/ 49
142

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 41

Nâng cao bản thân là điều quan trọng, đừng vội gấp rút đi làm việc tốt

Giảng ngày 2 tháng 11 năm 2010

Kính chào quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, A-di-đà Phật.

Chúng ta tiếp tục xem kinh văn, đang nói đến câu “chánh kỷ hóa nhân” (sửa mình cho chánh đáng mới cảm hóa được người khác). Ở trong Vựng Biên đối với chữ “chánh” này có giải thích là “xác bất khả dịch”, đạo lý làm người thật sự không thể nào thay đổi thì gọi là “chánh”. Nếu như là tu Phật pháp Đại thừa, quả thật là không thể thay đổi sự hành trì của Bồ-tát. Chúng ta phải luôn luôn dùng cái này để yêu cầu bản thân. Gọi là “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Bồ-tát đạo là lục độ, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, bát-nhã, khởi tâm động niệm và ngôn ngữ tạo tác của chúng ta tuyệt đối không thể tách khỏi tinh thần lục độ này, vậy mới có thể “chánh”.

Bố thí không phải độ người khác mà là độ chính mình. Bản thân không độ được mà đi độ người khác thì là “vô hữu thị xứ”, là điều không làm được. Bố thí độ bủn xỉn. Chúng ta nếu còn có những vật chất bên ngoài nào mà không thể xả được thì sự bố thí này vẫn chưa triệt để. Trì giới độ ác nghiệp. Nhất là chúng ta học tập Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, luôn luôn phải tương ứng với thập thiện, đừng có tương ứng với thập ác, như vậy mới là trì giới.

Nhẫn nhục độ sân hận, hễ có tâm trạng khởi lên liền bất chánh, không tương ứng với chân tâm, với hạnh Bồ-tát, hãy mau điều chỉnh lại. “Thánh cuồng khác nhau, chỉ ở một niệm”, đây là tu đạo. Nếu không thì sau khi nổi nóng lên rồi, người ta còn phải khuyên, bản thân lúc đó không chuyển được, người ta còn phải khuyên, gây thêm phiền phức cho đoàn thể, đó là não hại chúng sanh, làm sao tu hành? Ngày nay chúng ta hiểu được rằng tùy thuận giáo huấn của thánh hiền Phật Bồ-tát là học Phật. Tập khí hiện tiền rồi vẫn không đối chiếu với kinh điển thì gọi là đùa cợt Phật pháp, tiêu khiển Phật pháp. Chúng ta còn nhận một hư danh là đệ tử Phật, việc này phải cẩn thận. “Danh giả tạo vật sở kị”, danh không hợp với thực thì phước của chính mình bị tổn hại hết. Cho nên tại sao Liễu Phàm Tứ Huấn nói “thế gian hưởng tiếng tốt mà không hợp với thực, sẽ có nhiều kỳ họa”? Vì phước báo của họ đều vì cái hư danh này mà tổn hết. Cho nên, được người tán thán có tốt không? Không phải việc tốt. Thái Thượng Cảm Ứng Thiên nói “được sủng ái mà lo sợ”, luôn luôn phải có tính cảnh giác, phải cẩn thận, phải khiêm tốn. Tôi chính là ví dụ tốt nhất cho mọi người, tôi thế này là danh không hợp thực rất nghiêm trọng, người ta đều tán thán tôi quá đáng, cho nên phước báo của tôi không còn nữa, quý vị coi ăn không mập nổi. Ví dụ đã bày ngay trước mặt quý vị, quý vị phải suy ngẫm cho kĩ.

Cho nên người tu học chúng ta phải có danh hợp với thực, sư phụ nói “không được đùa cợt Phật pháp, tiêu khiển Phật pháp”, giáo huấn của thầy Lý Bỉnh Nam đã truyền lại, đó không phải nói người khác mà nói bản thân chúng ta. Nhất định phải giữ vững, luôn luôn phải có tính cảnh giác: Có phải mình đang trong đạo không, có tùy thuận giáo huấn của thánh hiền không? Người có thái độ như vậy thì sẽ không tùy thuận tập khí, sẽ không làm nô lệ cho tập khí, sẽ không tạo nghiệp. Cho nên sự “xác bất khả dịch” này xác thực không thể nào thay đổi, thật sự là phải y chiếu những tiêu chuẩn này, dựa trên tiêu chuẩn của Lục Độ và Phổ Hiền Thập Nguyện mà xử thế. Nhẫn nhục độ sân hận, độ tâm đố kị, độ tâm trạng hóa. “Tất cả pháp đều thành bởi nhẫn”, không nhẫn, tâm trạng vừa khởi lên, lửa vô minh lại thiêu hết toàn bộ công đức.

Tinh tấn độ giải đãi. Đời này muốn có thành tựu thì nhất định phải tinh tấn. Tại sao? “Tùng thiện như đăng”, một người tu đức hành thiện thì giống như leo núi vậy, từng bước từng bước dốc sức trèo lên cao. Nhưng mà hễ không phát giác, “tùng ác như băng”, hễ khởi lên một ý niệm xấu thì giống như leo núi mà bị sẩy chân, bị trượt xuống, “băng” là cả người bị trượt xuống. Xin hỏi mọi người, trượt xuống tới đâu? Tới chân núi? Vậy quý vị cũng lợi hại quá. Trượt xuống rồi, mau mau mà nắm lấy cành cây, còn để trượt xuống tới chân núi sao? Quý vị nắm lấy rồi mới không bị trượt xuống tiếp, nhưng bước chân đó vẫn chưa giẫm chắc, đều là trọng lực cộng tốc độ mà rớt xuống. Tại sao tu đạo thì tiến tiến thoái thoái, thậm chí là thoái nhiều tiến ít? “Tùng ác như băng”, hễ không phát giác thì vọng niệm liền tung bay. Việc mau nắm lấy cành cây rất quan trọng, động tác phản xạ đó phải cho nhanh. Xin hỏi cái cành cây đó là gì? Đó chính là câu A-di-đà Phật, quý vị lập tức khởi lên là sẽ nắm được, sẽ không rớt xuống nữa. Phải hạ công phu tinh tấn ở trong mỗi sự khởi tâm động niệm. Không niệm thì mê, niệm thì ngộ. Niệm Phật thì không khởi vọng tưởng, niệm Phật tức là vạn đức hồng danh, tiêu nghiệp chướng. Nếu không niệm không thể nào không khởi vọng tưởng. Cho nên câu Phật hiệu này là ngọn rơm cứu mạng, nếu không niệm thì không ra được lục đạo luân hồi. Chúng ta phải có được nhận thức sâu sắc này, phải tinh tấn.

/ 49