/ 49
81

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 43

Cung kính người lớn tuổi thì được phước lớn

Giảng ngày 4 tháng 11 năm 2010

Quý vị đồng nhân, xin chào mọi người!

Hôm qua chúng ta đã nói tới câu “căng cô tuất quả, kính lão hoài ấu” (thương xót con côi, cứu giúp quả phụ, kính già, thương trẻ). Chúng ta học tập giáo huấn của thánh nhân Nho Thích Đạo tức là phải quay về bổn thiện, quay về tánh đức, tức là phải thức tỉnh lương tri vốn có của chúng ta. Cho nên “căng cô tuất quả, kính lão hoài ấu”, những thiện tâm “căng”, “tuất”, “kính”, “hoài” như vậy đều là thứ chúng ta vốn có, đều là thông qua kinh văn khiến chúng ta khởi lên một phần thiện niệm này.

Trong lịch sử có rất nhiều hiền thần, thánh hiền, gia cảnh của họ có thể có những cảnh túng quẫn như thế này. Triệu Khang Tịnh Công của triều Tống vào năm bảy tuổi, cha đã qua đời, mẹ của ông thì lập chí cố gắng nuôi dưỡng ông, giáo dục ông. Người nữ như vậy rất trinh liệt, rất thủ tiết, suy nghĩ cho con cái. Chúng ta có thể cảm nhận một chút, một người mẹ vĩ đại, không sợ gian nan như thế này, tất nhiên khí tiết của bà đã cảm động sâu sắc đến con cái của chính bà rồi. Cho nên về sau ông đã thi đậu tiến sĩ, trở thành hàn lâm học sĩ, đây đều là những học giả có trí huệ nhất của quốc gia. Kết quả Triệu Công liền thỉnh cầu sự phong thưởng cho mẹ của mình. Chúng ta nhìn thấy những tự thuật này đều cảm nhận được rằng người xưa lập thân xử thế chỉ có một thái độ là tri ân báo ân. Quý vị xem, ông hiển quý rồi, ông luôn luôn nghĩ rằng: “Không có mẹ của mình thì sẽ không có mình như hôm nay”. Ông nói với Tể tướng rằng: “Có thể nào sắc phong cho mẹ của tôi không?” Tể tướng nói với ông: “Cống hiến của ông đối với quốc gia, việc hoàng thượng đại phong cho ông cũng không còn xa nữa”. Có nghĩa là nói rằng, nếu như bây giờ ông cầu sắc phong cho mẹ của mình thì việc đại phong của ông sẽ không có nữa. Triệu Công nói: “Mẹ của tôi ở góa lâu như vậy, năm nay 82 tuổi rồi, bất kì lúc nào cũng có thể không giữ được sanh mạng nữa, hy vọng mau mau phong thưởng cho mẹ tôi, để thiên hạ được biết, đây đều là nhờ ơn dưỡng dục của mẹ tôi dành cho tôi, phải nên đem vinh dự này trao cho bà.”

Trong sách Trung Dung có một đoạn khiến chúng ta vô cùng cảm phục thái độ không quên cội nguồn của người xưa. Một người học trò, “phụ vi sĩ”, cha của ông là phần tử trí thức thông thường, nhưng “tử vi đại phu”, con trai làm đến đại phu. Khi cha của ông qua đời thì lúc mai táng dùng lễ của người trí thức thông thường. Nhưng mỗi năm tế tự ông ấy đều dùng lễ đại phu mà tế tự. Tức là chiêu cáo thiên hạ, vị lão nhân trưởng bối này đã vì thiên hạ mà giáo dục ra một vị đại phu, cho nên mỗi năm đều dùng lễ đại phu để tế ông. Cho nên mẹ của Triệu Khang Tịnh Công mặc dù là quả phụ, nhưng bởi vì có khí tiết, đã thành tựu được một nhân tài trụ cột.

Còn có một vị tên Lý Quân, người học trò này năm ông lên ba tuổi thì cha ông qua đời. Hơn nữa, bạn bè thân quyến xung quanh lại cứ một mực khuyên mẹ ông tái giá, bởi vì con trẻ mới ba tuổi, có lẽ mẹ của ông tuổi tác cũng còn rất trẻ. Mẹ của ông đã rất tức giận mà nói với người đó rằng, đạo nghĩa vợ chồng vốn dĩ chính là thiên luân, việc sống chết trong số mạng đã định sẵn, nhưng tôi thà bị chết đói chứ không đi tái giá. Cho nên bà giữ vững tâm ý, giữ gìn trinh tiết của mình, dạy dỗ con trai của mình, về sau người con trai của bà cũng thi đậu tiến sĩ, làm quan lớn.

Cho nên những người nữ như vậy, thần minh và người đời đều hết sức tôn trọng họ, thiện báo họ nhận được cũng rất hậu. Bởi vì những người phụ nữ như vậy tôn trọng đạo lý nhân luân, tuyệt đối không phải vì sự phú quý về sau của con cái, mà bởi vì sự tiết nghĩa này của họ, con cái của họ chắc chắn cũng sẽ là người có khí tiết, chắc chắn cũng là người trọng đạo nghĩa, cho nên sau này sẽ được hiển quý. Tôi kể về ví dụ này là để giúp tất cả những quả phụ có thể y theo những đạo lý nhân luân này, hơn nữa còn có thể tự lực tự cường.

Thân là cô nhi cũng không thể tự ruồng bỏ mình. Chúng ta lúc nãy nói tới ví dụ về những thánh hiền trong lịch sử, rất nhiều người đều là cha qua đời từ khi họ còn nhỏ, nhưng họ lại có thể thành danh thành tài. Rất nhiều danh nhân như Trương Sĩ Tốn của triều Tống, đã khổ tâm lập chí tiến thủ, về sau làm tới Tể tướng. Lữ Hối hồi còn nhỏ thì cha ông đã qua đời, lại chuyên tâm tu dưỡng học hành, làm đến Ngự Sử Trung Thừa. Kể cả tiên sinh Âu Dương Tu, đã mất cha từ nhỏ, sau cùng đều làm tới Tể tướng. Cho nên gặp phải trắc trở trong đời sống gia đình cũng đừng nên nản chí, tự lực tự cường, để báo cáo với linh hồn của cha mẹ và trưởng bối ở trên trời.

/ 49