/ 49
66

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 32

Thần tử nên làm thế nào để diễn tốt vai trò của mình trong đoàn thể

Giảng ngày 22 tháng 10 năm 2010

Quý vị đồng tu, xin chào mọi người!

Chúng ta nói tới “trung hiếu hữu đễ” trong kinh văn, “dụng trung” tức là dùng chân tâm đối nhân xử thế tiếp vật. Mục tiêu chúng ta tu học văn hóa truyền thống là khôi phục bổn thiện, khôi phục tánh đức, cho nên thường xuyên ở trong khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác, chúng ta biết dùng lòng trung, dùng chân tâm thì thường xuyên đều là đang trở về với tự tánh.

Trong sách Trung Dung có nói rằng: “Trí trung hòa, thiên địa vị yên, vạn vật dục yên” (đạt tới Trung và Hòa thì trời đất được định vị (an vị), vạn vật sinh nở), dùng chân tâm có thể đạt được nhân hòa, có trung mới có thể có hòa. Không biết mọi người đã đến viện bảo tàng Cố Cung ở Bắc Kinh chưa? Cố Cung có ba tòa kiến trúc chủ yếu: điện Thái Hòa, điện Trung Hòa, điện Bảo Hòa. Thái Hòa là chỉ về bản tánh, tức là chân tướng “vũ trụ và ta đều là một thể”, mở rộng ra tức là ý nghĩa của hiếu đạo. Nhất thể, chữ “hiếu” này phía trên là chữ “lão”, phía dưới là chữ “tử”, thế hệ trước còn có thế hệ trước nữa, thế hệ sau còn có thế hệ sau nữa, quá khứ vô thủy, vị lai vô chung, là một chỉnh thể. Thái Hòa tượng trưng cho sự hiển lộ chân tướng nhất thể, “mười phương tam thế Phật, cùng chung một pháp thân”, tức là sư phụ gần đây có nói về “tự tánh thanh tịnh viên minh thể”. Một người nếu như khế nhập chúng sanh và tôi là một thể thì người này đã chứng pháp thân, đã khôi phục tự tánh rồi. Tất nhiên điều này là mục tiêu của chúng ta.

Sư phụ thường nói tới một ví dụ mà mọi người rất khó lý giải. Ở trong biển lớn, biển lớn là chỉnh thể, cái này là cái tôi vốn có của chúng ta. Vũ trụ đều là tự tánh chúng ta biến hiện ra. Nhưng trong biển lớn này lại có một bọt nước nhỏ, liền chấp trước bọt nước nhỏ này mới là tôi, không phải biển lớn là tôi. Chấp trước bọt nước nhỏ này rồi thì không gian hoạt động của nó chính là bọt nước nhỏ này, không bao la như biển lớn kia. Chúng ta bây giờ đang chấp trước thân thể này là tôi, cũng giống như bọt nước nhỏ này, không ra khỏi bọt nước nhỏ này được, nên mới ở trong lục đạo luân hồi. Bản lai diện mục của chính mình là biển lớn, là cả hư không pháp giới, cho nên sự chấp trước này rất oan uổng. Khi chấp trước cái thân này là tôi rồi thì phần lớn trí huệ, đức năng, phước phần đều không thể khởi tác dụng được, bị sự chấp trước, sự mê hoặc của chính mình làm chướng ngại mất. Có thể cái bọt nước này lại cùng với một bọt nước khác sanh đối lập, sanh xung đột. Ai đồng ý đem bọt nước này chọc thủng đi thì nó sẽ khôi phục lại pháp thân vốn có, tức là Thái Hòa. Tấm lòng của họ, khí thái hòa, tấm lòng của họ là tâm bao thái hư lượng châu sa giới. Họ đã chứng pháp thân nhất thể rồi, cũng giống như thân thể của con người, chỗ nào thấy không thoải mái, họ lập tức đồng cảm thấu hiểu đi giúp đỡ. Đây chính là Phật Bồ-tát khế nhập pháp thân, chúng sanh có cảm, Phật Bồ-tát có ứng, cứu khổ cứu nạn, đây là hiển lộ năng lực vốn có, tánh đức vốn có của các ngài, không hề miễn cưỡng chút nào.

Cho nên Thái Hòa là dạy về nhất thể, dạy về hiếu; Trung Hòa là dạy về trung, dụng trung mới có thể tận lòng trung; Bảo Hòa là có thể giữ gìn trung hiếu, phải giữ gìn được, phải tiếp tục nâng cao lên. Cho nên Thái Hòa là bản tánh, Trung Hòa, Bảo Hòa là khởi dụng của tánh đức. Tánh đức vừa khởi dụng thì họ sẽ không lệch lạc, sẽ chí công vô tư, họ sẽ lấy đại cục làm trọng. “Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa”, họ sẽ nhẫn nhục gánh vác, cái này là Bảo Hòa. Cho nên tâm có thiên lệch thì sẽ không thể nào không tự tư tự lợi, sẽ không thể nào không đối lập với người, thì không đạt được hòa. Cho nên có trung mới có hòa, có hòa mới có bình, có bình mới có an, có an mới có lạc. Cho nên muốn đạt được hòa bình an lạc, điều quan trọng nhất là tâm địa của chúng ta phải chân thành, phải phù hợp với trung đạo. Cho nên tại sao nói “y báo tùy theo chánh báo chuyển?” Vẫn phải hạ công phu từ trong tâm địa của chính mình.

/ 49