/ 49
73

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 35

Luôn luôn nghĩ tới cha mẹ, cũng luôn luôn nghĩ tới trách nhiệm làm cha mẹ

Giảng ngày 26 tháng 10 năm 2010

Quý vị đồng đạo, xin chào mọi người!

Chúng ta tiếp tục xem câu kinh văn “trung hiếu hữu đễ”, mấy tiết trước đã có thảo luận với mọi người về chữ “trung” rồi. Và chữ “hiếu” này, nếu như dùng một ý để thể hiện tinh thần của văn hóa truyền thống của chúng ta thì chính là tinh thần của sự hiếu này, “trăm thiện hiếu đứng đầu”. Câu đầu tiên trong Tam Tự Kinh là: “Nhân chi sơ, tánh bổn thiện”, học tập văn hóa truyền thống tức là muốn khôi phục bổn thiện. Khôi phục bổn thiện phải bắt đầu từ hiếu đạo, cho nên hiếu đạo là cơ sở quan trọng nhất để khôi phục tánh đức, cũng là cơ sở làm người quan trọng nhất. Sách Luận Ngữ nói nói: “Hiếu và đễ là cái gốc của đạo làm người”. Mạnh Tử cũng nói: “Đạo của Nghiêu Thuấn chỉ hiếu đễ mà thôi”. Cả nền đạo thống, tinh thần trọng tâm nhất của nó chính là hiếu đễ.

Chữ “hiếu” này, chúng ta xem, phía trên là chữ “lão”, phía dưới là chữ “tử”, thế hệ trước còn có thế hệ trước nữa, thế hệ sau còn có thế hệ sau nữa, hợp lại với nhau thành chữ “hiếu”, thật ra nó chính là tinh thần nhất thể. Từ gia tộc mà nói, thế nào là tận hiếu? Thường xuyên nhớ tới phải báo ân của cha mẹ, tiếp theo là đem sự báo ơn này thực hành trong việc học của mình, trong công việc, trong xử sự của mình. Nếu như chúng ta còn đang đi học mà khiến cha mẹ lo lắng bất an, chúng ta không dụng công, không nỗ lực thì đó chính là bất hiếu, trong tâm không có cha mẹ. Thường xuyên đặt cha mẹ trong tâm mình, không phân ta người, đây mới là hiếu.

Nửa cuộc đời trước đây của chúng ta, khi chúng ta vẫn chưa được học tập văn hóa truyền thống, có thể đã có những hành vi bất hiếu khiến cha mẹ lo lắng không ít. Bây giờ đã học rồi thì phải nên “biết thẹn tức gần với dũng”, “những chuyện trước đây xem như hôm qua đã chết, những chuyện sau này xem như ngày nay mới sanh”. Học rồi mà còn tái phạm, đó là biết rõ mà vẫn phạm thì phải càng cảnh giác bản thân, hạ quyết tâm sửa tập khí, thực hành hiếu đạo, thực hành giáo huấn của cổ thánh tiên hiền.

Ở trong trường là học tập, chúng ta bây giờ tu hành cũng là học tập. Khi cha mẹ hoan hỉ chúng ta học Phật, tu đạo, chúng ta phải cố gắng tinh tấn để cha mẹ hoan hỉ, an lòng, việc này cũng là tận hiếu. Hơn nữa đời này tu đạo có thành tựu lớn, “một người đắc đạo, cửu tổ thăng thiên”, đây là sự hiếu kính còn cao hơn nữa.

Sự hiếu kính triệt để nhất là có thể dẫn dắt cha mẹ tu hành học Phật, đời này liễu thoát sanh tử, vãng sanh bất thoái thành Phật thì cái hiếu này mới được xem là viên mãn. “Phụ mẫu ly trần cấu”, trần cấu tức là sanh tử luân hồi, cha mẹ có thể thoát ly sanh tử, lại có thể đời này thành Phật, thì “tử đạo phương thành tựu”, đạo làm con mới được xem là viên mãn rốt ráo, đó là sự viên mãn đối với cha mẹ đời này của chúng ta. Đức Phật lại nói cho chúng ta sự thật, chúng ta trong sự luân hồi sanh từ từ vô thủy kiếp đến nay, tất cả chúng sanh đều đã từng làm cha mẹ chúng ta, “tất cả người nam là cha ta, tất cả người nữ là mẹ ta”. Thật sự hiểu rõ chân tướng này rồi thì hiếu tâm sẽ được mở rộng ra đến tất cả các chúng sanh.

Chúng ta tu đạo học Phật, tuân theo giáo huấn của Đức Phật, “tam thế chư Phật, tịnh nghiệp chánh nhân”, tất cả những người tu hành thành Phật đều đã thực hành tịnh nghiệp tam phước. Phước thứ nhất chính là “hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng”, câu nói này là từ sự hiếu kính với cha mẹ, sư trưởng trong đời này, mở rộng ra là hiếu kính với cha mẹ và sư trưởng đời đời kiếp kiếp. Như việc “phụng sự sư trưởng”, Phật môn nói: “Một Phật xuất thế, ngàn Phật ủng hộ”, chúng ta sẽ thấy Phật Bồ-tát đại từ đại bi, đại sự nhân duyên giáo hóa chúng ta của Thích-ca Mâu-ni Phật, không biết là có bao nhiêu cổ Phật đến phối hợp, thành tựu pháp duyên này. Người ta hễ hiểu rõ chân tướng này thì thật sự là vô lượng vô biên Phật Bồ-tát, đời đời kiếp kiếp đang hộ niệm chúng ta. Người thật sự cảm ngộ, thật sự hiểu lý rồi thì không đành lòng chà đạp tâm đại từ đại bi của Phật Bồ-tát.

/ 49