/ 49
58

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 34

Dùng lý trí, chớ dùng tình cảm để đối mặt với những thay đổi của nhân duyên, xin đừng quên cái tâm ban đầu

Giảng ngày 25 tháng 10 năm 2010

Quý vị đồng đạo, xin chào mọi người!

Mấy tiết học vừa qua chúng ta đều nói về câu kinh văn “trung hiếu hữu đễ”. “Trung hiếu” là điều căn bản của văn hóa truyền thống dân tộc, cũng là đức hạnh then chốt của sự truyền thừa gia đạo, gọi là “trung hiếu là gốc để truyền gia”. Nghĩa lý của hai đức hạnh “trung” và “hiếu”, nếu muốn hiểu rõ thì cần thật sự hạ công phu. Ví dụ chúng ta xem chữ “trung” này, trung với chính mình. Mình muốn thành tựu chính mình, mình đã tận tâm hay chưa? Không tận tâm tức là thẹn với lòng, tức là lừa gạt chính mình, đây chính là tâm lừa gạt. Tâm lừa gạt là gạt trời, là chà đạp bổn thiện của mình, tự tánh của mình.

Tìm được mấy người thật sự trung với bản tánh chân như của mình? Chúng ta tùy thuận tập khí là bất trung với chính mình, với chính mình mà không trung thì là đang lừa gạt chính mình, làm sao trung với người được? Thương mình mới có thể thương người, giúp mình mới có thể giúp người. Dùng chân tâm hơn nữa lại thường xuyên dùng chân tâm thì lòng trung này mới có thể làm trọn vẹn. Trung với cha mẹ của mình, với người thân, với một nửa kia của mình. Làm tròn bổn phận chức trách này đối với con cái, nuôi dưỡng các em, còn phải giáo dục các em trưởng thành, giáo dục các em hiểu chuyện, có thể trở thành trụ cột của xã hội, đây là tận trung. Nếu như chúng ta không giáo dục tốt con trẻ để con trẻ trở thành gánh nặng của xã hội thì chúng ta bất trung với xã hội. Tại sao người ta khi bước vào cuộc sống hôn nhân, hôn lễ lại long trọng như vậy? Vì phải có trách nhiệm với gia tộc, cũng phải có trách nhiệm với cả xã hội, đây cũng là trung.

Thái độ trung này, tôi phát hiện một hiện tượng rất vi diệu. Khi tôi tiếp xúc với phụ huynh có học lực không cao, họ thường hay nói: “Tôi không nói con của tôi sau này phải có học lực cao bao nhiêu, nhưng ít ra, nó không được gây nguy hại cho xã hội”. Họ có khái niệm này. Ngược lại, những phụ huynh có học lực cao, chỉ vì một chút việc nhỏ có thể đến trường học tranh cãi. Người có học lực cao thì lấy đạo lý đè người; còn những người có học lực thấp lại thường hay nghĩ là mình phải có trách nhiệm với xã hội.

Trong cả hệ thống giáo dục của chúng ta, phải nên không ngừng nâng cao đức hạnh của mỗi người chứ không phải chỉ có tri thức của họ mà thôi. Mấy đời người chúng ta, thế hệ ông bà nội của chúng ta không biết chữ, nhưng vẫn trung hiếu tồn tâm; còn chúng ta bây giờ ai cũng tốt nghiệp đại học nhưng không biết thế nào là trung hiếu, ngay cả trung hiếu cũng không nhận thức được. Cho nên cái “gốc” này, phải tìm được, đức là gốc, trung hiếu là gốc vậy.

Chúng ta là những giáo viên, chúng ta là những người làm cha mẹ, giáo dục con trẻ mà ngay cả căn bản cũng không dạy các em thì sai lầm này là rất lớn. Tam Tự Kinh đã nhắc nhở chúng ta: “Nuôi không dạy, lỗi của cha; dạy không nghiêm, lỗi của thầy”. Người tu hành không suy nghĩ về hướng này, luôn cảm thấy bản thân mình tu rất khá, nền tảng quan hệ ngũ luân suy kém đến mức hồ đồ, nhân đạo còn giữ không được mà còn thành Phật đạo sao? Đại sư Ấn Quang từ bi, biết được nghe Phật pháp là nhân duyên trong trăm ngàn vạn kiếp, sợ chúng ta tu mà không biết cảnh giới của mình đã tới đâu, vấn đề nằm chỗ nào, lời giáo huấn mà Ngài thường nhắc tới nhất là “đôn luân tận phận”, đây là vì bạn bè và quyến thuộc có duyên trong đời của chúng ta, vì các đồng nghiệp trong công việc của chúng ta, ta phải làm tròn bổn phận; “nhàn tà tồn thành”, phải canh giữ cho tốt khởi tâm động niệm của mình, không được gạt mình, không được gạt người.

Chữ “trung” này, mở rộng ra xã hội, mở rộng ra quốc gia, chúng ta bất luận là làm trong ngành nghề nào, làm trong lĩnh vực nào, cũng đều phải tận trung. “Trung” trên thực tế là không lúc nào mà không đang thực hành đức hạnh. Kể cả mở rộng tới đệ tử Phật chúng ta, cũng phải vì Phật môn mà tận trung. Chúng ta lần trước đã nhắc tới, tôn giả A-nan khi khai ngộ đã nói rằng: “Tận thử thâm tâm phụng trần sát, thị tắc danh vi báo Phật ân”. Chữ “tận” này tức là từ bây giờ cho tới khi sanh mạng này kết thúc, thậm chí là vị lai vô tận, đều không thay đổi thái độ này, đây là chân tâm, là tận trung. Chúng ta thật sự có lòng trung này, nhưng có thể giữ gìn được hay không? Cho nên phát tâm thì dễ, giữ tâm khó. Ví dụ chúng ta theo đuổi công việc hoằng pháp lợi sinh, hoằng dương văn hóa truyền thống dân tộc, khi đến đây thì đều có sứ mệnh. Cho nên người muốn giữ gìn lòng trung, giữ gìn lý trí thì không được quên tâm ban đầu: “Tôi tới đây là để làm gì?”, phải thường xuyên giữ gìn tâm trạng này, “Tôi tới đây là vì Phật pháp, vì chúng sanh”. Giữ gìn được mới có thể trung, mới có thể có chân tâm; không giữ gìn được thì tùy thuận tập khí rồi, có thể khi đang xử sự với đại chúng thì xung đột đối lập với người ta, thấy người không thoải mái, bất mãn, oán trách, lòng trung này sẽ không được giữ gìn.

/ 49