CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt
Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia
Tập 31
Trung Hiếu chính là tận tâm tận lực hoàn thành bổn phận của chính mình
Giảng ngày 21 tháng 10 năm 2010
Quý vị đồng tu, xin chào mọi người.
Chúng ta nói tới phần “trung hiếu hữu đễ” trong kinh văn, chữ “trung” này, lão tổ tiên chúng ta sáng tạo chữ, đã đem trí huệ, triết lý nhân sinh hàm nhiếp vào trong chữ này. Phía trên chữ trung là chữ “trung” trong từ trung gian, phía dưới là chữ “tâm”, cho nên tâm phải đi trong trung đạo, phải trung dung, không được lệch lạc, thiên vị, thiên lệch, tâm hễ lệch thì không phải trung. Ví dụ, chúng ta bây giờ đang học tập Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, có phải trung không? Phải tận tâm học là trung, không nghiêm túc học, giải đãi, ứng phó thì không phải trung. Chúng ta nếu như giải đãi, không dụng tâm, không tận tâm là bất trung đối với ai? Trước hết là bất trung đối với chính mình, chà đạp thân người khó được, cơ duyên khó được nghe Phật pháp của mình. Cho nên tinh tấn, dũng mãnh là lòng trung đối với chính mình, để thành tựu chính mình.
Đã là tận tâm tận lực, cái gì nên thuộc lòng thì phải thuộc lòng. Tuần lễ này chúng ta có kiểm tra, tuần sau có cần kiểm tra một chút không? Quý vị đồng tu, có cần không? Cần. Quý vị đã biết dùng trung rồi đấy, phải không? Thật ra trong tâm rất muốn nói không cần, quý vị bị áp lực. Nhưng chúng ta phải nghĩ một chút, nếu như không có áp lực như vậy, chúng ta có dễ bị giải đãi, dây dưa, lãng phí thời gian không? Cho nên quý vị đừng trách tôi. Tuần lễ sau, chúng ta tìm một ngày để thi, tìm một ngày vui vẻ nào đó để làm bài thi. Thi cái gì? Đề thi của tuần sau là Tam Phước, Lục Hòa, Tam Học, Lục Độ, Phổ Hiền Thập Nguyện, năm cương lĩnh phải học thuộc lòng hết. Quý vị đều cười rất vui vẻ, ít quá mà, phải không? (Cười). Được. Quý vị bây giờ có thể cười rất vui vẻ, nghĩa là biết trung với chính mình thì hoan hỉ, tương ứng với tự tánh liền vui vẻ.
Sư phụ hết sức phương tiện thiện xảo, sợ chúng ta đối với chân tâm, lòng trung lĩnh hội không sâu sắc, nên đã đem chân tâm này, dùng năm góc độ để khiến chúng ta càng thêm lĩnh hội chân tâm. Sư phụ nói, phát Bồ-đề tâm là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi.
Chúng ta hãy cảm nhận một chút: Một người không chân thành thì họ sẽ không trung. Họ ứng phó, họ hư ngụy thì chắc chắn không trung. Cho nên “trung” là “trong không gạt mình”, không lừa gạt chính mình, “ngoài không gạt người, trên không gạt trời”. Chúng ta nói khởi tâm động niệm không có ai biết, đó là gạt mình, gạt người, lại gạt trời, tuyệt đối không thể hư ngụy, ứng phó, đây là trung. “Thanh tịnh”, hễ bị nhiễm chấp rồi thì tâm đã bị lệch, cũng là không trung. Ngược lại với “bình đẳng” là ngạo mạn, chúng ta hễ ngạo mạn thì tâm liền lệch rồi, đối với người sẽ không cung kính, không trung. “Chánh giác” tức là không mê, người mê rồi, ngu si rồi sẽ chà đạp chính mình, vậy đối với chính mình cũng bất trung. “Từ bi”, từ bi là chân tâm, người mà tánh đức hiển lộ thì nhất định từ bi đối với người khác, nếu như tự tư tự lợi thì không khởi được tâm từ bi, cái tâm này cũng bị lệch lạc, bị dục vọng làm chướng ngại. Sư phụ thường nói, phải buông bỏ mười sáu chữ này, bị mười sáu chữ này làm chướng ngại tức là không dùng lòng trung, chân tâm. Sư phụ dùng năm tâm này khiến chúng ta dễ dàng nhắc nhở chính mình, có đang ở trong chân tâm, trong lòng trung không.
Giáo huấn của cổ thánh tiên hiền luôn dạy chúng ta dùng trung, dùng chân tâm, không được để cho lệch lạc. Những lúc nào không thể lệch lạc? Những lúc tu hành phải giải hành tương ưng, không thể lệch sang giải, cũng không thể lệch sang hành. Lệch sang giải thì đó là “chỉ bề ngoài, thành người gì”; còn lệch sang hành thì đó là “theo ý mình, mù lẽ phải”. Người khéo học, những lúc đang nghe kinh, đang thâm nhập kinh nghĩa thì lập tức khởi quán chiếu về sự đối nhân xử thế tiếp vật trong cuộc sống, cái này chính là trong “giải” họ đã có “hành”. Thậm chí là những lúc lý giải, đang nghe kinh, đang đọc kinh, lập tức có thể chuyển biến tâm của chính mình, đó là trong “giải” đã có “hành”. Vào thời Đức Phật còn tại thế, rất nhiều đệ tử nghe kinh nghe được một nửa đã khai ngộ, nghĩa là họ “hành” rồi, họ nghe hiểu rồi lập tức buông bỏ phân biệt, chấp trước thì giải hành của họ lập tức tương ưng, họ liền chứng quả. Chúng ta trên con đường tu học, cảm thấy không thể nâng cao cảnh giới được, điều này có thể có liên quan tới giải hành không tương ưng, bị lệch mất rồi, không đi trong trung đạo. Trong “hành” có “giải”: Một người khi đang làm việc, đang xử sự, luôn luôn có một tính cảnh giác rất tự nhiên, “Những điều mình đang nói, đang làm có tương ứng với kinh điển hay không?”, khéo quán sát tâm mình, cái này cũng là trong “hành” có “giải”.