/ 49
67

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 5

Tùy thuận tánh đức sẽ chiêu cảm đến đời sống mỹ mãn

Giảng ngày 23 tháng 7 năm 2010

Quý vị trưởng bối, quý vị đồng nhân, xin chào mọi người!

Thái Thượng Cảm Ứng Thiên là đề kinh. Thái Thượng là tôn xưng, tôn xưng Lão Tử, thủy tổ của Đạo giáo. Khi Lão Tử sanh ra đời, tóc ngài đã bạc trắng, đạo đức học vấn của ngài rất tốt, cho nên gọi ngài là Lão Tử. Bổn danh của ngài, họ Lý, tên Nhĩ, hiệu Lão Đam.

Văn hóa truyền thống chúng ta là tam giáo Nho Đạo Thích, giáo huấn của tam giáo đều hết sức tương ứng. Tại sao vậy? Bởi vì giáo huấn của thánh hiền nhân đều hiển lộ từ tánh đức, tương thông với tánh đức. Con người nếu như có phân biệt, chấp trước thì họ sẽ so cao so thấp, sẽ cảm thấy không tương đồng. Vào thời Thanh, hoàng đế Ung Chính nhìn thấy những người học tập Nho Thích Đạo có rất nhiều điểm phân biệt, chấp trước, cho nên đã viết một bài Ung Chính Hoàng Đế Thượng Dụ. Trong đó có nhắc tới: “Tam giáo chi giác dân ư hải nội dã, lý đồng xuất ư nhất nguyên, đạo tịnh hành nhi bất bội”. Giáo huấn của tam giáo đều là tương ứng, lý đều xuất ra từ một nguồn, đều là dạy người đoạn ác tu thiện, những giáo huấn này đều hiển lộ ra từ trong tánh đức của các thánh hiền nhân.

“Thái Thượng” là tôn xưng Lão Tử. “Thái” là chỉ chí đại, lớn không gì bằng; “Thượng” tức là chí cao. Cho nên từ “chí đại chí cao” này thật ra cũng là sự tán thán đối với tánh đức. “Thái Thượng” này chính là sự tôn xưng tự tánh của chúng ta. Cho nên, Thái Thượng là tự tánh của chúng ta, là lúc chân tâm của chúng ta hiển lộ ra, con người chính là đối nhân xử thế như vậy. Nói theo cách nói thông thường thì chân tâm chính là lương tâm, lương tri vốn có của mỗi một người. Cho nên chúng ta tuân theo giáo huấn của Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, thật ra chính là tùy thuận tánh đức của chính mình; nếu không làm như vậy tức là trái nghịch với tánh đức của chính mình.

Người thế gian đều rất nhấn mạnh phải thông minh một chút, rất nhiều cha mẹ cũng hy vọng dạy con cái mình thông minh một chút. Thật ra con trẻ giữ gìn được sự ngây thơ lại là một chuyện tốt. Bởi vì tục ngữ có nói: “thông minh lại bị thông minh hại”. Cho nên, người được cho là thông minh, nhưng trên thực tế lại có những suy nghĩ trái nghịch tánh đức, trái nghịch Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, thật ra đã bị chính mình làm lầm lạc. Bởi vì trái nghịch tánh đức là việc thiệt thòi nhất, sẽ không khôi phục được tánh đức. Cho nên tùy thuận tập khí, làm tổn hại cho người khác thì nhỏ, làm tổn hại cho mình là lớn nhất. Tuân theo giáo huấn của Cảm Ứng Thiên là tùy thuận tánh đức, một niệm thanh tịnh. Khi chúng ta trái nghịch tánh đức, mỗi niệm này là “cảm”, cảnh giới được chiêu cảm đến gọi là “ứng”, cho nên hãy tùy thuận tánh đức, một niệm thanh tịnh sẽ chiêu cảm đến Tây Phương Cực Lạc thế giới.

Con người đời này điều đáng trân quý, coi trọng nhất, tuyệt đối không thể tơ hào lơ là khinh suất là điều gì? Chính là tinh thần, tư tưởng của chúng ta. Tại sao là tinh thần, tư tưởng? Thật ra nếu dùng đạo lý về cảm ứng thì sự lĩnh hội của chúng ta sẽ càng sâu sắc. Một niệm tịnh sẽ tương ứng với pháp giới Phật, tương ứng với thế giới Cực Lạc, “Phật giới duyên khởi” (cảnh giới Phật theo duyên mà khởi). Chúng ta niệm một câu A-di-đà Phật có cảm ứng không? Có, mặc dù chúng ta bây giờ vẫn không cách nào chứng minh được có cảm ứng gì xảy ra. Trong thời đại này, người thế nào có phước nhất? Người chân thật nghe lời, người tin tưởng giáo huấn của Phật Bồ-tát, người như vậy là có phước khí nhất. Bởi vì đức Phật đã giác ngộ triệt để, ngài nhìn thấy chân tướng của cả vũ trụ nhân sinh, tuy chúng ta vẫn chưa nhìn thấy, nhưng chịu nghe lời làm theo thì sẽ được lợi ích lớn. Thời đại này người có được lợi ích là người có thể tin tưởng lời thánh nhân đã nói, tin tưởng “thánh ngôn lượng”. Tất nhiên, sau khi tin tưởng phải tiến vào giải, hành, thật sự đi thực hành thì bản thân họ cũng sẽ chứng nhập. Cho nên Tổ sư Tịnh Độ Tông chúng ta, Đại sư Liên Trì đã từng nói vào lúc lâm chung rằng ngài đã nhìn thấy thế giới Tây phương Cực Lạc đến mấy lần rồi. Sự cảm ứng đó đã hiện tiền. Trong kinh Phật có nói, người chỉ cần chí tâm niệm câu Phật hiệu này thì thế giới Tây phương Cực Lạc sẽ nở một đóa hoa sen. Quý vị niệm càng chân thiết, hoa sen này sẽ càng lớn. Thưa quý vị đồng nhân, hoa sen hôm qua của chúng ta đã biến lớn hay biến nhỏ rồi? Có cảm ứng đấy, mỗi ngày đều có tăng giảm đấy, là “duy nhân tự triệu” (do người chiêu cảm đến).

/ 49