CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt
Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia
Tập 38
Anh em thương yêu nhau, người vui lòng chính là cha mẹ. Hãy làm tấm gương tốt cho con cháu
Giảng ngày 27 tháng 10 năm 2010
Kính chào quý vị trưởng bối, quý vị đồng đạo, xin chào mọi người!
Trong mấy tiết học này chúng tôi đã cùng mọi người học tập câu kinh văn “trung hiếu hữu đễ”. Thật ra “trung hiếu” và “hữu đễ” là nền tảng của việc làm người, cả bộ Thái Thượng Cảm Ứng Thiên quan trọng nhất chính là câu kinh văn này. Chúng ta đã trao đổi qua mấy tiết học rồi, thật ra tấm lòng “trung hiếu hữu đễ” này phải nên là “không thể xa rời giây lát”, chúng ta mỗi ngày trong khi làm việc đều đang phụng hành tận trung. Như Liễu Phàm Tứ Huấn có một đoạn nói về tận trung: “Xa thì nêu đức của tổ tiên, gần thì bù đắp lỗi của cha mẹ. Trên thì báo ân quốc gia, dưới thì tạo phước gia đình. Ngoài thì cứu người nguy cấp, trong thì đề phòng khắc phục tà kiến của mình”. Câu nói này tức là phải tận trung đối với chính mình, đối với văn hóa dân tộc, đối với quốc gia xã hội, đối với gia đình, người thân của mình, đều phải nên làm tròn bổn phận của mình, dốc sức mà cống hiến, thành tựu cho đối phương.
Chúng ta đã học văn hóa truyền thống, hiểu được căn nguyên của tai họa là ở lòng người bất thiện thì chúng ta dốc sức hoằng dương văn hóa dân tộc, dốc hết lòng trung của con cháu dân tộc Trung Hoa. Đồng thời, chúng ta hiểu rằng sức mạnh của thiện niệm, ý niệm của con người là rất lớn. Nhà nghiên cứu vật lý học cận đại có một cách nói, thiện niệm do tám ngàn người chí thành phát ra, nếu như chúc phúc trái đất tiêu trừ họa hoạn thì họa hoạn này sẽ được hóa giải. Rất nhiều đồng nhân sau khi nghe xong đã gắng sức làm thời khóa niệm Phật, lạy Phật, tụng kinh để hồi hướng, chúng ta hiểu được tận tâm tận lực thì công đức sẽ viên mãn. Nói về Hiếu, nếu thật sự hiếu thuận thì đối với sức khỏe của mình, từng lời nói, việc làm của mình đều hết sức cẩn thận, bởi vì trong tâm luôn luôn không dám quên cha mẹ, không dám quên lời giáo huấn của cha mẹ, thậm chí là cho dù đã khởi một ý niệm không tốt, cũng cảm thấy có lỗi với cha mẹ, đây là tâm của người con hiếu. Tại sao động một ý niệm không tốt cũng cảm thấy bất hiếu? Bởi vì đức hạnh bị tổn hại, bản thân họ cảm thấy có lỗi với cha mẹ, có lỗi với sư trưởng của mình.
Tiếp theo là “hữu đễ”, thật ra sự hữu đễ này ở trong gia đình, “hữu” là chỉ tình yêu thương của anh chị đối với các em, mở rộng ra là lòng yêu thương của trưởng bối với vãn bối. Bao gồm các chị em dâu, cùng được gả vào một gia đình, giữa những người con dâu này cũng phải người lớn yêu thương người nhỏ; kể cả những người cùng lấy chị em trong một nhà, cái này ở Malaysia thì xưng hô ra sao? Giữa những người nam như vậy, chúng tôi ở Đài Loan gọi là anh em cột chèo, cái này đều thuộc về phạm vi của sự hữu đễ, duyên phận này đều là rất sâu. Kể cả quan hệ giữa chị dâu và em chồng, chị dâu cũng nên thân ái với em chồng. “Đễ” ở đây chuyên chỉ về sự kính yêu, cung kính, tôn trọng của các em đối với anh chị. Mở rộng ra, cũng là sự cung kính, tôn trọng của vãn bối đối với trưởng bối. Cho nên phạm vi của đạo đễ hết sức rộng lớn.
Đối với sự “hữu đễ” này, thiền sư Pháp Chiêu có một bài kệ thuật lại tình cảm giữa anh em vô cùng sâu sắc, mọi người chắc là đã quen thuộc: “Đồng khí liền cành tự sum suê, lời ăn tiếng nói chớ thương tổn, gặp nhau mới đó nay đã già, bao giờ lại được làm anh em? Anh em chung sống nhẫn liền an, chớ vì chuyện nhỏ mà tranh cãi; trước mắt sanh con lại anh em, để lại gương tốt cho con cháu”.
Thật ra mỗi câu này đều chất chứa tình nghĩa rất sâu bên trong, không chỉ là tình nghĩa đối với anh em mà còn là một phần hiếu tâm đối với tổ tiên, cha mẹ. Đồng khí liền cành, liền tới chỗ nào đây? Liền tới chỗ tổ tiên, cha mẹ. Cho nên anh em bất hòa, cha mẹ là người buồn lòng nhất; anh em hòa thuận là việc cha mẹ an lòng nhất. Có tiền nhiều tới đâu, nếu như anh em bất hòa thì cha mẹ chắc chắn không thể nào an tâm.
Có ba chị em, hai người chị và một người em trai, cha mẹ rất thương yêu các con, sau đó để lại chút tiền, hy vọng giúp cho ba con của mình sống dư dả một chút. Cha mẹ hỏi người chị cả, người này liền nói, con không cần số tiền này, cha mẹ cứ cho hai em là được. Hỏi tới người con gái thứ hai, con gái thứ hai nói: Con không cần tiền, cha mẹ cho chị và em trai là được. Hỏi người con trai về chuyện tiền bạc này, người con trai này nói, con không cần số tiền này, cha mẹ cứ cho hai chị của con là được. Khi cha mẹ hỏi xong ba người con này, thái độ của ba người con đều là “cho chị em của con là được rồi”. Tôi tin là cha mẹ họ sẽ rất an lòng, cho dù họ không còn nữa, chị em chắc chắn sẽ hết sức thương yêu bảo bọc nhau, chăm sóc lẫn nhau.