CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt
Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia
Tập 4
Người chân thật tin tưởng giáo huấn của Thánh Hiền sẽ được đại phước
Giảng ngày 22 tháng 7 năm 2010
Quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, xin chào mọi người!
Chúng tôi trong mấy tiết học này đã cùng trao đổi với mọi người về tầm quan trọng của việc học tập Thái Thượng Cảm Ứng Thiên. Trong Nho gia có một câu nói là lời giáo huấn rất quan trọng của Phu Tử, Phu Tử trong Luận Ngữ, bài “Nghiêu viết” đã nói rằng: “Bất tri mệnh, vô dĩ vi quân tử”. Nếu một người không biết mệnh thì ngay cả cánh cửa quân tử họ cũng không bước vào được, huống hồ chi muốn thành thánh thành hiền thì càng không thể nào. Cho nên chúng ta buộc phải biết mệnh, biết làm thế nào để thành tựu huệ mạng đời này của mình; biết sứ mệnh đối với gia tộc của mình; biết thiên mệnh đối với xã hội, dân tộc, thậm chí thế giới hiện nay. Chúng ta phải hiểu rõ thì đời này của chúng ta mới không bị uổng phí. Nếu không thì thời gian mấy chục năm như bóng câu qua cửa sổ, bỗng chốc liền trôi qua. Chúng ta nhất định phải biết rõ mục tiêu của mình, việc chúng ta phải thành tựu trong đời này.
Để thành tựu huệ mạng, trước hết nhất định phải đoạn ác tu thiện; kế đó là phá mê khai ngộ; sau cùng là chuyển phàm thành thánh. Cho dù mục tiêu cao tới đâu thì cơ sở vẫn ở chuyển ác thành thiện, và Thái Thượng Cảm Ứng Thiên chính là bộ kinh điển hết sức hay. Đối với gia tộc thì nhà tích điều thiện ắt có thừa niềm vui. Một người nếu không truyền thừa gia đạo của tổ tiên, không có tâm tạo phước cho hậu thế thì xin nói thẳng ra rằng họ đã uổng phí việc làm người. Ngay cả con cháu đời sau cũng không thương yêu, là đã làm nhục thân phận con người trong “thiên địa nhân tam tài”. Cho đến cả tình hình xã hội, thế giới chúng ta bây giờ, điều cấp bách nhất chính là giáo dục nhân quả. Cho nên, An Sĩ Toàn Thư do tiên sinh Chu An Sĩ viết, Đại sư Ấn Quang nói là “sách thiện đệ nhất thiên hạ”, thật không đơn giản. Tiên sinh Chu An Sĩ nói rằng: “Người người biết nhân quả là con đường đại trị thiên hạ”, muốn cho thế đạo nhân tâm khôi phục lại quỹ đạo bình thường thì phải bắt tay từ giáo dục nhân quả.
Và chúng ta hôm qua đã nhắc tới, nếu bản thân chúng ta thật sự phụng hành Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, thật sự có được quả báo thù thắng, thì việc này đã khiến cho đại chúng trong xã hội hiện tại có một lòng tin kiên định. Cho nên trong Phổ Hiền Thập Nguyện có nói rằng “Thỉnh Phật trụ thế”, thưa quý vị đồng nhân, thỉnh ai trụ thế trước vậy? Phải thỉnh chính mình trước. Điều này Nho gia đều đã nói rất rõ ràng: “Người có thể hoằng đạo”, quý vị phải làm ra trước mới được. Giáo huấn của Phu Tử tại sao có thể ảnh hưởng tới con cháu Viêm Hoàng chúng ta hơn 2500 năm sau? Đó là bởi vì Phu Tử ngài làm được rồi.
Chúng ta đã biết tầm quan trọng của Cảm Ứng Thiên, tầm quan trọng đối với bản thân, đối với gia đình, đối với thế giới, đối với việc chánh pháp cửu trụ, thì chúng ta sẽ có cảm giác sứ mệnh và chí khí để y giáo phụng hành, để đoạn ác tu thiện. Đối với việc chúng ta tu học pháp môn Tịnh Độ, để thành tựu đạo nghiệp khi tuân theo pháp môn này thì điều rất quan trọng đó là trì giới niệm Phật. Sư phụ ngài thường nói, nếu như không có công phu trì giới thì cho dù có niệm đến gió thổi không thấm, mưa rơi chẳng ướt vẫn không thể vãng sanh. Bởi vì trong Kinh A-di-đà có nói rằng: “Không thể với ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về nước đó”. Ngũ giới thập thiện là nền tảng thiện quan trọng nhất của một người. Thái Thượng Cảm Ứng Thiên đối với pháp căn bản của Phật môn là ngũ giới thập thiện , đã giảng hết sức rõ ràng. Cho nên chúng ta học tập Cảm Ứng Thiên tức là đang tranh thủ nhanh chóng làm xong hộ chiếu vãng sanh Tây phương. Không thể để đến lúc lâm chung mà hộ chiếu vẫn còn chưa có, chân tay bấn loạn, điều này là không được.
Thật ra mà nói, công phu tu hành chân thật là gì? Buông xuống phân biệt, chấp trước là công phu chân thật. “Tất cả chúng sanh đều có trí huệ đức tướng Như Lai”, trí huệ đức tướng là thứ vốn sẵn có, không phải đi lấy từ người khác, vậy tại sao nó có chướng ngại? Chỉ vì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, nên không thể chứng đắc. Đối với không khởi vọng tưởng, “không khởi tâm, không động niệm”, cái này quá cao, trước mắt chúng ta vẫn chưa đạt được. Chúng ta phải thường xuyên quán chiếu, không được phân biệt, không được chấp trước. Chúng ta hay phân biệt chấp trước vào lúc nào vậy? Chúng ta vừa nhìn thấy, “Ồ, họ là con gái, mình là con trai”, là phân biệt rồi; “Mình khá là đẹp, họ khá là xấu”, là chấp trước rồi, có cao thấp rồi, những ý niệm này đều khởi lên.