/ 49
166

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 33

Hiếu thuận, trung thuận, thuận theo tánh đức, không thuận theo tập khí.

Giảng ngày 23 tháng 10 năm 2010

Kính chào quý vị trưởng bối, đồng đạo, xin chào mọi người!

Hôm qua chúng ta nhắc tới chữ “trung” dùng trong cuộc sống, công việc, trong sự đối nhân xử thế tiếp vật của chúng ta, nhất là ở trong đoàn thể, trước hết, “phục tùng là cái gốc của trách nhiệm”. Ở trong gia tộc, trong gia đình, phải nghe lời của cha mẹ, nghe lời của tôn trưởng. Nếu mỗi người trong gia tộc đều có ý kiến của mình thì sẽ biến thành xe ngựa nhiều đầu. Đối mặt với quyết định quan trọng của gia tộc, vẫn phải nghe lời tôn trưởng. Từ gia đình cho tới xã hội đoàn thể cũng là như vậy, phải có trật tự lớn nhỏ thì đoàn thể này mới không bị loạn. Tất nhiên, biết phục tùng thì mới có thể từ trong đó lĩnh hội đạo quân thần, mới có thể diễn tốt vai trò của mình, làm tròn bổn phận của mình.

Văn hóa truyền thống là hết sức viên dung, chúng ta biết phục tùng, nhưng không có nghĩa là khi lãnh đạo sai sót, chúng ta vẫn cứ thuận tùng. “Hiếu thuận” và “trung thuận” đều là thuận theo tánh đức của cha mẹ, không phải thuận theo tập khí của cha mẹ, cũng không phải thuận theo tập khí của lãnh đạo. Cho nên “cha mẹ lỗi, khuyên thay đổi, mặt ta vui, lời ta dịu”. Chúng ta phụng hành câu giáo huấn này trong Đệ Tử Quy, nhìn thấy cha mẹ, nhìn thấy lãnh đạo có lỗi lầm, chúng ta khuyên bảo họ, giúp họ sửa lỗi. Cho nên muốn tốt cho họ thì hãy suy nghĩ cho họ, thật sự muốn họ có thể tiếp thu mà sửa lỗi. Nếu như chúng ta nóng giận, chúng ta đối lập thì không sao giúp được họ, thậm chí sự việc càng làm càng bế tắc, vậy thì trái nghịch với cái tâm ban đầu chúng ta muốn tốt cho họ. Cho nên người làm bất kì việc gì, đầu óc phải giữ gìn lý trí, tỉnh táo, mục đích của mình làm việc này là cái gì? Thường thì là làm mãi làm mãi, sẽ xa rời mục đích này, bị tập tính của chúng ta kéo đi mất. Bị kéo đi thì bất trung, tâm bị lệch lạc. Nếu muốn người khác tiếp thu thì hãy để ý đến tình người, “mặt ta vui, lời ta dịu”, đừng hung dữ quá thì người ta mới dễ dàng tiếp thu. Cho nên “quân tử chi sự thân hiếu, cố trung khả di ư quân” (quân tử hiếu thuận cha mẹ thì mới có thể đem tâm hiếu ấy chuyển sang trung với lãnh đạo). Sự nhu thuận, tận tâm đối với cha mẹ đã được nội hóa rồi, khi họ ở trong đoàn thể làm thần tử của người khác thì họ sẽ có thái độ chuyển hiếu thành trung.

Chúng ta đang phục vụ cho quốc gia, xã hội. Ở trong đoàn thể, nếu như có đối lập xung đột với lãnh đạo, rất có thể chúng ta cần phải nghĩ lại, hiếu đạo của chúng ta còn phải tu sửa lại, nâng cao lên. Chúng ta nhìn thấy lỗi của lãnh đạo, có thể bản thân chúng ta cũng sẽ nhìn thấy lỗi của cha mẹ. Chuyển hiếu thành trung, khi trung có điều thiếu sót thì căn nguyên là nằm ở gốc hiếu đạo. Chúng tôi cũng thường nói với các đồng đạo rằng, tu hành không đắc lực, tập khí chế phục không được là do cái gốc hiếu đạo không đủ. Hiếu Kinh nói: “Kẻ thương cha mẹ, không dám ác với người”. Nếu vẫn còn ghét bỏ người, vẫn còn chán ghét người, thậm chí vẫn còn tổn hại người thì tâm yêu thương này vẫn chưa thật sự triệt để phát lộ ra. Chúng ta xem, hiếu tử làm quan thương dân như con, tánh đức của họ, hiếu đạo đã hoàn toàn phát lộ ra ngoài. “Người kính cha mẹ sẽ không dám ngạo mạn với người”, đối với cha mẹ hoàn toàn kính yêu thì họ đối với người khác sẽ không ghét bỏ và ngạo mạn. Cho nên điều phục tập khí phải bắt tay từ hiếu đạo. Lần này sư trưởng tới trung tâm chúng ta giảng Đại Kinh Giải, có một vị hội trưởng của Tịnh Tông Học Hội chúng ta mời sư phụ khai thị, nói là tập khí rất khó đối trị, phải làm sao? Sư phụ trả lời, phải bắt đầu từ hiếu đạo triệt để. Giáo huấn này đối với sự tu đạo của chúng ta vô cùng quan trọng.

Cho nên phước thứ nhất trong Tịnh Nghiệp Tam Phước cũng là cái căn bản lớn quan trọng nhất, đó là “hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng”. Chúng ta thật sự đặt sư trưởng ở trong tâm, luôn luôn nhớ về, phải thực hành giáo huấn của sư trưởng, thực hành giáo huấn của Đức Phật; luôn luôn nhớ về, không thể để sư trưởng mất mặt. Thường xuyên giữ gìn tâm này, tuyệt đối không có ác ngôn ác ngữ, cẩn thận cảnh giác, không dám phóng túng tập khí. Cho nên một người có hiếu kính đối với cha mẹ, đối với sư trưởng thì đạo nghiệp chắc chắn sẽ “tăng đức hạnh, ít lỗi lầm”.

/ 49