/ 49
79

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 3

Làm ra tấm gương tốt, khiến người thế gian sanh khởi tín tâm

đối với giáo dục của Thánh Hiền

Giảng ngày 21 tháng 7 năm 2010

Quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, xin chào mọi người! Lúc nãy chúng ta nghe lời khích lệ của sư trưởng dành cho mình, mong đợi Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Trung Hoa Malaysia chúng ta có thể làm tốt việc cắm chắc ba cái gốc, có thể đem văn hóa truyền thống ảnh hưởng tới cả thế giới. Tôi thấy mọi người sau khi nghe xong nét mặt tại sao hơi nặng nề vậy? Tôi cảm thấy rất may mắn, đời này có công việc trọng đại như vậy cho chúng ta nỗ lực đi làm thì ít nhất là đời này của chúng ta sẽ không bị uổng phí. Chúng ta hãy bình tâm quan sát thế giới này, nếu như thế giới này là một thân thể, thân thể bị bệnh rồi, chúng ta hãy phán đoán một chút, bây giờ đã bệnh tới mức độ nào rồi? Còn lại mấy năm có thể cứu đây? Trong Trung y có một câu nói là “bệnh thấm vào xương tủy”, không thể cứu được nữa. Vậy căn bệnh của thế giới hiện nay cách “xương tủy” còn bao lâu nữa? Còn lại không tới mấy năm. Khi Sư phụ giảng Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán, ngài nói còn năm năm. Trong năm năm này nếu chúng ta không tranh thủ thực hành phổ biến việc cắm rễ giáo dục thì muốn cứu thế giới này không phải là chuyện dễ.

Cho nên, mỗi khi tôi suy nghĩ tới đây, sẽ rất tự nhiên mà nhớ tới lời của Mạnh Tử: “Đời này kiếp này, không là ta thì còn ai?”, khổ nạn của thế giới đã bày ra trước mắt chúng ta, ngày nay nếu như chúng ta không tận tâm tận lực đi làm, thật sự là có lỗi, danh quá kì thực (danh không xứng với thực tế). Tại sao? Bởi vì chúng ta là đệ tử Phật tu Phật pháp Đại Thừa. Phật pháp Đại Thừa có tấm lòng từ bi, đại từ đại bi, đây là bản chất thực sự của đệ tử Phật, của đệ tử Đại thừa. Xã hội thế giới bày ra trước mặt chúng ta là như vậy, chúng ta nhìn nhưng không thấy, chúng ta sẽ hổ thẹn với thân phận đệ tử Phật pháp Đại Thừa này. Cho nên, cổ thánh tiên hiền, quân tử, cảm thấy việc hổ thẹn nhất là “danh quá kì thực”. Chúng ta bây giờ còn chưa đạt tới cảnh giới thánh hiền, không sao cả, chúng ta cứ tận tâm tận lực sửa đổi tập khí, nâng cao chính mình. Trong quá trình chúng ta tận tâm tận lực sửa đổi tập khí đó chính là rộng tu cúng dường.

Quá trình sửa đổi này thật sự không nhẹ nhàng. Sửa đổi tập khí nghiêm trọng của mình cũng giống như lột da vậy, khổ lắm. Nhưng tục ngữ có nói: “Đau dài không bằng đau ngắn”. Sư phụ cũng có nói: “Cắn chặt răng lại, đời này chứng Vô Lượng Thọ”. Cắn chặt răng lại, tức là thật sự diệt bỏ triệt để tập khí của mình. “Giống như một lòng cầu sanh Tịnh độ”, nhất tâm nhất ý, trì giới niệm Phật, đoạn ác tu thiện, “chắc chắn vãng sanh nước Cực Lạc”. Quý vị đồng nhân, cắn chặt răng lại, phải cắn bao nhiêu năm? Nếu chúng ta thật sự hạ công phu thì trong ba năm, năm năm sẽ có thể điều phục tập khí, xem chúng ta có hạ quyết tâm này được không. Phát tâm dũng mãnh, lập chí hướng quyết định, đời này nhất định phải thành tựu đạo nghiệp.

Lúc nãy sư trưởng cũng nói rằng, ở Thang Trì đã cắm một cái gốc. Trung tâm Malaysia chúng ta bây giờ là cắm ba cái gốc, Đệ Tử Quy, Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh. Chúng ta đến thọ trì, đến thực hành một cách vững chắc. Mọi người nghĩ, bây giờ mình còn làm chưa tốt, người ta tới xem thì phải làm sao đây? Ở tất cả mọi lúc, phải dụng tâm bình thường mà đối đãi với họ. Chúng ta phải thể hiện ra tình hình chân thực, người ta học tập đâu có chuyện đùng một cái nhảy tới chỗ thành thánh hiền được. Đâu thể nào được. Mặc dù chúng ta vẫn còn thiếu sót, vẫn còn tập khí, nhưng chúng ta phải thể hiện được thái độ không hề chùn bước, tận tâm tận lực, lấy chí thầy làm chí mình. Quý vị xem sư phụ đứng trước người trong thiên hạ tin tưởng chúng ta như vậy. Sư phụ nói: “Tôi tin tưởng họ có thể làm tốt”. Chúng ta hy vọng không cô phụ sự tín nhiệm của sư phụ, điều càng quan trọng hơn đó là không cô phụ sự tín nhiệm của chúng sanh đối với chúng ta. Chúng ta đã cùng nhau học tập Liễu Phàm Tứ Huấn, có một đoạn, tôi vẫn mãi đang lĩnh hội: “Yêu kính mọi người, tức là yêu kính thánh hiền; thông với chí của đại chúng, tức là thông với chí của thánh hiền”. Thế nào là chí của thánh hiền? Thế nào là chí của lão hòa thượng? “Vốn muốn vì đời vì người, giúp mỗi người được như ý muốn”, chính là hy vọng người trong thời đại này có thể an cư lạc nghiệp, gia đình hạnh phúc. “Lòng ta hợp với kính yêu thì an ổn người một đời, tức là vì thánh hiền mà an ổn người vậy”. Chúng ta tận tâm tận lực, làm sao khiến người đời an ổn? Nếu người đời có tư tưởng đúng đắn thì vận mệnh của họ sẽ chuyển biến.

/ 49