/ 49
178

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 39

Chánh kỷ rồi mới có thể hóa nhân, không được đảo lộn trật tự

Giảng ngày 30 tháng 10 năm 2010

Quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, xin chào mọi người!

Mấy tiết học này, chúng ta học tập câu kinh văn “trung hiếu hữu đễ”. Sự hiếu đễ và sự trung thành có thể nói là căn bản lớn của việc làm người. Thánh hiền Nho Đạo Thích của chúng ta giáo huấn chúng ta, sự giáo dục về luân lý đạo đức đều là bắt đầu dạy từ việc làm người.

Cho nên Khổng Tử dạy học có bốn môn khoa mục là “Đức hạnh, ngôn ngữ, chính sự, văn học”. “Đức hạnh” luôn phải đặt ở chỗ quan trong trọng nhất, rồi mới có thể nói tới những học vấn khác. Còn “ngôn ngữ” là sự tu dưỡng ngôn ngữ. “Chính sự”, thời xưa đi học xong phải ra ngoài phục vụ xã hội, chăm sóc bá tánh, chính sự này là chỉ về những trí huệ của người làm quan. Nhưng thời đại này bây giờ, mọi người đều có đi học, cho nên cái “chính sự” này mở rộng ra là chỉ sự thành thạo một nghề. Chúng ta ở trong một lĩnh vực nào, ở trong một vị trí nào, đều có thể không ngừng nâng cao khả năng làm việc và năng lực chuyên ngành của chính mình, cái này tức là “chính sự”. Kể cả công việc bây giờ của bản thân chúng ta, bất luận là ở bộ phận nào, chúng ta đã tốt còn muốn tốt hơn để năng lực chuyên ngành có thể phục vụ đại chúng không ngừng tiếp tục được nâng cao, thậm chí là trong những thời gian khác, còn học thêm một ít. Tới lúc những đồng đạo trong đoàn thể này có việc thì chúng ta còn có thể giúp được họ. Nhất là trong cùng một bộ phận, nếu có thể thành thạo công việc một chút, khi trong nhà ai đó đột nhiên có chuyện vui hay là phải bận việc gì, không tới được thì công việc vẫn có thể tiếp tục được. Cho nên có một thái độ rất quan trọng, gọi là “phân công không phân nhà”. Mỗi người có công việc thuộc bổn phận của họ nhưng vẫn phải trợ giúp lẫn nhau, đến lúc những đồng đạo xung quanh có việc bận thì chúng ta đều có thể trợ giúp được. Nếu không thì việc phân công sẽ biến thành mình là trung tâm, chỉ nghĩ tới bản thân, chỉ biết làm công việc của chính mình, trong việc tu học, có thể là tâm địa sẽ càng ngày càng nhỏ, thậm chí bảo chúng ta giúp một chút thì chúng ta không nhẫn nại. Cho nên sự “không phân nhà” này tức là luôn luôn lấy đại cục làm trọng, dù phải đảm đương nhiều, gánh vác nhiều hơn thì cũng là những việc mà mình hoan hỉ. Tiếp theo là môn “văn học”, là để nâng cao đời sống tinh thần của con người, thậm chí là khi đức hạnh của mình thành tựu rồi, có thể đem những kinh nghiệm trí huệ quý báu này để lại cho người sau tham khảo. Cho nên “quân tử trọng cái gốc, gốc lập thì đạo sanh”, chúng ta đời này muốn làm lợi ích cho gia tộc, cho xã hội, dân tộc, thậm chí cho chánh pháp, đều phải lấy đức làm gốc.

Hôm qua chúng ta nhắc tới “hữu đễ”, huynh trưởng, trưởng bối phải thân ái với hậu bối. Làm hậu bối, vãn bối phải kính yêu huynh trưởng. Có thể khi đang nói tới đoạn này, có vài đồng đạo sẽ cảm nhận không được sâu. Ví dụ những người là con một, đối với tình cảm giữa anh chị em của người xưa mà hôm qua tôi nói tới có thể cảm nhận không được sâu. Mọi người cảm thấy việc cảm nhận không sâu này có bình thường không? Tôi chỉ có một người anh chị em thôi, cho nên cảm nhận không sâu là bình thường. Xin hỏi mọi người, chúng ta có anh chị em họ không? Quý vị nói: “Tôi cũng không có anh chị em họ”. Vậy phải làm sao? Quý vị có bạn học không? Có không? Có đồng nghiệp không? Người ta sao có thể tách rời quần thể chứ? Nếu như hôm qua chúng ta nói về tấm gương hữu đễ của những cổ thánh tiên hiền mà chúng ta cảm nhận không được thì điều này cho thấy tâm đạo nghĩa của chúng ta khi sống chung với bạn học, với những người cùng trang lứa là rất yếu.

Tôi cũng không có anh em trai, tôi là con trai một, nhưng tôi cảm thấy trong quá trình mình đi học, bạn học thật sự thân như tay chân, chưa bao giờ so đo, có việc gì cần tới, đều vỗ ngực bảo rằng: “Nào, chúng ta cùng nhau đi làm”. Mặc dù cũng đã từng cùng nhau làm qua việc xấu, đó là lỗi do chưa đọc sách. Chánh nghĩa, “nghĩa” phải đi chung với “chánh”. Có thể khởi lên được thái độ, tình nghĩa không phân chia ta và người. Cho nên, đừng đẩy trách nhiệm ra ngoài, đẩy cho hoàn cảnh: “Tôi không có anh chị em”. Vẫn là bởi vì tấm lòng đạo nghĩa của chúng ta không sâu sắc. Chúng ta lại quay về đầu nguồn, tình nghĩa, đạo nghĩa của một người từ đâu sanh ra? Trăm thiện hiếu đứng đầu. Người đối với cha mẹ mà luôn luôn không quên ân đức này thì chắc chắn là người có tình nghĩa, đạo nghĩa. Có hiếu thuận thì chắc chắn sẽ thân ái với anh chị em, “anh em hòa, tức là hiếu”. Các anh chị em nghe những câu chuyện này của cổ thánh tiên hiền mà vẫn chưa có cảm giác thì phải phản tỉnh cho tốt. Nghĩa là chúng ta đối với các anh chị em ở xung quanh mình không có ý niệm quan tâm chăm sóc, cũng là bởi vì không thể thường thường khởi lên sự thấu hiểu đối với cha mẹ. Có ai làm cha mẹ mà không thương con mình chứ? Hiếu tử nhất định có thể cảm nhận được tâm của cha mẹ, nhất định sẽ dụng tâm chăm sóc anh chị em, khiến cha mẹ bớt lo lắng một chút. Cho nên đạo đễ và đạo hiếu không thể phân chia.

/ 49