CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt
Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia
Tập 37
Hiếu thảo có thể gặp dữ hóa lành, bất hiếu sẽ bị trời giáng tai ương
Giảng ngày 28 tháng 10 năm 2010
Kính chào quý vị trưởng bối, quý vị đồng đạo, xin chào mọi người!
Hôm qua chúng ta nói tới thực hành “hiếu thuận” cụ thể trong những việc dưỡng thân cha mẹ, dưỡng tâm cha mẹ, dưỡng chí cha mẹ. Rất có thể, đến lúc chúng ta muốn hiếu thuận thì cha mẹ không còn nữa. Cho nên những người đọc sách trong lịch sử, những người làm con trong lịch sử đều có một sự nuối tiếc rất lớn đó là “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn dưỡng nuôi mà cha mẹ chẳng đợi”. Cho nên cuộc đời có hai việc không thể đợi: Hành hiếu phải kịp thời, hành thiện phải kịp thời.
Khi đã tạo thành sự tiếc nuối này rồi, chúng ta tu học phải luôn luôn có lý trí, bởi vì nuối tiếc cũng là phiền não, ở đó áo não, đối với bản thân, đối với cha mẹ đều không có ích lợi. Chúng ta học Phật phải biết “một người đắc đạo, cửu tổ sanh thiên”, phải nên dùng đức hạnh của mình để có thể khiến cha mẹ được lợi ích, đây gọi là đạo lý siêu độ. Dùng công đức gì để siêu độ cha mẹ? Điều rất quan trọng là mỗi lời nói, mỗi hành vi, khởi tâm động niệm của chính mình phải tương ứng với giáo huấn của Phật Bồ-tát. Mỗi ngày đối nhân xử thế tiếp vật đều có công đức thì năng lượng của công đức này rất lớn. Thế nào là công đức? Dùng tâm chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi mà làm thì mỗi công việc đều có công đức. Nếu trái nghịch với năm tâm này thì cho dù làm việc thiện lớn tới đâu cũng chỉ là phước đức, không phải công đức.
Trong lịch sử, Lương Vũ Đế tu phước báo lớn nhất. Ngài kiến tạo 480 ngôi Phật tự, người xuất gia tu hành ở trong đó có thể có tới mười mấy vạn người. Phước mà ngài tu được đó, trong lịch sử không tìm được mấy người vượt qua Lương Vũ Đế. Nhưng mà, trong tâm ngài cảm thấy mình có công đức, cái này đã rớt vào tâm danh lợi rồi, thậm chí còn cảm thấy bản thân mình ghê gớm, đây là phước đức, không phải công đức. Cho nên phải dùng sự tu hành chân thật để siêu độ cha mẹ, khiến cha mẹ được lợi ích.
Sư trưởng trong lúc giảng kinh có nhắc tới Ảnh Trần Hồi Ức Lục có một ví dụ, có một vị cư sĩ Lưu, ông đọc Kinh Lăng-nghiêm đã tám năm rồi, có lẽ đã thành tựu định huệ tương đối rồi. Định huệ này là công đức, cho nên ông có công đức có thể siêu độ thân nhân quyến thuộc của mình rồi. Cho nên vợ con quá cố của ông tìm tới ông nhờ giúp đỡ, ông nhận lời, họ liền đứng trên vai ông mà được sanh thiên. Ngay cả oan gia trái chủ, hai người đã từng kiện tụng với ông mà bị thua sau cùng đã tự sát, cũng tới tìm ông siêu độ.
Quý vị đồng đạo xem xong ví dụ này có khai mở được gì không? Chúng ta nghe sư phụ giảng kinh, phải dụng tâm dũng mãnh, dụng tâm hổ thẹn mà nghe. Tâm hổ thẹn là người ta có thể làm được, bản thân chúng ta cũng phải gắng sức làm cho được, “đời người trọng nhất là chữ sỉ”. Dùng tâm dũng mãnh thì sẽ tinh tấn dụng công. Cha mẹ, quyến thuộc nhiều đời của chúng ta bây giờ đang ở trong ác đạo có lẽ là rất nhiều nhiều. Kì lạ thay, tại sao họ không tới tìm chúng ta? Mọi người có từng nghĩ qua chưa? Bởi vì chúng ta không có năng lực để siêu độ họ nên họ tiếp tục chịu khổ. Nếu chúng ta thật sự có công phu này rồi thì cái duyên này sẽ có thể kết. Cho nên phải dũng mãnh tinh tấn độ tất cả chúng sanh thoát khỏi biển sanh tử. Chúng ta không nhất thiết phải đọc Kinh Lăng-nghiêm mới có thể khế nhập định huệ như vậy, chúng ta đã gặp được pháp môn niệm Phật rồi, một câu vạn đức hồng danh, “bất giả phương tiện”, ôi chao! Tuần sau thi rồi mà bây giờ quý vị vẫn không đọc tiếp được câu này sao? Vậy quý vị là nước tới chân mới nhảy rồi. “Bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai, đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế”. Khi quý vị đọc câu này đã không theo lời kinh mà quán chiếu, đọc câu “tịnh niệm tương kế”, hình như quý vị bị ép đọc thuộc câu này, ai ép quý vị vậy? Người đó đã bị phạm vào giới sát rồi, vì đã não hại chúng sanh.
Mỗi câu kinh văn, hãy đọc một cách nghiêm túc, có thể theo lời kinh mà quán chiếu. “Tịnh niệm tương kế”, thật sự dụng công niệm Phật tám năm thì chắc chắn sẽ có năng lực như vậy. Chúng ta thấy tứ chúng đệ tử có thành tựu trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, số người tại gia không ít, niệm Phật ba năm, năm năm đều có thành tựu rất cao. Cư sĩ Hoàng Trung Xương cách chúng ta gần nhất, anh còn rất trẻ, còn trẻ tuổi hơn tôi nữa, anh niệm hai năm mười tháng, không bệnh tật gì đã vãng sanh rồi, xá-lợi tử hiện nay được cúng trong Phật đường ở Thâm Quyến. Nói tới đây thì tôi cảm thấy không chỗ dung thân, theo sư phụ học Phật nhiều năm như vậy rồi mà công phu của mình còn kém xa những đồng tu này. Sự dũng mãnh tinh tấn này đối với chúng ta rất quan trọng, Tứ Hoằng Thệ Nguyện nói: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, đây là động lực căn bản. Hãy đem nỗi khổ của cha mẹ, của quyến thuộc nhiều đời đặt trong tâm mình, mau mau nâng cao bản thân để trợ giúp họ.