòng “căng”, “tuất”, “kính”, “hoài” như thế này thì con người sẽ rất có tình người, rất có tâm nhân từ. Chí hướng của Khổng Tử là “người già được an vui, bạn bè tin tưởng nhau, trẻ nhỏ được chăm sóc”. Và câu “kính lão hoài ấu” này chính là phong khí “thận chung truy viễn” trong xã hội. Kính trọng người già, vì các cụ đã vì gia đình, vì xã hội mà cống hiến một đời, chúng ta tôn trọng hiếu kính các cụ thì đó là tri ân báo ân; không hiếu kính đối với các cụ thì chúng ta là vong ân phụ nghĩa, xã hội này sẽ trở nên tuyệt tình khắc nghiệt, sẽ không có phước báo. Hơn nữa, những việc trong vũ trụ này, chỉ cần hai chữ là có thể nói thấu suốt, đó là “nhân quả báo ứng”, chính là là hai chữ “nhân quả”. Chúng ta kính yêu các cụ, đến khi chúng ta già rồi, sẽ chiêu cảm được người khác kính yêu. Chúng ta bây giờ không tôn trọng các cụ thì khi chúng ta già rồi cũng không ai tôn trọng. Chúng ta bây giờ tận tâm tận lực giúp đỡ những người đáng thương, sau này chúng ta có nhu cầu thì người ta sẽ giúp đỡ, tự nhiên sẽ chiêu cảm đến nhân duyên này.

Sự thấu hiểu này của chúng ta, ví dụ đối với cô nhi, bởi vì cha mẹ của các em mất sớm, hoặc có thể là mẹ mất rồi, cha lấy vợ khác; hoặc là cha mất rồi, mẹ lại đi tái giá; thậm chí là cha mẹ đều mất hết, cảnh ngộ cuộc đời như vậy thì khá là bất hạnh. Ngay cả người đi đường nhìn thấy những cô nhi như vậy cũng rất tự nhiên mà sanh khởi lòng thương xót, huống hồ là họ hàng, thân quyến của các em thì càng không thể nào nhắm mắt làmngơ. Nếu như nói họ hàng thân quyến của chúng ta có trẻ mồ côi, chúng ta cũng không quan tâm, mà chúng ta lại là đệ tử Phật thì thật là danh không hợp với thực, thì tâm từ bi đó căn bản là không xuất phát từ trong tâm. Cho nên hãy làm tròn bổn phận, chăm sóc tốt gia đình và bà con dòng họ của chính mình, đây đều là bổn phận mọi người phải nên làm tròn. Nếu như con cái của họ hàng chúng ta là cô nhi thì chúng ta phải nên tận lực dưỡng dục các em, còn phải giáo dục các em, khiến các em có chỗ nương tựa, sự trưởng thành của các em, tâm lý các em mới được lành mạnh.

/ 49