/ 49
151

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 36

Hiếu là thiên tánh, giáo dục là để quay trở về với thiên tánh

Giảng ngày 27 tháng 10 năm 2010

Quý vị đồng đạo, xin chào mọi người!

Chúng ta học tập Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, nói tới “trung hiếu hữu đễ”, nói tới đức hạnh “hiếu”. Hiếu là thiên tánh của con người, thánh nhân giáo hóa nhân dân đều là thuận theo thiên tánh mà giáo dục, cho nên Tam Tự Kinh mở đầu đã nói: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Giáo dục tức là quay về bổn thiện của con người, mà để quay về bổn thiện thì điều rất quan trọng chính là phải dạy “hiếu”. Chữ “hiếu” này cũng là thiên tánh của con người, “phụ tử hữu thân”, là sự hiển lộ rất tự nhiên. Vậy làm sao để giữ gìn nó, làm sao để nó càng phát huy rạng tỡ, hãy đem hiếu tâm này, ái tâm này, có thể mở rộng tới cả gia tộc, mở rộng tới xã hội đại chúng. Đây chính là công năng rất quan trọng của giáo dục hậu thiên.

“Hiếu” là thiên tánh, chúng ta quan sát em bé một hai tuổi khi ở chung với cha mẹ. Khi em nhìn thấy cha mẹ thì sự vui sướng, cảm giác an toàn của em hiển lộ trên gương mặt của em. Thậm chí khi em phạm lỗi, cha mẹ trách phạt em, em cứ chui vào lòng của cha mẹ, đây là thiên tánh. Quý vị xem em bé đó, thấy cha mẹ mình về nhà, liền giang hai tay ra chạy đến ôm lấy cha mẹ của mình. Quý vị nói việc này ai dạy em? Quý vị có từng thấy một người cha một người mẹ nào dạy con của họ là: “Này, khi mẹ bước vô nhà, con phải ôm mẹ thế này nhé!”? Không có dạy như vậy.

Mọi người có nhìn thấy có người nào đã sáu bảy chục tuổi vừa mở cửa liền kêu lên: “Cha! Mẹ!” không? Có. Quý vị xem, đạo diễn Trác Tuấn Kiệt, kể cả tiên sinh Cao Xương Lễ nguyên Bộ trưởng bộ Tư pháp ở Đại Lục. Bộ trưởng Cao đã hơn 70 tuổi rồi, mẹ của ông chín mươi bảy tuổi rồi. Ông vừa nói tới mẹ của mình, mặt mày rạng rỡ, ông nói, tôi còn có người có thể thương tôi! Sau đó ông nói, tôi làm cán bộ trong đơn vị của tỉnh, là cán bộ cấp tỉnh, đã là người năm sáu chục tuổi rồi, ông nói lúc ông sắp ra ngoài, cha của ông nói: “Nào, lại đây”. Ông nói ông đã ngoan ngoãn đứng lại chỗ đó, cha ông sờ sờ cái mũ của ông, chỉnh một chút: “Được, ổn rồi, con đi đi”. Sau đó ông liền “Dạ!”. Chúng ta có thể thấy tình cảnh đó, bộ trưởng Cao cả đời giữ gìn được sự cung kính và thân ái đối với cha mẹ. Chả trách ông cụ đã bảy mươi mấy tuổi rồi, bây giờ gặp được sự hoằng dương văn hóa truyền thống, tấm lòng son sắt đó được biểu hiện ra thành hiếu tâm đối với nền văn hóa của mình, ở sự tận tâm tận lực. Ở đâu có nhu cầu, ông lớn tuổi như vậy vẫn đi giảng dạy cho mọi người, cho mọi người tín tâm. Cho nên người trong đời này có hạnh phúc không, điều thứ nhất là có thể giữ gìn hiếu tâm và tiếp tục phát huy tâm hiếu, người này chính là người hạnh phúc vui vẻ nhất. Trong Nhị Thập Tứ Hiếu, Đại Thuấn mà chúng ta quen thuộc đã cả đời giữ gìn được hiếu tâm này. Hơn nữa không phải nói cha mẹ đối tốt với ngài thì ngài giữ gìn, cha mẹ đối với ngài không tốt ngài vẫn giữ gìn, “cha mẹ ghét, vẫn hiếu kính”, trong tâm chỉ có cha mẹ. Thường xuyên nghĩ tới, làm sao giúp cha mẹ tốt hơn, làm sao giúp cha mẹ hoan hỉ, tuyệt đối không thấy lỗi của cha mẹ.

