/ 49
64

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 40

Đời này muốn được thành tựu, trước tiên hãy sửa thói nóng tính

Giảng ngày 1 tháng 11 năm 2010

Kính chào quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, xin chào mọi người!

Chúng ta tiếp tục coi kinh văn “chánh kỷ hóa nhân” (sửa mình cho chánh đáng mới cảm hóa được người khác). Chúng ta tiếp thu giáo huấn của thánh nhân tam giáo Nho Đạo Thích, tức là phải noi gương đức hạnh của họ, noi gương giá trị nhân sinh của họ. Cho nên “đạo của Khổng Mạnh, nhân nghĩa mà thôi”, chúng ta giữ tâm nhân nghĩa, đời này phải có thể thật sự làm lợi ích cho mọi người. Đạo Đức Kinh của Đạo gia cũng nói: “Thánh nhân khéo giáo hóa người nên không có ai vô ích; khéo lợi dụng vật nên không có vật vô ích”; “thánh nhân không có thành kiến, lấy tâm thiên hạ làm tâm mình”. Nhà Phật nói: “Từ bi là gốc, phương tiện là cửa”. Chúng ta học Nho, học Đạo, học Phật, trước hết là phải có một cái tâm làm lợi cho chúng sanh, cái này là động lực căn bản của việc tu thân hành đạo của một người, phải từ bi, phải bác ái.

Cho nên người tu hành trước tiên phải phát nguyện, “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, “người xưa mong muốn làm tỏ đức sáng trong thiên hạ”, điều này đều là mục tiêu rộng lớn. Đã có mục tiêu rồi, làm sao để đạt được mục tiêu đây? Nho gia nói đến “cách vật”, nói “khắc kỷ phục lễ”, thực ra có hàm nghĩa “chánh kỷ” bên trong đó. Nhà Phật nói “dứt trừ tham sân si”, có tham sân si thì cái tâm này sẽ không chánh, hành vi sẽ bị lệch lạc. Cho nên, phải làm sao để thực hiện mục tiêu rộng lớn đây? Vẫn phải bắt đầu từ tu dưỡng tự thân, nhất là điều phục tập khí.

Tu hành thường nói tu từ căn bản, căn bản tức là khởi tâm động niệm. Trước hết phải buông bỏ tự tư tự lợi, phải buông bỏ cái tâm tham này. Cho nên tu học trong Phật môn chỉ là nhìn thấu buông bỏ mà thôi. Buông bỏ tâm tham này có dễ dàng không? Chúng ta hình như đã buông được một thời gian rồi. Đã nhiễm phải tập khí từ vô thủy kiếp tới nay, cho nên phải thật sự hạ công phu để điều phục nó. Gọi là “dù cho thịt nát xương tan, vẫn không đánh mất chánh niệm”, chết cũng không sợ, chỉ sợ ý niệm không đúng, phải dùng sự quyết tâm như vậy để chuyển tà niệm, chuyển ác niệm, không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm. Thật ra không buông sự tự tư tự lợi được là do không hiểu lý, là do chúng ta vẫn chưa nhìn thấu, nhìn thấu là hiểu rõ chân tướng. Bởi vì chúng ta không hiểu rõ chân tướng, nhầm tưởng rằng cái thân này là chính mình, ngộ nhận cái thân này là “tôi”. Bên ngoài thân có nhà cửa của tôi, xe của tôi, người thân của tôi, thì “cái của tôi” sẽ sanh ra. Nếu không được vừa ý của mình thì khởi tâm nóng giận; bản thân nhìn thấy không thuận mắt, sẽ nổi nóng. Cho nên căn nguyên phiền não vẫn nằm ở cái “tôi” này, ngộ nhận cái thân này là chính mình.

Đức Phật ví như trong biển cả có một cái bọt nước, bọt nước này cũng giống như một cái thân thể vậy. Chúng ta cho rằng cái thân thể này là tôi thì chúng ta sẽ nhảy không ra khỏi khuôn khổ của bọt nước này, tâm địa sẽ nhỏ như vậy, so đo với người, đối lập với người, cứ như vậy mà tới. Nếu như phá vỡ bọt nước này đi, bọt nước sẽ ở đâu? Ở trong cả biển lớn. Buông bỏ cái thân này, ngã chấp này rồi mới có thể quay về tự tánh, mới có thể quay về bản lai diện mục của mình. Bản tánh của chính mình vốn dĩ là như thế nào? Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới, đâu có người sự vật gì mà không thể dung chứa? Nếu chúng ta thật sự hiểu rõ đạo lý này rồi thì đâu lẽ nào không buông được tự tư tự lợi. Sự tự tư tự lợi này khiến chúng ta không nhảy ra khỏi những tập khí, khiến năng lực của chúng ta không thể khôi phục. Khôi phục rồi thì có trí huệ đức tướng Như Lai. Chúng ta bây giờ không những không có những năng lực này mà hằng ngày bị những phiền não này trói buộc, vậy là oan uổng. Khi không hiểu lý thì ngày tháng đang sống sẽ không tự tại. Đã hiểu rõ đạo lý rồi thì chúng ta phải nên luôn luôn nhắc nhở chính mình, phải dùng tâm lượng tâm bao thái hư mà đối nhân xử thế, như vậy mới không uổng phí những chân tướng mà Đức Phật và những đại trí giả đã giảng cho chúng ta.

/ 49