CHIA SẺ NHỮNG ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ
THÁI THƯỢNG CẢM ỨNG THIÊN
Chủ giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Chuyển ngữ: Ban biên tập Học Làm Người Tốt
Giảng tại: Trung Tâm Giáo Dục Văn Hóa Truyền Thống – Malaysia
Tập 29
Từ tâm đối với muôn loài: Yêu thương sanh mạng, quý trọng huệ mạng
Giảng ngày 18 tháng 10 năm 2010
Quý vị trưởng bối, quý vị đồng tu, xin chào mọi người!
Chúng ta tiếp tục câu kinh văn tiếp theo: “Từ tâm ư vật” (từ tâm đối với muôn loài). “Từ” là từ bi, tức là ái tâm mà người thế gian nói đến. Thông thường Nho Đạo Phật dùng từ “từ bi” nhiều hơn, không dùng “ái tâm”, bởi vì ái sanh từ tình, còn bi thì sanh từ trí huệ. Tình thì rất dễ thay đổi, không đáng tin cậy, thậm chí chính mình cũng không khống chế được cái tình này. Người có thể khống chế được tâm trạng thì sẽ không nổi nóng. Nếu không khống chế được cái “tình” (tâm trạng) thì vợ chồng sẽ ly hôn, bạn bè quyến thuộc sẽ biến thành oan gia đối đầu. Tu hành là chuyển tình thức thành trí huệ, “tình sanh trí cách”, tình chấp vừa khởi thì trí huệ sẽ bị chướng ngại. Ái tâm của Phật Bồ-tát không đổi, nó là vĩnh hằng, cho nên gọi là từ bi. Từ bi là sự hiển lộ của lý tánh, của tánh đức, cho nên gọi là từ bi của sự từ bi, bình đẳng chân thật.
Một người tu hành chân thật, một người thật sự thấu suốt có ba đặc trưng: Thứ nhất, tâm địa họ chân thành, chí thiện, Nho gia nói là “chỉ ư chí thiện”. Họ chỉ thuần có một thiện tâm, đối nhân xử thế tiếp vật đều dùng thiện tâm đối với người. Đặc điểm thứ hai, họ chỉ thuần là tâm thương người. Họ sẽ không nghĩ cho bản thân, giống như người mẹ chăm sóc con của mình, dù vất vả đến đâu họ cũng chưa từng oán trách, đều là vì con cái. Tôi đã từng nghe một người mẹ nói rằng, con của cô vừa mới ra đời chưa được mấy tháng, muốn biết sức khỏe của bé có ổn định không, ví dụ nói hệ thống dạ dày có tốt không, quý vị phải quan sát phân của bé, xem hình trạng của nó, màu sắc của nó. Điều người mẹ này chuyên chú là em bé này có khỏe mạnh không, cô không ghét bỏ phân này dơ bẩn, khó ngửi. Người mẹ đó nói, tôi cảm thấy phân của con mình không hôi thối chút nào, thậm chí còn thấy nó thơm thơm. Tôi cảm thấy như vậy là bởi vì khi nhìn thấy trạng thái của cái phân đó, cô biết con mình rất khỏe mạnh, cô sẽ rất vui mừng. Đây thật sự không có tơ hào ghét bỏ, luôn luôn suy nghĩ cho em bé này, đây chính là tâm đơn thuần yêu thương người. Đặc điểm thứ ba, thuần là một tâm làm lợi ích cho chúng sanh. Phật môn có nói: “Từ bi vi bổn, phương tiện vi môn”. Ái tâm từ bi là điều căn bản nhất, là cơ sở tu hành căn bản nhất trong tất cả tôn giáo.
Chúng ta trên con đường tu học luôn tiến tiến thoái thoái, xuất hiện đủ thứ tình hình, sanh phiền não, luôn luôn là do không thể giữ gìn tâm từ bi, điểm này đáng để chúng ta bình tâm quan sát. Những lúc chúng ta có phiền não, đó là vì sự tự tư tự lợi của mình đã hiện tiền rồi, tham sân si mạn hiện tiền rồi. Nếu luôn luôn suy nghĩ cho chúng sanh, không còn ngã chấp nữa thì làm sao có tham sân si mạn được? Cho nên hễ có phiền não, chúng ta hãy nhắc nhở bản thân: Tâm từ bi của mình không đủ rồi.
Trong Cảm Ứng Thiên Vựng Biên có nhắc tới, từ là cái gốc của vạn thiện, tức là tâm nhân hậu, hơn nữa sự từ bi này biểu hiện ở đâu? Thường là ở việc cứu tế nghèo khổ, đó là những người quan quả cô độc đáng thương, “tế bần bạt khổ”. Ngoài ra còn có “giới sát phóng sanh”. Nói tới giới sát phóng sanh, tức là tâm từ bi này không chỉ đối với người. Mạnh Tử đã nói “thân thân nhi nhân dân”, thương yêu người thân của mình, rồi mở rộng ra đối với tất cả mọi người. Cho đến “nhân dân nhi ái vật”, họ trở nên thương yêu tất cả sanh mạng, thậm chí còn là thương yêu tất cả chúng sanh, chúng sinh vô tình và hữu tình, họ đều thương yêu, quý trọng.
Trong Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo có một chú giải về từ bi: “Từ trang nghiêm cố, ư chư chúng sanh, bất khởi não hại; bi trang nghiêm cố, mẫn chư chúng sanh, thường bất yếm xả” (dùng từ để trang nghiêm là đối với chúng sanh không khởi tâm làm não hại. Dùng bi để trang nghiêm là thương xót hết thảy chúng sanh, không từ bỏ, không ghét bỏ). Chúng ta cần tu tứ vô lượng tâm, đó là từ bi hỉ xả. “Hỉ trang nghiêm cố, kiến tu thiện giả”, nhìn thấy một người tu hành, “tâm vô hiềm tật”, sẽ không ghét bỏ, đố kị họ, đây là điều phục tâm đố kị của con người. Thường thì ta nhìn thấy người khác có đức hạnh thì dễ sanh tâm đố kị, nhất là giữa những người cùng giới, đặc biệt dễ đố kị. “Xả trang nghiêm cố”, chúng ta đều nói phải tu “từ bi hỉ xả”, từ chỗ nào tu “xả”, tu buông bỏ đây? “Ư thuận vi cảnh, vô ái khuể tâm”, thuận cảnh không sanh tham ái, nghịch cảnh không sanh sân hận. Câu nói này nếu như cảm nhận được thì có chỗ nào không phải là đạo tràng? Tất cả môi trường nhân sự, môi trường vật chất đều là đạo tràng, đều luyện sự không phân biệt, không chấp trước. Bốn câu này, sáng ngày mai cho thi, mỗi ngày học thuộc bốn câu. Quý vị có thắc mắc gì không?