Trong thời đại này, xã hội phát triển hết sức nhanh, người của hai ba thế hệ đối mặt với xã hội biến đổi nhanh chóng như vậy vẫn chưa nghĩ rõ ràng phải nên đi như thế nào là đúng, đi như thế nào là không đúng, cuộc đời không biết đã trải qua bao nhiêu năm tháng rồi. Rất nhiều phụ huynh khi tiếp xúc với Đệ Tử Quy, với văn hóa truyền thống, họ đều hết sức tự trách mình, hồi đó mình không hiểu, khi con cái còn nhỏ đều không biết, phải nên dạy các con như vậy mới đúng. Những người làm cha mẹ, họ đã dùng rất nhiều tâm huyết, công lao để chăm sóc gia đình, nhưng bởi vì ít tiếp xúc với văn hóa truyền thống, thậm chí không có, cho nên “người không học”, thì “sẽ không biết”. Họ không biết đạo của người làm cha, của người làm mẹ, nhưng họ lại rất muốn làm tốt, thật ra họ rất là khổ. Chúng ta xem bây giờ, nhất là việc mưu sinh trong các thành phố lớn không hề dễ dàng. Cả hai vợ chồng đều phải kiếm tiền mới nuôi nổi gia đình. Gánh vác về mặt thể lực cũng khá lớn rồi, về tới nhà còn có nhiều vấn đề nhân sự như vậy, còn phải giáo dục tốt con cái, người của hai ba thế hệ này thật sự đều là thân tâm khốn đốn mà đối mặt với gia đình, đối mặt với cuộc sống. Chúng ta bây giờ đã học văn hóa truyền thống, không được dùng những đạo lý văn hóa truyền thống này để yêu cầu cha mẹ của mình, điều này là quá hà khắc. Thời đại trước họ chưa được học, nhưng họ rất muốn làm cho tốt. Chúng ta thấu hiểu cái khó và sự khổ cực của cha mẹ, sau khi chúng ta học rồi thì càng khiến cho gia đình hòa hợp hơn. Cảm ơn sự cống hiến của cha mẹ trong mấy chục năm nay, cha mẹ có chỗ nào không thỏa đáng, chúng ta phải hoàn toàn bao dung. Thật ra, cha mẹ cảm thấy chính mình làm không thỏa đáng, họ còn buồn lòng hơn chúng ta! Chúng ta có thể thấu hiểu cái khó này của cha mẹ thì cục đá treo trong tâm cha mẹ sẽ được lấy xuống. “Người không biết, không có tội”, do không hiểu, nên họ làm không đúng, không nên chỉ trích họ nữa. Còn chúng ta học rồi, không chỉ không thấy lỗi của cha mẹ mà còn phải kì vọng chính mình: Mình đã học rồi, sau này bắt đầu từ mình, phải đem văn hóa truyền thống dân tộc truyền thừa lại, mình phải làm một người con tốt, sau này mình phải làm một người phụ huynh tốt. Đây mới là có chí khí, mới là tâm trạng đúng đắn, không thể đem sự oán trách, khiến mình có lỗi với người bên trên, cũng có lỗi đối với người bên dưới, đây là ngu si. Phải dùng lý trí để bao dung, phải dùng lý trí để gánh vác, đây mới chính là thái độ nhân sinh đáng quý. Và sự hành hiếu này, thật ra chỉ cần hiếu tâm thật sự phát lộ ra thì hành hiếu không khó. Chúng ta có thể từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống mà nhìn thấy cha mẹ không hề dễ dàng, nhìn thấy tình thương của cha mẹ đối với chúng ta, thấu hiểu được, cha mẹ thà hy sinh tính mạng cho con cái cũng không hề nuối tiếc. Tôi tin là trong quá trình trưởng thành của chúng ta, những lúc chúng ta bị bệnh, bệnh đến nỗi ngủ không được, đau khổ khôn nguôi, chúng ta tưởng tượng xem, cha mẹ còn đau lòng hơn chúng ta. Cha mẹ có thể đã từng ở trước giường bệnh chúng ta, cầu nguyện cùng ông trời: Xin ông trời đừng để con tôi khổ như thế này nữa, ông trời mau mau đem bệnh tật chuyển qua trên thân thể tôi. Cho nên, bản thân tôi cũng thường nhớ lại, tình thương của cha mẹ thật sự đều ở nhất cử nhất động trong cuộc sống này.

/ 49