/ 49
161

CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ

THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN

Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc

Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt

Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia

Tập 30

Trung Hiếu là nền tảng của làm người, cũng là nền tảng của sự tu học

Giảng ngày 20 tháng 10 năm 2010

Quý vị đồng tu, quý vị huynh trưởng, xin chào mọi người!

Chúng ta tiếp tục xem kinh văn Thái Thượng Cảm Ứng Thiên là: “Trung hiếu hữu đễ”.

Chúng ta thường nói “trung hiếu” là gốc để truyền gia. “Trung hiếu” cũng là gốc để lập thân, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ của một người. Cho đến người tu hành có thể khai ngộ chứng quả, có thể làm Phật, làm Bồ-tát cũng đều là xây dựng trên nền tảng của sự trung hiếu. Nếu như họ làm được trung hiếu 100% thì trên thực tế họ là Phật trong cõi người. Thập pháp giới y chánh trang nghiêm, cõi người có Phật Bồ-tát, cõi người cũng có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Từ trong hành vi của họ có thể quan sát thấy được, họ chí công vô tư, chí hiếu, hiếu thảo cha mẹ, hiếu với Phật Bồ-tát thì họ chính là Phật Bồ-tát trong cõi người; nhưng nếu như họ bất trung bất hiếu tới cực điểm thì có thể sẽ là cõi địa ngục trong cõi người. Cho nên thế gian, xuất thế gian muốn có thành tựu, đều phải xây dựng trên nền tảng của sự trung hiếu. Thái Thượng Cảm Ứng Thiên chú giải nói rằng: “Vi thần tận trung, vi tử tận hiếu, nãi thiên lý chi thường” (làm thần tận trung, làm con tận hiếu là thường đạo trong trời đất), đây là đạo lý rất tự nhiên, là căn bản của nhân luân.

Giáo dục trung hiếu hết sức quan trọng. Nếu người không biết trung hiếu thì họ rất khó giữ được thân người. Chúng ta cảm thấy rằng, những trưởng bối có sự huân tập văn hóa truyền thống dân tộc thì đặc biệt xem trọng trung hiếu. Quý vị xem các cụ của chúng ta, thế hệ ông bà nội, thấy chúng ta sắp đi làm rồi, đều căn dặn: “Đi làm cho tốt nhé, đừng có lỗi với người ta”, đây đều là rất nhân hậu. Tôi nghe chủ tịch Lưu Phương kể là khi cô sắp lấy chồng, cha mẹ của cô, nhất là cha của cô đã dặn dò cô “Phải làm việc”, đây là điểm thứ nhất. Điểm thứ hai là “Đừng gây thêm phiền phức cho người ta”. Thứ ba, “Đừng làm mất mặt”. Ba câu nói này là lời dặn dò của cha mẹ đối với con gái đi lấy chồng.

Tôi nghĩ lại, ông bà nội, cha mẹ chúng ta, khi chúng ta sắp đi làm thần tử cho người ta, họ cũng dặn dò chúng ta như vậy. Con sắp tới đơn vị này làm việc rồi, người ta tin tưởng chúng ta, dùng chúng ta, chúng ta phải nên chủ động mà làm việc, việc người khác không chịu làm thì mau gánh vác lấy, chịu thiệt là phước. Điều này trên thực tế cũng là như vậy, làm nhiều rồi, tu phước, tu năng lực, tu trí huệ. Quý vị nói xem, làm nhiều để tu trí huệ? Hãy làm nhiều, ít so đo thì tham sân si mạn sẽ nhạt bớt; thường hay so đo, thảy đều là tham sân si, tham sân si khởi lên, trí huệ làm sao khởi? Tham sân si càng nhạt, phiền não nhẹ thì trí huệ tăng. Những đạo lý này đều tương thông với nhau: Đừng thêm phiền phức cho người ta, đừng thêm phiền phức cho lãnh đạo, cũng đừng thêm phiền phức cho đoàn thể. Cho nên lòng trung này phải thường xuyên quan sát đại cục. Trung thần trước đây vì quốc gia, vì quân vương, đều là sát thân thành nhân, xả thân vì nghĩa, kinh thiên địa, khốc quỷ thần, đây là thánh hiền giữa nhân gian, họ đều có khí khái, tấm lòng như vậy. Chúng ta bây giờ muốn tu pháp xuất thế, hy vọng được làm Phật, làm Bồ-tát mà ngay cả tự ngã cũng buông không được, tự tư tự lợi buông không được, tùy thuận tập khí, làm chướng ngại người khác, làm chướng ngại đoàn thể, vậy điều này hoàn toàn đi ngược lại với mục tiêu. Đây là gạt mình, gạt người rồi. Gạt mình là bất trung với bản thân, gạt người là bất trung với người khác.

Điểm thứ hai là “đừng để mất mặt”. Đừng để mất mặt của mình là trung với chính mình, đừng để mất mặt cha mẹ là trung với cha mẹ của mình và gia đình của mình. Hôm qua chúng tôi cũng nhắc với mọi người, mỗi người đại diện cho đoàn thể của chính mình. Hồi chúng ta còn nhỏ thì đại diện cho gia đình, nếu làm những việc gì không thỏa đáng thì người ta bất mãn nói rằng: “Đứa nhỏ này thật không có gia giáo!”, đó chẳng phải làm mất mặt gia đình mình sao? Cái “trung” này là tận tâm tận lực, phải nên làm quang vinh tổ tiên, nếu để người ta sỉ nhục cha mẹ và tổ tiên của mình thì là bất trung.

/ 49